Nghiên cứu sử dụng năng lượng mặt trời để cấp điện trong nuôi tôm

15:33, 11/05/2018

Đó là một trong những giải pháp mà Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đang nghiên cứu triển khai, để góp phần đảm bảo cung cấp điện phục vụ nuôi trồng thủy sản tại miền Nam.

Nhiều chương trình tiết kiệm điện của ngành Điện đã giúp ngành nuôi trồng thủy sản phát huy hiệu quả - Ảnh: Đại Dương.

 

Hội thảo quốc tế về "Tích hợp hệ thống nuôi trồng thủy sản và năng lượng tái tạo, động lực cho phát triển năng lượng tại tạo ở Việt Nam” do Hiệp hội năng lượng Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức ngày 11/5, tại TP. HCM.

Trong đó, các đại biểu đã thảo luận về việc thực hiện một số dự án điện mặt trời phục vụ chế biến thủy sản cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Thống kê của EVNSPC, trong giai đoạn 2015 - 2017, công suất phụ tải cực đại cấp cho thành phần nông - lâm - thủy sản tăng bình quân khoảng 9,5%; tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân khoảng 10,8%.

Theo ông Nguyễn Phước Đức - Phó Tổng giám đốc EVNSPC, thời gian qua, Tổng công ty đã nỗ lực cấp điện đầy đủ phục vụ nhu cầu nuôi trồng thủy sản khu vực phía Nam, tuy nhiên việc cấp điện cho nuôi tôm vẫn gặp một số khó khăn như: Quy hoạch vùng nuôi tôm chưa hoàn thiện; việc cung cấp điện cho nuôi tôm theo mùa vụ gặp nhiều khó khăn do các hộ dân nuôi nhỏ lẻ, thời vụ thả tôm đồng loạt làm cho phụ tải tăng đột biến làm quá tải cục bộ; đa số các hộ nuôi tôm sử dụng chính nguồn điện thắp sáng để chạy động cơ kéo quạt nước cung cấp oxy cho tôm dẫn đến quá tải lưới điện khu vực,...

Tổng công ty đã có văn bản giao cho các đơn vị trực thuộc nghiên cứu và đề xuất triển khai sử dụng nguồn năng lượng mặt trời để cấp điện cho nuôi tôm. Hiện tại, đang khảo sát nghiên cứu phương án tích hợp tấm pin năng lượng mặt trời với bộ động cơ của dàn quạt. 

Trong tình trạng áp lực cấp điện cho các khu vực nuôi tôm ở miền Nam và Đồng bằng Sông Cửu Long là rất lớn, việc xây dựng các dự án năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng với quy mô phù hợp sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu cấp điện sản xuất, thúc đẩy và phát triển ngành nuôi tôm của khu vực.

Cùng với việc đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp lưới điện, thời gian qua, Tổng công ty đã triển khai đề án “Hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Nam Bộ giai đoạn 2016-2018”. Trong đó, 2 giải pháp “Thay thế gối đỡ trục dàn quạt (tạo khí ô-xy) chữ U bằng con lăn trục quay” và “Đồng trục hóa mô tơ với trục dẫn dàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn đỡ trục quay thay thế con lăn gối đỡ chữ U” đã mang lại giá trị tiết kiệm hàng tỷ đồng/năm cho các hộ nuôi tôm, qua thực hiện thí điểm tại tỉnh Sóc Trăng. 

Trong giai đoạn 2018 – 2019, EVNSPC tiếp tục lập đề án triển khai thí điểm giải pháp mới "thay động cơ điện hiệu suất cao, kết hợp bộ điều tốc với thay con lăn và chỉnh đồng trục dàn quạt với trục động cơ" đối với các hộ nuôi tôm tại tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu. Đây chính là sự kết hợp giữa mô hình mới với 2 mô hình đã được chứng minh hiệu quả tại tỉnh Sóc Trăng.


Đại Dương

Share