Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm và Bộ trưởng Kinh tế, Thương Mại và Công nghệ Nhật Bản Yasutoshi Nishimura, ngày 15/4 ký bản ghi nhớ hợp tác phát triển năng lượng địa nhiệt bên lề cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng và môi trường thuộc nhóm G7 tại Hokkaido, thành phố phía bắc Nhật Bản.
Thỏa thuận công nhận địa nhiệt là "công nghệ năng lượng tái tạo mà Mỹ và Nhật Bản có thể hợp tác phát triển", kêu gọi trao đổi thông tin về các dự án địa nhiệt tại Mỹ, Nhật Bản và những quốc gia khác.
Địa nhiệt là nguồn năng lượng được lấy từ nhiệt trong tâm trái đất. Năng lượng này có nguồn gốc từ sự hình thành ban đầu của hành tinh, từ hoạt động phân hủy phóng xạ của các khoáng vật, và từ năng lượng mặt trời được hấp thụ tại bề mặt trái đất.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm tham quan tàu chở hydro hóa lỏng tại bến cảng ở Otaru, miền bắc Nhật Bản, ngày 14/4. Ảnh: AP
|
Đây là một trong những lĩnh vực mà hai nước muốn phát triển để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và phục vụ mục tiêu cắt giảm khí thải carbon, loại khí góp phần gây biến đổi khí hậu.
Theo ước tính của Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley, bổ sung thêm năng lượng địa nhiệt có thể giúp Nhật Bản cung cấp 90% sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, giảm 92% lượng khí thải nhà kính.
Việc Nhật Bản có nhiều suối nước nóng phản ánh tiềm năng địa nhiệt lớn của họ. Quốc gia này có hàng chục nhà máy nhỏ chạy bằng suối nước nóng khắp đất nước, nhưng chiếm chưa đầy 1% tổng công suất phát điện.
Cả Nhật Bản và Mỹ đều đang tìm cách xuất khẩu công nghệ địa nhiệt. Các công ty Nhật Bản đang tham gia một dự án chung để xây dựng nhà máy điện địa nhiệt lớn nhất thế giới tại Sumatra của Indonesia, với công suất 320 GW.
Năng lượng sinh khối (được tạo thành từ các nhiên liệu sinh học, chất hữu cơ) và địa nhiệt cũng đóng góp chưa tới 1% công suất phát điện của Mỹ, theo Cơ quan Năng lượng Mỹ. Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Nhật Bản ước tính Mỹ là nước có tiềm năng địa nhiệt lớn nhất, sau đó là Indonesia và Nhật Bản.
Link gốc