Nhiệt điện Quảng Trạch: Dân vận từ thực tế mắt thấy, tai nghe

Khi tiếng vỗ tay của hơn 300 người đại diện các hộ dân thôn Vịnh Sơn xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình vang lên, thể hiện sự đồng thuận xây dựng Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch, CBCNV Ban QLDA Nhiệt điện 2 (nay là Ban QLDA điện 2) đã thở phào...

Ban QLDA điện 2 phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức đối thoại với người dân địa phương

Để dân nghe, dân thấy, dân hiểu...

Ban QLDA điện 2 được giao nhiệm vụ tiếp nhận dự án điện tại Trung tâm Điện lực Quảng Trạch từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, với mục tiêu phát điện tổ máy 1 vào năm 2022 và tổ máy 2 vào năm 2023. Tuy nhiên, ngay sau khi các nhà thầu, tư vấn, tiến hành công việc tại hiện trường, người dân thôn Vịnh Sơn đã kéo ra ngăn cản, đe dọa. Mặc dù UBND các cấp và cả hệ thống chính trị ở địa phương đều vào cuộc, tuyên truyền vận động, giải thích, nhưng người dân vẫn kiên quyết phản đối. Có thời điểm số người tụ tập lên đến 300 người, quyết tâm ngăn cản các nhà thầu thi công.

Ông Nguyễn Văn Thành - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ban QLDA điện 2 cho biết, người dân cản trở thực hiện dự án là có nguyên nhân. Dự án đã được triển khai từ năm 2009 do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, thời gian dừng triển khai dự án kéo dài hơn 5 năm, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân vùng dự án. Nhiều người hoài nghi về khả năng tiếp tục của dự án, lo ngại về vấn đề môi trường xung quanh khu vực nhà máy. Ngoài ra, người dân còn mong muốn được chuyển đến địa điểm tái định cư khác...

Trước tình hình đó, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, BQLDA đặc biệt quan tâm đến công tác dân vận, đồng thời đẩy mạnh khâu tuyên truyền, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của người dân. 2 năm qua, Ban đã tổ chức 10 đoàn tham quan các nhà máy nhiệt điện của EVN như Nghi Sơn, Thái Bình, Duyên Hải… Các thành phần được mời đi tham quan là người dân, thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi thôn Vịnh Sơn; đại diện lãnh đạo huyện, xã; sở ban ngành tỉnh Quảng Bình… 

“Việc tổ chức các chuyến đi thực địa tại các nhà máy nhiệt điện đã giúp người dân được “mắt thấy tai nghe” và chứng kiến các nhà máy nhiệt điện vận hành, hiểu rõ hơn về công nghệ, về các giải pháp bảo vệ môi trường và cuộc sống của những người dân tại khu vực có các nhà máy đã đi vào hoạt động”, ông Thành cho biết. 

Ngoài các chuyến tham quan thực tế, Ban QLDA thường xuyên bám sát, trao đổi, nắm bắt tư tưởng tâm tư nguyện vọng của người dân, kịp thời tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương, giải quyết dứt điểm mọi vướng mắc, kiến nghị có liên quan. Ban QLDA đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức các cuộc đối thoại công khai với người dân thôn Vịnh Sơn. 

Đảng ủy Ban QLDA đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên soạn thảo tài liệu giới thiệu, tuyên truyền về hiệu quả cũng như các giải pháp bảo vệ môi trường của dự án, chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức các hội nghị giới thiệu công nghệ nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, giúp người dân hiểu rõ hơn về công nghệ cũng như các giải pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án. 

Luôn chú trọng đến an sinh - xã hội

Song song với công tác tuyên truyền vận động, Đảng ủy Ban đã lãnh đạo chỉ đạo Công đoàn, Đoàn Thanh niên tổ chức và tham gia tích cực nhiều hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn. Trong những năm qua, khu vực dự án đã hứng chịu nhiều bão lớn, đặc biệt là bão số 10 năm 2017, thôn Vịnh Sơn có hơn 400 nhà bị tốc mái. Đảng ủy Ban đã chỉ đạo Công đoàn, chuyên môn kịp thời báo cáo EVN xin ý kiến và triển khai hoạt động cứu trợ khẩn trương, kịp thời như: Lợp lại mái và sửa chữa các hư hỏng tại các trường Mầm non, Tiểu học và THCS sau bão… với số tiền hơn 1 tỷ đồng. 

Công đoàn Ban QLDA cũng đề nghị Công đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ, thăm hỏi người dân bị ảnh hưởng sau bão với số tiền hơn 250 triệu đồng. Đặc biệt, tập thể CBCNV đã tự nguyện đóng góp 34 triệu đồng ủng hộ, hỗ trợ một phần kinh phí cho các gia đình gặp khó khăn sau bão. Đoàn Thanh niên nhận đỡ đầu cho 10 học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Quảng Đông với số tiền 1.800.000 đồng/học sinh/năm. 

Công đoàn, Đoàn Thanh niên đã phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ cho các hoạt động của địa phương như, ủng hộ dụng cụ giảng dạy cho các trường học, tặng quà cho các học sinh Tiểu học, THCS xã Quảng Đông nhân dịp khai giảng năm học mới... Tổ chức thăm hỏi động viên và tặng quà cho các đối tượng chính sách của thôn ngày thương binh liệt sỹ 27/7, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12; Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3;… Đoàn thanh niên phối hợp tổ chức các ngày Tết Thiếu nhi 1/6, Tết trung thu cho các cháu thiếu niên nhi đồng của thôn Vịnh Sơn.

Bí thư Đảng ủy Ban QLDA điện 2 - ông Nguyễn Văn Thành cho biết: Qua các hoạt động cộng đồng này, mối quan hệ giữa Ban và chính quyền, người dân địa phương ngày càng gắn bó, góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền, vận động người dân cũng như chính quyền địa phương hiểu và ủng hộ dự án.

Trong thời gian tới, Đảng ủy Ban tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác dân vận, đặc biệt trong khâu giải phóng mặt bằng, tái định cư, đảm bảo cho dự án NMNĐ Quảng Trạch I được khởi công đúng kế hoạch dự kiến vào quý II/2019. 

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang cho biết, Trung tâm Điện lực Quảng Trạch là dự án trọng điểm, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nói chung và đảm bảo điện cho tỉnh Quảng Bình nói riêng. Dự án cũng sẽ tạo động lực phát triển KT-XH, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương và tăng nguồn thu cho ngân sách khoảng 2.400 tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng cũng như khi nhà máy đi vào hoạt động, cần đến hàng ngàn lao động. Đây là cơ hội giúp người dân địa phương có việc làm ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Thời gian qua, Ban QLDA đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, chú trọng công tác an sinh xã hội, qua đó đã tạo niềm tin cho người dân địa phương về hiệu quả của dự án điện. 


  • 19/04/2019 02:44
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 14887