Ông Hà Minh Huệ, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: “Bắt kịp “hơi thở” của báo chí hiện đại”

Đó là đánh giá của ông Hà Minh Huệ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện lực về sự phát triển của các tạp chí chuyên ngành nói chung và báo chí ngành Điện nói riêng.

Ông Hà Minh Huệ

Phóng viên (PV): Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vai trò, vị thế của các tạp chí chuyên ngành, khi các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ như hiện nay?

Ông Hà Minh Huệ: Phải khẳng định rằng, Báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm qua. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, các loại hình báo chí đã phát huy được vai trò hướng dẫn, định hướng dư luận, thực thi hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ của mình, tạo ra luồng thông tin đa chiều, hiệu quả, bổ ích, hấp dẫn…

Trong sự phát triển chung đó, các tạp chí chuyên ngành cũng đã có những bước đột phá, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển của từng ngành nói riêng và đất nước nói chung trong thời kỳ hội nhập. Một số tạp chí không chỉ có cải tiến, đổi mới mạnh mẽ về nội dung, hình thức thể hiện, nâng cao chất lượng mà còn có thể tự chủ về tài chính.

PV: Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, hầu hết tạp chí chuyên ngành đều “khó đọc”, ít hấp dẫn nên chưa thực hiện tốt chức năng của mình. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Ông Hà Minh Huệ: Nói tạp chí chuyên ngành “khó đọc” là đúng, vì nội dung của tạp chí bó hẹp trong một lĩnh vực nhất định, thường mang tính hàn lâm, chuyên sâu và mỗi tạp chí lại hướng vào một đối tượng độc giả cụ thể. Tuy nhiên, nếu một tờ tạp chí luôn biết cách tự làm mới mình, thường xuyên có những bài viết đảm bảo chất lượng, chuyên sâu, sáng tạo, tổ chức được nhiều chuyên mục mới, hấp dẫn về ngành mình, chắc chắn tạp chí đó sẽ không bao giờ bị độc giả bỏ rơi mà ngược lại, còn được háo hức chờ đợi, đón đọc.

Hiện nay, đã có rất nhiều ban biên tập tạp chí rất năng động, không ngừng đổi mới nội dung và hình thức để thu hút độc giả như, phát triển thêm các ấn phẩm chuyên đề, xây dựng và phát triển website, tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo, tọa đàm về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành, đẩy mạnh hoạt động quảng cáo...

PV: Còn Tạp chí Điện lực, ông đánh giá như thế nào về ấn phẩm tạp chí chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù này, thưa ông?

Ông Hà Minh Huệ: Là cơ quan ngôn luận của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhưng đối tượng độc giả mà Tạp chí Điện lực hướng tới không chỉ là cán bộ công nhân viên ngành Điện, các đơn vị nhà nước quản lý ngành Điện mà còn cả đông đảo công chúng, khách hàng sử dụng điện.

Có thể nói, đến thời điểm này Tạp chí Điện lực đã làm khá tốt nhiệm vụ truyền thông. Tạp chí có những chuyên đề với tiêu chí rõ ràng, có nội dung tốt. Chuyên đề Quản lý hội nhập có những bài phân tích chuyên sâu, phục vụ cho cán bộ công nhân viên ngành Điện và các đối tượng am hiểu ngành Điện. Chuyên đề Thế giới điện với những thông tin ngắn gọn liên quan đến ngành Điện và khách hàng sử dụng điện. Đây là một phương tiện quan trọng giúp công chúng, khách hàng sử dụng điện hiểu và chia sẻ với những khó khăn của ngành Điện. Như vậy, “báo Điện” đã thỏa mãn nhu cầu của cả hai đối tượng độc giả trong ngành và toàn xã hội.

PV: Theo ông, về nghiệp vụ, Tạp chí Điện lực nói riêng và các kênh truyền thông của EVN nói chung hiện đã bắt kịp “hơi thở” của báo chí hiện đại?

Ông Hà Minh Huệ:  Có thể nói, với những gì đã và đang làm hiện nay, hoạt động báo chí, truyền thông của EVN đã phát triển mạnh, bắt kịp “hơi thở” của báo chí hiện đại với 2 ấn phẩm báo in, 3 trang điện tử đa phương tiện. Nếu Tạp chí Điện lực tập trung phân tích, bình luận chuyên sâu, thì các website như, evn.com.vn. evn.com.vn/vanhoa, tietkiemnangluong.vn đã cập nhật kịp thời mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, văn hóa… của EVN. Ngoài ra, việc tích hợp truyền thông đa phương tiện, với các video clip cũng khiến sản phẩm truyền thông, báo chí trở nên sống động, hấp dẫn hơn.

Các bài viết trên Tạp chí Điện lực cũng đã được thể hiện theo phong cách làm báo hiện đại: Nhiều ảnh, ít chữ; mở nhiều “cửa sổ”, giúp người đọc dễ nắm bắt thông tin. Đặc biệt, các website của EVN luôn cập nhật thông tin về ngành, chứ không chỉ đơn thuần là đăng tải lại các bài viết từ các ấn phẩm in. Các bài viết trên website đều đảm bảo được tiêu chí ngắn gọn, hấp dẫn, kết cấu rất chặt chẽ, logic, thể hiện sự chuyên nghiệp, vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ PV, BTV.

Phóng viên Tạp chí Điện lực phỏng vấn lãnh đạo Trạm biến áp 110 kV Phương Liệt vấn đề đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho người dân - Ảnh: Thu Hà

PV: Theo ông, làm báo cho một đơn vị chuyên về kinh tế - kỹ thuật như ngành Điện khó hay dễ?

Ông Hà Minh Huệ: Phạm vi thông tin của ngành Điện hẹp nên phóng viên sẽ khó tìm được đề tài mới; các bài viết dễ khô khan và đi vào lối mòn, các thông tin chuyên sâu về kỹ thuật thường không hấp dẫn, khiến độc giả khó hiểu nếu phóng viên, nhà báo không tìm tòi sáng tạo, không tự trau dồi kiến thức, tự đổi mới mình.  

Bên cạnh đó, làm thế nào để đảm bảo được tính chính xác, khách quan nhưng vẫn đúng tôn chỉ, mục đích của Tạp chí… cũng là một thách thức không nhỏ với người làm “báo Điện”.

PV: Với những khó khăn như vậy, để làm tốt hơn nữa sứ mệnh truyền thông chuyên ngành mà vẫn đảm bảo tính hấp dẫn, báo chí ngành Điện cần những yếu tố nào, thưa ông?

Ông Hà Minh Huệ: Yếu tố sống còn của báo chí là phải đảm bảo tính khách quan, trung thực và báo chí ngành Điện cũng không phải là ngoại lệ. Muốn “níu mắt” độc giả, báo chí không được phép đưa thông tin một chiều. Thay vào đó, các thông tin đăng tải cần đảm bảo có sự phản biện đa chiều, đặc biệt là các thông tin mà dư luận quan tâm như giá điện, điện hạt nhân, thủy điện...

Các thông tin đăng tải trên báo chí ngành Điện, trên các website cũng phải nhanh và chính xác. Có một thực tế là, nhiều tạp chí chuyên ngành lập website, nhưng thông tin cập nhật lại rất chậm, không thu hút được độc giả.

Ngoài ra, người làm báo ngành Điện phải học cách lắng nghe các ý kiến phản biện từ khách hàng, xã hội. Từ đó, định hướng các bài viết một cách phù hợp; đồng thời phải luôn đổi mới nội dung, hình thức thể hiện để mỗi ấn phẩm, mỗi bài viết là một món ăn tinh thần hấp dẫn độc giả.

PV: Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông có thông điệp nào muốn gửi tới các nhà báo ngành Điện?

Ông Hà Minh Huệ: Nhà báo lão thành Hữu Thọ đã từng nói, từng viết rằng: Làm báo phải có “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để tổng kết kinh nghiệm đời làm báo của ông và nhắn nhủ các nhà báo trẻ. Tôi mượn lời đó để chúc mừng, gửi gắm tới những người làm báo ngành Điện nhân dịp 90 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.

PV: Chân thành cảm ơn ông! Chúc ông luôn mạnh khỏe và tiếp tục có những đóng góp cho Báo chí cách mạng Việt Nam.


  • 16/07/2015 10:16
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3007


Gửi nhận xét