Kỳ 5: EVN vững vàng bước vào “kỷ nguyên số” (Giai đoạn 2016 đến nay)
Phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành Tập đoàn kinh tế mạnh, đổi mới, tái cơ cấu, hiện đại hóa trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số mạnh mẽ.
Giai đoạn 2016 – nay
Tổng công suất đặt hệ thống điện quốc gia tăng 2,1 lần so với năm 2015. EVN hoàn thành và đưa vào vận hành thêm các nguồn điện lớn như Trung tâm Điện lực Duyên Hải với công nghệ hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, Thuỷ điện Lai Châu.
Quy mô hệ thống điện Việt Nam đang đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện và đứng thứ 22 trên thế giới, với tổng công suất đặt của các nhà máy đến cuối năm 2023 là 80.555MW.
Trong xu thế chung về chuyển dịch năng lượng của thế giới, từ năm 2020 nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác) đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Cũng đến cuối năm 2023, nguồn năng lượng này chiếm 27% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống.
Cơ cấu sở hữu nguồn điện có sự chuyển dịch lớn, trong đó tỷ trọng công suất lắp đặt nguồn điện của EVN giảm còn 36%, các nguồn điện tư nhân tăng nhanh, chiếm 42%.
Giai đoạn này, điểm nhấn trong công tác đầu tư xây dựng là hoàn thành Nhà máy Thủy điện Lai Châu - Đây là nhà máy thủy điện lớn cuối cùng trên hệ thống bậc thang thủy điện Sông Đà. Nhà máy được đưa vào vận hành sớm hơn một năm so với Nghị quyết của Quốc hội và cả ba tổ máy phát điện sớm hơn 3 tháng so với yêu cầu của Chính phủ, mang lại hiệu quả to lớn, làm lợi hơn 5.000 tỷ đồng cho Nhà nước.
Thủy điện Lai Châu có 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1200MW, sản lượng phát điện trung bình hàng năm là 4,67 tỷ kWh. Công trình được khởi công ngày 05/11/2011, phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12/2015 và khánh thành ngày 20/12/2016. Bên cạnh Thủy điện Sơn La, đây cũng là công trình khẳng định trình độ, bản lĩnh của người làm điện Việt Nam.
Nhà máy Thủy điện Lai Châu được đưa vào vận hành sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết của Quốc hội mang lại hiệu quả to lớn. Nguồn: cosodulieu.evn.com.vn
|
Về thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia Điện khí hóa nông thôn, EVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa điện về nông thôn, miền núi và hải đảo, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn Việt Nam, tạo tiền đề và động lực quan trọng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Cụ thể, tỷ lệ số xã có điện từ 97,0%, số hộ dân có điện 93,4% năm 2007 đã được nâng lên tương ứng 99,98% số xã và 98,83% số hộ dân nông thôn có điện năm 2017.
Đến năm 2023, EVN đã cơ bản hoàn thành chương trình Điện khí hóa nông thôn, đảm bảo điện cho chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (tiêu chí số 4). Đến nay, 100% số xã, 99,83% số hộ dân, 99,74% số hộ dân nông thôn có điện.
Năm 2016, EVN tiếp nhận cung cấp điện trên huyện đảo Bạch Long Vĩ, và đến năm 2017 EVN hoàn thành tiếp nhận đảm bảo cung cấp điện trên 2 huyện đảo Cồn Cỏ, Trường Sa. Như vậy, toàn bộ các huyện đảo đã được EVN đảm bảo cung cấp điện, gồm: Cát Hải (Hải Phòng), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Vân Đồn (Quảng Ninh), Cô Tô (Quảng Ninh), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Trường Sa (Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang), Kiên Hải (Kiên Giang). Hiện EVN đang tiếp tục triển khai dự án cấp điện lưới quốc gia cho Côn Đảo bằng cáp ngầm, dự kiến hoàn thành năm 2026.
Ngày 28/02/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2018/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, EVN hiện có 3 tổng công ty phát điện (GENCO 1, 2, 3) và 9 công ty thủy điện/nhiệt điện thuộc lĩnh vực sản xuất điện năng, 5 tổng công ty điện lực kinh doanh điện năng đến khách hàng là Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC),Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI), Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC). Phụ trách lĩnh vực truyền tải điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam hiện nay là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT).
Cơ cấu tổ chức được hoàn thiện, mô hình quản trị được đổi mới theo hướng hiện đại, tạo nền tảng cho EVN hoạt động ổn định, phát triển bền vững, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều năm có lãi, đảm bảo công ăn việc làm, đời sống cho người lao động.
Nhiều năm liền EVN được Fitch Ratings - một trong 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất thế giới - xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (Long-term Issuer Default Ratings - IDR) ở mức “BB+” (triển vọng ổn định, ngang bằng với chỉ số tín nhiệm quốc gia).
Trong giai đoạn đối mặt với đại dịch COVID-19 (2020-2022), ngành Điện Việt Nam đã hoàn thành tốt mục tiêu kép: vừa đảm bảo cung cấp điện, vừa đảm bảo phòng chống dịch, đồng thời đã tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, chung tay cùng cả nước và khách hàng khắc phục khó khăn, vượt qua đại dịch.
Lưới truyền tải và phân phối tiếp tục phát triển đồng bộ. Đường dây 500kV Bắc - Nam bổ sung mạch 3 các đoạn Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2 và Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hoá - Nam Định 1 - Phố Nối. Hoàn thành và đưa vào vận hành hiệu quả 63/63 Trung tâm Điều khiển xa, hoàn thành chuyển đổi 100% trạm biến áp 110kV sang mô hình trạm biến áp không người trực.
Trong đó, đã “thần tốc” xây dựng đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) nhằm đảm bảo truyền tải điện cho miền Bắc. Đường dây 500kV Quảng Trạch – Phố Nối gồm 4 dự án thành phần: Quảng Trạch - Quỳnh Lưu; Quỳnh Lưu - Thanh Hóa; Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa; Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối.
Đường dây 500kV mạch 3 đoạn vượt sông Lam. Nguồn: Thành Vinh
|
Tổng chiều dài đường dây khoảng 519km, đi qua địa bàn 9 tỉnh, 43 huyện/thị xã, 211 xã/thị trấn. Tổng mức đầu tư hơn 22.300 tỷ đồng. Địa bàn xây dựng phức tạp, đi qua nhiều đồi núi, nhiều địa phương, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, khối lượng công việc khổng lồ trong khi thời gian thi công gấp chưa từng có, nhưng EVN và các đơn vị đã nỗ lực rất lớn, giải rất nhiều bài toán khó, trong đó tập trung thi công “3 ca, 4 kíp”, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương ngay trên các công trường. Sau hơn 6 tháng thi công, ngày 29/8/2024, công trình đã được khánh thành, đảm bảo tiến độ đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thành tích này được đánh giá là chưa từng có tiền lệ với các công trình xây dựng đường dây 500kV trước đó.
Đặc biệt, EVN cũng tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trên mọi lĩnh vực, từ đầu tư xây dựng đến sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khách hàng đến quản trị doanh nghiệp. Hạ tầng công nghệ được đầu tư đồng bộ, hiện đại.
Những năm gần đây, EVN triển khai thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, đã cơ bản trở thành Doanh nghiệp số (theo các tiêu chí do Bộ Thông tin & Truyền thông ban hành), trong đó đã hình thành hệ sinh thái số EVNCONNECT, cung cấp các ứng dụng dịch vụ trực tuyến, kết nối với các hệ sinh thái khác trong nền kinh tế số. Nguồn nhân lực EVN cũng đã không ngừng nâng cao kỹ năng và trình độ, hội nhập với sự phát triển của khu vực và thế giới. Trong toàn Tập đoàn đã có tổng cộng 525 CBCNV được công nhận Kỹ sư ASEAN.
EVN - doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số. Nguồn: cosodulieu.evn.com.vn
|
4 năm liền (từ 2019-2022) EVN đạt danh hiệu doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc; có 2 sản phẩm được công nhận là sản phẩm Make in Viet Nam…Nhiều đơn vị trong Tập đoàn cũng đạt các giải thưởng cao về chuyển đổi số, giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam (VIFOTEC)…
EVN đã thực hiện cung cấp dịch vụ điện mức độ 4 (mức cao nhất) dịch vụ điện trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, hợp đồng điện tử... EVN cũng là đơn vị tiên phong trong việc cung cấp 100% dịch vụ về điện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
PV (tổng hợp)
Share