Giá đầu vào tăng cao, EVN tiếp tục gặp khó
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhận định, thực tiễn về chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức và đòi hỏi phải có những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, có cách làm mới, giải pháp đột phá để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân với giá cả hợp lý trong một thị trường lành mạnh, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Cần cách làm mới, giải pháp đột phá để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về giá điện và thị trường điện
|
Ông Nguyễn Đình Phước - Trưởng ban Tài chính Kế toán EVN cho biết, để đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, ngoài các nhà máy điện hạch toán phụ thuộc EVN (chiếm tỷ trọng 17% tổng sản lượng điện năng toàn hệ thống trong năm 2022), EVN phải mua thêm 83% tổng sản lượng điện năng theo các hợp đồng mua bán điện với các nhà máy điện khác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), các nhà máy điện theo hình thức BOT, các tổng công ty phát điện (EVNGENCO 1, 2, 3), các nhà máy điện năng lượng tái tạo và các nhà máy điện độc lập khác.
Trong khi đó, các thông số đầu vào của năm 2022 và đầu năm 2023 tăng cao đột biến. Cụ thể, so với năm 2020, các chỉ số giá than nhập (NewC Index và ICI3) trong các năm 2021-2023 tăng từ 116% đến 500%, các chỉ số dùng để tính toán giá khí thị trường (dầu HSFO và Brent) cho các nhà máy điện tuabin khí tăng từ 64% đến 142%.
Đối với giá than pha trộn trong nước, so với năm 2021, giá than pha trộn bình quân của TKV cung cấp cho nhà máy nhiệt điện than các năm 2022-2023 tăng từ 38% đến 46%; của Tổng công ty Đông Bắc tăng từ 35% đến 61% tuỳ từng chủng loại than.
Ông Trần Tuệ Quang – Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho rằng, cần bổ sung quy định về chính sách giá điện: giá bán lẻ điện theo vùng miền, giá phản ánh chi phí bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng
|
Diễn biến bất lợi của các yếu tố đầu vào trong năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 tác động mạnh tới chi phí sản xuất của EVN. Với kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 bị lỗ, EVN sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Để đảm bảo dòng tiền thanh toán chi phí mua than, dầu, khí phục vụ sản xuất điện, hiện EVN đang nợ tiền điện của các đơn vị phát điện. Thời gian tới EVN có khả năng không cân đối đủ tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện.
Ngoài nhiệm vụ của một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện, EVN còn thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ giao trong việc thực hiện đầu tư lưới điện cả truyền tải và phân phối đến vùng núi, hải đảo và bán thấp hơn giá thành. Mục tiêu để góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo, giữ gìn ổn định chính trị, an ninh tại các địa bàn trọng điểm.
Với cơ chế điều tiết giá bán lẻ điện như hiện nay, doanh thu tính toán theo giá bán lẻ điện không đủ để EVN bù đắp chi phí nên EVN đang là doanh nghiệp đứng ra chịu toàn bộ khoản lỗ sản xuất kinh doanh cho các khách hàng sử dụng điện.
Bất cập cần tháo gỡ
Ông Trần Tuệ Quang – Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, đến nay, hệ thống pháp luật lĩnh vực về giá điện cơ bản đã hoàn thiện, đồng bộ, thống nhất và khả thi. Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn trong hơn 15 năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số điểm cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Do đó, cần quy định chính sách giá điện theo cơ chế thị trường và hoạt động mua bán điện đảm bảo định hướng phát triển thị trường điện.
Ông Trần Tuệ Quang đề xuất, cần sửa đổi quy định về thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện theo hướng Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, trong đó quy định thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện theo từng mức điều chỉnh giá gồm Chính phủ, đơn vị điện lực; Bổ sung quy định về chính sách giá điện: giá bán lẻ điện theo vùng miền, giá phản ánh chi phí bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng.
PGS.TS Bùi Xuân Hồi – Chuyên gia năng lượng cho rằng, cần phải có cơ chế điều chỉnh giá điện mang hơi thở của thị trường
|
Còn PGS.TS Bùi Xuân Hồi – Chuyên gia năng lượng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc nêu quan điểm, giá đầu vào đã từng bước theo thị trường nhưng giá đầu ra lại điều tiết quá chặt chẽ, không theo tín hiệu của thị trường là bất cập lớn nhất hiện nay về mặt pháp lý liên quan đến quản lý nhà nước đối với ngành Điện. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến EVN, an ninh cung cấp điện của quốc gia mà còn ảnh hưởng đến việc thực thi lộ trình tái cấu trúc ngành Điện Việt Nam.
Cần phải có cơ chế điều chỉnh giá điện mang hơi thở của thị trường. Bởi nếu để càng lâu không điều chỉnh giá thì mỗi một lần điều chỉnh rất khó khăn, chỉ có tăng không có giảm, ông Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh.
Cũng theo PGS.TS Bùi Xuân Hồi, không thể mãi hô khẩu hiệu là phải làm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, phá bỏ thế độc quyền của EVN nhưng các điều kiện tiên quyết lại không thể thực hiện. Việc cải tiến phương pháp lập và cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân cũng như minh bạch các thông tin đầu vào, kết quả đầu ra là rất cần thiết hướng đến việc điều chỉnh giá điện một cách kịp thời, phù hợp, phản ánh sát thực với chi phí phát sinh, biến động trên thị trường, đồng thời hạn chế các rủi ro, bức xúc của dư luận trong việc ra các quyết định điều chỉnh giá điện.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng, nếu vẫn tiếp tục duy trì quản lý, điều hành giá bán lẻ như hiện nay, sẽ làm giảm sút nghiêm trọng khả năng huy động vốn đầu tư cho phát điện và truyền tải điện.
|
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, với nhiệm vụ chính trị được giao là phải đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế, cho nên trong những thời điểm thiếu nguồn cung điện, EVN phải mua đến đơn vị điện cuối cùng với bất cứ giá nào dù biết rằng càng mua, càng bán thì càng lỗ. Trên thực tế như chúng ta đã thấy trong thời gian qua, EVN không có một lựa chọn nào khác ngoài việc phải chịu lỗ.
“Tôi cho rằng, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện hiện nay nếu tính đúng, tính đủ theo thị trường thì giá điện còn có thể cao hơn mức mà người tiêu dùng đang trả hiện nay”, ông Cung cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Cung, theo những nghiên cứu gần đây, sắp tới giá năng lượng tiếp tục tăng. Trong bối cảnh đó, nếu vẫn tiếp tục duy trì quản lý, điều hành giá bán lẻ như hiện nay, EVN sẽ tiếp tục thua lỗ lớn, làm hao mòn và suy yếu tình hình tài chính của EVN, làm giảm sút nghiêm trọng khả năng huy động vốn đầu tư cho phát điện và truyền tải điện.