EVN sản xuất, kinh đoanh hiệu quả
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: "Ngành Điện Việt Nam đã đồng hành, đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước. Trong đó, EVN đóng vai trò nòng cốt, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.
Đồng chí Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
|
Đến nay, ngành Điện Việt Nam đã có sự phát triển mạnh, với quy mô công suất nguồn điện đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và thứ 23 thế giới; hạ tầng lưới điện đứng đầu các nước ASEAN.
Đội ngũ CBCNV của EVN đã làm chủ được khoa học công nghệ, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại vào hoạt động sản xuất kinh doanh, điều hành hệ thống điện. Tập đoàn cũng bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp; năng lực tài chính tăng lên đáng kể, doanh thu, lợi nhuận nộp ngân sách hàng năm đều tăng; thực hiện đúng lộ trình công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa,…, đồng chí Phùng Quốc Hiển ghi nhận.
Các công trình đầu tư xây dựng của EVN cơ bản đáp ứng đúng tiến độ, đúng quy hoạch; thực hiện tốt công tác xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh; tích cực tham gia, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng EVN đã hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.
Hoan nghênh những thành quả mà EVN đã đạt được, đồng chí Vũ Hồng Thanh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, Việt Nam là quốc gia duy nhất đạt 100% số xã có điện lưới quốc gia. Đến năm 2019, toàn quốc có 11/12 đảo tiền tiêu đã có điện. Trong triển khai các dự án điện thuộc Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, hầu hết các dự án của EVN đều đảm bảo tiến độ. Các dự án điện đang chậm tiến độ phần lớn là của các nhà đầu tư bên ngoài EVN.
Đồng chí Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của EVN trong việc triển khai các dự án điện trong Quy hoạch điện
|
Đồng chí Vũ Hồng Thanh cũng đánh giá cao nỗ lực của EVN trong việc ứng dụng KHCN trong điều hành hệ thống điện; công khai minh bạch huy động các nguồn điện, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo.
Đồng chí Phan Xuân Dũng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội biểu dương, là doanh nghiệp Nhà nước, EVN đã cấp điện đến 99,52% số hộ dân. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với một số nước có mức thu nhập trung bình đầu người cao hơn Việt Nam hoặc tương đương như Indonesia, Philippines…
Đặc biệt, đến nay, chỉ số tiếp cận điện năng của nước ta đứng thứ 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. EVN cũng là một trong những doanh nghiệp nhà nước đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ, tự động hóa…
Đồng chí Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội biểu dương thành tựu của EVN trong việc đưa điện về nông thôn
|
“Để có những thành quả này, ngoài sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đó còn là nỗ lực rất lớn của toàn thể CBCNV EVN”, đồng chí Phan Xuân Dũng khẳng định.
Nghiên cứu, xây dựng cơ cấu điện hợp lý
Biểu dương những nỗ lực của EVN, đồng chí Phùng Quốc Hiển cũng nêu rõ, ngành Điện Việt Nam đang đứng trước rất nhiều khó khăn như: quy hoạch chưa đồng bộ; nhu cầu điện ngày càng tăng lên; nhiều dự án điện ngoài EVN chưa đáp ứng được tiến độ; giá điện còn thấp; hệ thống pháp luật cần tiếp tục phải hoàn thiện…
Mục tiêu lớn nhất trong giai đoạn tới là không để đất nước thiếu điện phục vụ phát triển kinh tế cũng như đời sống nhân dân. Đây là một thách thức lớn, khi EVN chỉ còn làm chủ khoảng 20% nguồn điện toàn hệ thống.
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành phát biểu tại buổi làm việc
|
Với vai trò là doanh nghiệp Nhà nước, đồng chí Phùng Quốc Hiển yêu cầu EVN phát huy vai trò, trách nhiệm, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Theo đó, Tập đoàn cần tích cực góp phần xây dựng Quy hoạch điện VIII hợp lý, khoa học mang tính tổng hợp cao. Dù ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo nhưng từ nay đến năm 2045, điện than vẫn đóng vai trò quan trọng. Do đó, phải nghiên cứu, xây dựng được cơ cấu điện hợp lý, đồng chí Phùng Quốc Hiển yêu cầu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng yêu cầu EVN tiếp tục tập trung ứng dụng các khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh; đặc biệt chú trọng công tác đảm bảo an ninh và an toàn hệ thống, nhất là trong tình hình hiện nay. Song song đó, Tập đoàn cần đổi mới cơ chế quản lý, quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đặc biệt là các nước trong khu vực.
EVN chú trọng ứng dụng KHCN
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng đoàn công tác, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho biết, EVN sẽ nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Cũng theo Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành, các công nghệ của ngành Điện Việt Nam đã tiệm cận các công nghệ tiên tiến trên thế giới. Hiện nay, tất cả các nhà máy điện đều được điều khiển tự động; trên 50% TBA 110kV được điều khiển xa, không người trực; 80% TBA 220kV điều khiển xa, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động.
Đoàn công tác của Quốc hội tặng quà lưu niệm cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam
|
Song song đó, công tác đảm bảo môi trường tại các nhà máy nhiệt điện than cũng được EVN quan tâm, chú trọng. Các nhà máy nhiệt điện đã trang bị các hệ thống xử lý khí thải, nước tuần hoàn đáp ứng yêu cầu, các thông số về môi trường đều nằm trong ngưỡng cho phép. Nhiều nhà máy nhiệt điện ở Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Thái Bình,..., đã tiêu thụ hiệu quả nguồn tro xỉ. Các hệ thống quan trắc môi trường được kết nối trực tuyến với Sở TN&MT các địa phương.
Thực hiện Quy hoạch điện VII (giai đoạn 2011-2015) và Quy hoạch điện VII điều chỉnh (giai đoạn 2016-2019), cả nước đã đưa vào vận hành gần 34.200MW; trong đó EVN đưa vào vận hành 15.725MW, chiếm 46%, hoàn thành đạt và vượt khối lượng được giao. Tập đoàn cũng đã hoàn thành 1.830 công trình lưới điện từ 110-500kV. Trong cả giai đoạn 2011-2019, giá trị vốn đầu tư toàn EVN đạt 916.706 tỷ đồng.
EVN và các đơn vị đã phát triển các dịch vụ về điện và đa dạng hóa hình thức cung cấp dịch vụ. Tập đoàn đã cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến trên toàn quốc và qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tạo sự thuận lợi cho khách hàng và minh bạch trong các giao dịch.
Từ năm 2018, Tập đoàn đã nghiên cứu, ứng dụng kết quả của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư vào công tác sản xuất, vận hành, kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Hiện nay một số công việc đã được triển khai như hệ thống trả lời tự động trên website Chăm sóc khách hàng; ứng dụng công nghệ Business Intelligence, phân tích dữ liệu lớn để triển khai hệ thống Cổng thông tin điều hành công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng.
Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện và triển khai hiệu quả công tác sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa trong giai đoạn tới, EVN kính đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Điện lực xác định quản lý nhà nước về điện lực, đặc biệt là quản lý vận hành lưới điện truyền tải, trách nhiệm về đảm bảo an ninh năng lượng khi xã hội hoá đầu tư.
Đồng thời, nghiên cứu ban hành luật cải cách ngành Điện làm cơ sở để hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; cho phép áp dụng cơ chế Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước, hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ đối với đầu tư phát triển dự án công nghiệp điện…