Quy trình ghi chỉ số được thực hiện như thế nào?

Tại tọa đàm trực tuyến “Ghi chỉ số điện và quy trình quản lý công tơ điện” do Báo Tiền Phong tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện EVN đã trao đổi chi tiết tới độc giả quy trình ghi chỉ số điện.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh - Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, EVN có quy trình kinh doanh thống nhất đối với các công ty điện lực của mình trên toàn quốc. Tập đoàn quản lý toàn bộ chỉ số dữ liệu của 28 triệu công tơ trên phần mềm Hệ thống quản lý thông tin khách hàng (CMIS).

Lịch ghi chỉ số công tơ trong 1 tháng được xác định căn cứ theo hình thức ghi chỉ số (trực tiếp hoặc từ xa), số lượng công tơ, địa bàn quản lý (mức độ khó khăn của từng vùng) và số lượng người ghi chỉ số của mỗi đơn vị Điện lực. Tại mỗi trạm biến áp hay khu vực có lịch ghi chỉ số điện riêng.

Đối với công tơ điện tử có thu thập dữ liệu từ xa, chỉ số được tự động cập nhật để CMIS tính toán hóa đơn. Còn với công tơ cơ, công nhân sẽ ghi chỉ số tại hiện trường bằng máy tính bảng có kết nối CMIS.

Các phần mềm ghi chỉ số đều có cảnh báo khi chỉ số tiêu thụ điện của khách hàng tăng vượt ngưỡng 30% so với kỳ trước đó. Lúc này, công nhân ghi chỉ số sẽ kiểm tra, xác nhận lại ngay chỉ số điện.

Ông Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, sau xác nhận tại hiện trường, Điện lực còn có bộ phận phúc tra. Sau xác nhận chỉ số, trong vòng 24 giờ, Điện lực sẽ gửi thông tin chỉ số điện tiêu thụ tới khách hàng.

Từ ngày 1/7, EVN đã bổ sung 2 bước trong quy trình ghi chỉ số và lập hoá đơn tiền điện, theo đó khi sản lượng tăng trưởng quá cao, vượt ngưỡng được thiết lập thì CMIS sẽ không cho xác nhận chỉ số để tính hoá đơn và không cho xác nhận kết quả tính để lập hoá đơn.

Để thực hiện được việc lập hoá đơn, lãnh đạo đơn vị tổ chức kiểm tra số liệu và ký xác nhận điện tử số liệu trên chức năng của chương trình quản lý khách hàng sau khi kiểm tra. Đồng thời, thiết lập cảnh báo, tự động gửi danh sách các khách hàng tăng/giảm bất thường theo các ngưỡng thiết lập (ví dụ: 3 lần, 4 lần, 10 lần) và tương ứng gửi email, SMS đến các vị trí quản lý của đơn vị từ Tổ trưởng, Trưởng phòng, Phó giám đốc, Giám đốc và các Phòng, Ban đơn vị cấp trên xem xét.

Chia sẻ về thực tế thực hiện công tác ghi chỉ số tại 21 tỉnh, thành miền Nam, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, vào cuối năm trước, các công ty trực thuộc EVNSPC sẽ lập kế hoạch ghi chỉ số của năm kế tiếp. Do tính chất quan trọng nên lịch này phải trình và được Tổng công ty phê duyệt.

EVNSPC hiện đang chia các nhóm khách hàng và triển khai 21 phiên ghi chỉ số trong tháng. Các công ty điện lực đang áp dụng phương pháp ghi thủ công (sử dụng máy tính bảng với phần mềm chuyên dụng) và ghi chỉ số tự động. “Với hình thức nào cũng không dịch chuyển lịch ghi chỉ số quá 1 ngày, trừ trường hợp bất khả kháng” – ông Lý nhấn mạnh.

Công nhân điện EVNHCMC sử dụng máy tính bảng để ghi chỉ số với công tơ cơ lắp tại nhà khách hàng

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cho biết, với lịch ghi chỉ số điện, hàng tháng các công ty đều thông báo trên các phương tiện truyền thông, trên trang web của Tổng công ty để khách hàng tiện theo dõi. Đối với các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng liên quan tới chỉ số điện, hóa đơn tiền điện, EVNHCMC kịp thời giải quyết trong vòng không quá 24 giờ.

Tại tọa đàm, EVN cũng khẳng định, việc triển khai lắp đặt công tơ điện tử đo xa đem lại nhiều ưu việt về tính chính xác trong đo ghi, giúp nâng cao năng suất lao động ngành Điện. Tuy nhiên, nếu thay công tơ quá nhanh, chi phí quá lớn sẽ tạo áp lực lên giá điện. Do đó, EVN vạch ra lộ trình đảm bảo 2 mục tiêu: hiện đại hóa hệ thống đo đếm và không gây áp lực về tài chính. Theo đó, mục tiêu đến 2025, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, và Tổng công ty Điện lực miền Trung sẽ hoàn thành việc lắp đặt 100% công tơ điện tử. Với Tổng công ty Điện lực miền Bắc và Tổng công ty Điện lực miền Nam, tỷ lệ công tơ điện tử trên lưới sẽ đạt tỷ lệ 70%.


  • 15/07/2020 05:30
  • Thùy Dương
  • 9842