SHB đồng hành thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đang triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp gia tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất. Đây là hoạt động thuộc "Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam – Dự án VSUEE" do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) tài trợ ủy thác qua Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản.

Trong dự án này, SHB là ngân hàng phát hành bảo lãnh cho các ngân hàng tham gia cấp tín dụng cho các dự án vốn vay đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam. Dự án tạo điều kiện cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng tiếp cận Quỹ Chia sẻ rủi ro (RSF) có giá trị 75 triệu USD do GCF và WB tài trợ.

Bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc Ngân hàng SHB - Đơn vị quản lý quỹ RSF của Dự án VSUEE đã có những chia sẻ để làm rõ hơn về quy trình phát hành bảo lãnh, điều kiện cấp bảo lãnh RSF cũng như điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận được quỹ này.

Bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc Ngân hàng SHB

PV: Được biết, SHB là ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực tín dụng xanh. Bà vui lòng chia sẻ thêm về định hướng này tại SHB?

Bà Ngô Thu Hà: Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân và tốc độ phát triển của cả nền kinh tế. Bên cạnh đó, là một quốc gia đang phát triển với tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, nhu cầu sử dụng điện năng tại Việt Nam sẽ ngày càng tăng trong thời gian tới. Do vậy, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế theo hướng bền vững và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đang là những mục tiêu được Chính phủ Việt Nam ưu tiên hàng đầu, thể hiện qua các cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính hay thông qua nội dung của Quy hoạch Điện 8 vừa được phê duyệt.

Có thể khẳng định sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những yếu tố then chốt đóng góp vào việc thành công đạt được các mục tiêu nêu trên.

Những năm gần đây, nhiều giải pháp đổi mới công nghệ tiết kiệm năng lượng trong sản xuất kinh doanh đã được các doanh nghiệp nghiên cứu, triển khai. Các giải pháp này đồng thời giải quyết được vấn đề về chi phí sản xuất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. 

Nhận thức được những nhu cầu đang ngày một lớn liên quan đến triển khai dự án tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp, cùng với những định hướng vốn có về việc trở thành ngân hàng xanh hàng đầu tại Việt Nam, trong những năm vừa qua, SHB cũng đã tham gia hỗ trợ cho rất nhiều doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cấp dây chuyền, thiết bị, hệ thống máy móc nhằm nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng. 

PV: Cụ thể các dự án, hoạt động tín dụng trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng mà SHB đã triển khai là gì? 

Bà Ngô Thu Hà: Có thể kể đến một số dự án SHB đã đồng hành và tài trợ như:

- Dự án của các doanh nghiệp sản xuất xi măng đầu tư lắp đặt hệ thống phát điện nhiệt dư, tận dụng nhiệt thừa, khí thải từ quá trình sản xuất để phát điện, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí điện, giảm phát thải carbon, giảm chi phí vận hành, gia tăng lợi nhuận;

- Dự án của nhà máy mía đường, tái sử dụng chất thải và sản phẩm phụ, tự sản xuất điện từ bã mía để sử dụng 1 phần cho nhà máy, phần còn lại hòa vào lưới điện quốc gia. Đây cũng là dự án vừa mang lại hiệu quả trong sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, vừa đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội - môi trường.

- Dự án đầu tư hệ thống đường dây truyền tải, phát triển lưới điện, trạm phân phối điện, từng bước tự động hóa lưới điện phân phối của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Hoạt động đầu tư này nhằm giảm tổn thất điện năng trong quá trình truyền tải, bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục.

Với năng lực, kinh nghiệm và định hướng rõ ràng của SHB liên quan phát triển bền vững, đẩy mạnh tín dụng xanh; Bộ Công Thương, WB và GCF đã lựa chọn SHB làm Đơn vị Quản lý quỹ RSF của Dự án VSUEE. Dự án nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại (NHTM) để đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu suất sử dụng và tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất.

Nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ Khí hậu Xanh thông qua WB quản lý và Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản cùng với cơ chế bảo lãnh của quỹ RSF lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam sẽ mở ra một giải pháp đầy hứa hẹn đối với tương lai của các dự án về hiệu quả năng lượng nói riêng và vấn đề an ninh năng lượng nói chung tại Việt Nam. Đây là cơ hội giúp các doanh nghiệp nhận được nguồn vốn tài trợ từ các NHTM để mạnh dạn nghiên cứu và đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong quá trình sản xuất.

WB và SHB ký hợp đồng bảo lãnh Quỹ Khí hậu Xanh trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam

PV: SHB có vai trò gì trong suốt thời gian triển khai dự án VSUEE?

Bà Ngô Thu Hà: Với kinh nghiệm về tài trợ dự án xanh, dự án tiết kiệm năng lượng cũng như kinh nghiệm liên quan đến triển khai các dự án ODA do các tổ chức phát triển quốc tế tài trợ tại Việt Nam, SHB đã đồng hành cùng WB và Bộ Công Thương ngay từ những ngày đầu lên ý tưởng, thiết kế Dự án VSUEE, đưa ra ý kiến đóng góp và phối hợp hoàn thiện tất cả các văn kiện của Dự án. Sau khi dự án chính thức được triển khai, với vai trò là Đơn vị Triển khai Chương trình (PIE) – Quản lý Quỹ RSF, SHB sẽ đánh giá, phê duyệt và phát hành bảo lãnh rủi ro tín dụng 1 phần cho các Ngân hàng Tham gia Dự án (PFI) có các khoản cho vay Dự án đầu tư về tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp công nghiệp (IE) và các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO). 

PV: Bà có thể chia sẻ rõ hơn về lợi ích khi doanh nghiệp tham gia Dự án?

Bà Ngô Thu Hà: Với cơ chế chia sẻ rủi ro, cũng như các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật được triển khai bởi Bộ Công Thương và WB, Dự án VSUEE được kỳ vọng sẽ mang đến những lợi ích sau:

Đối với các Ngân hàng Tham gia Dự án (PFI): 

+ Mở rộng, phát triển và đa dạng hóa danh mục cho vay;

+ Giảm thiểu rủi ro tín dụng, từ đó tạo động lực để các PFI tự tin đầu tư mạnh mẽ hơn vào các dự án tiết kiệm năng lượng;

+ Nâng cao năng lực về thẩm định (tài chính, kỹ thật) dự án tiết kiệm năng lượng;

+ Nâng cao năng lực, tích lũy kinh nghiệm để triển khai các dự án của WB cũng như của các Tổ chức quốc tế khác.

Đối với các doanh nghiệp công nghiệp (IE) và các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO):

+ Thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn trung, dài hạn từ các ngân hàng;

+ Nhận được các tư vấn về kỹ thuật, môi trường từ Bộ Công Thương và WB giúp triển khai dự án hiệu quả hơn;

+ Nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng lợi nhuận, nâng cao năng lực cạnh tranh;

+ Tăng thêm điểm tín nhiệm với các tổ chức trong nước, hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định quốc tế về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, xã hội.

Tất cả những lợi ích trên mà các PFI, IE và ESCO nhận được đều sẽ đóp góp chung vào sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng của quốc gia. 

PV: Lợi ích là vậy, chắc chắn có nhiều doanh nghiệp quan tâm và mong muốn được tham gia. Vậy để được tiếp cận quỹ RSF các doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện gì?

Bà Ngô Thu Hà: Để nhận được Bảo lãnh của quỹ RSF, các Tiểu dự án cần đáp ứng được một số tiêu chí cơ bản như sau:

- Tiểu dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng được PFI đánh giá khả thi, hiệu quả và chấp thuận cấp tín dụng;

- Mức tiết kiệm năng lượng sau khi triển khai tiểu dự án đạt tối thiểu 20%, hoặc mức thấp hơn được World Bank chấp thuận với từng trường hợp cụ thể;

- Thời gian hoàn vốn trong 10 năm và tỷ suất hoàn vốn nội bộ lớn hơn 10%;

- Tuân thủ các yêu cầu về môi trường, xã hội theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và của WB;

- Doanh nghiệp tham gia ít nhất 20% tổng mức đầu tư tiểu dự án;

- Doanh nghiệp không có sở hữu chéo với PFI và không vi phạm quy định về chống tham nhũng, rửa tiền và tài trợ khủng bố của WB;

- Đáp ứng các quy định khác tại Hướng dẫn vận hành (OM) của Dự án.

PV: Xin bà chia sẻ rõ hơn về quy trình phát hành bảo lãnh, điều kiện cấp bảo lãnh RSF?

Bà Ngô Thu Hà: Với các hồ sơ tiểu dự án tiết kiệm năng lượng đã được phê duyệt cấp tín dụng, PFI có thể gửi đơn đề nghị cấp bảo lãnh kèm theo các tài liệu chứng minh tiểu dự án đáp ứng các tiêu chí hợp lệ tới PIE (SHB). Hồ sơ này sẽ được PIE đánh giá về tính hợp lệ, đáp ứng các điều kiện theo quy định của OM, yêu cầu PFI cung cấp hồ sơ bổ sung nếu cần thiết. Sau khi PFI bổ sung đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu, PIE sẽ đưa ra quyết định phê duyệt cấp bảo lãnh và phát hành Thư bảo lãnh RSF (trường hợp phê duyệt chấp thuận) cho PFI trong vòng 5 ngày. PFI sẽ có 90 ngày để thanh toán phí thu xếp và phí bảo lãnh RSF lần đầu, thư bảo lãnh RSF sẽ chính thức có hiệu lực sau khi PIE nhận được đầy đủ khoản phí này từ PFI.

Ngoài nhiệm vụ đánh giá và phê duyệt cấp bảo lãnh RSF, SHB sẵn sàng phối hợp với PFI và các bên liên quan ngay từ quá trình tìm kiếm, xác định tiểu dự án tiềm năng và quá trình lập hồ sơ xin cấp bảo lãnh nhằm rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt, thúc đẩy Dự án triển khai mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà! 

Dự án VSUEE do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ ủy thác qua Ngân hàng Thế giới, Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản quản lý. Dự án có tổng kinh phí là 11,3 triệu USD, tương đương khoảng 252 tỉ đồng. Kinh phí bao gồm: Hợp phần 1, Vận hành Quỹ chia sẻ rủi ro (RSF) 3 triệu USD và Hợp phần 2, Hỗ trợ kỹ thuật 8,3 triệu USD. 

Ngoài ra, Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ một khoản vay có hoàn trả là 75 triệu USD để thành lập Quỹ RSF, nhằm cung cấp bảo lãnh tín dụng cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng của Việt Nam thông qua Đơn vị quản lý quỹ chia sẻ rủi do (PIE). Số tiền bảo lãnh sẽ dùng để thanh toán cho các dự án mất khả năng chi trả và được PIE xác nhận đủ điều kiện để bồi hoàn. Thông qua bảo lãnh RSF các doanh nghiệp công nghiệp được cấp lên tới 50% giá trị khoản vay để đầu tư cải tiến công nghệ, giảm tiêu thụ năng lượng.

 


  • 08/08/2023 11:28
  • Theo tietkiemnangluong.com.vn
  • 4547