Bình nóng lạnh gia dụng thường có cấu tạo đơn giản tương tự như ấm siêu tốc, tức có nghĩa là có thanh đun điện, rơ-le ngắt điện. Khi đạt đến độ nóng nhất định, dây rơ-le sẽ tự ngắt. Khi không sử dụng, nước sẽ nguội và bình sẽ khởi động lại quá trình đun, cứ như vậy lặp lại cho đến khi công tắc được tắt.
Sử dụng bình tiết kiệm và an toàn nhất là chỉ bật khi cần và tắt trước khi dùng. Gia đình nên chỉnh điều nhiệt ở mức ECO (tiết kiệm năng lượng) hoặc thấp hơn. Tuyệt đối không bật bình 24/24h vì điện tiêu thụ tăng mà tuổi thọ giảm.
Không bật nóng lạnh cả ngày để tiết kiệm điện và an toàn. Ảnh minh họa
|
Bộ điều nhiệt chỉ có tuổi thọ nhất định dựa trên số lần bật - tắt, nếu bật liên tục tuổi thọ của nó chỉ còn khoảng 5% so với khi cần mới bật. Khi cần dùng nước nóng mới bật sẽ hạn chế được nhiệt tổn thất qua vỏ bình và tổn thất nước chờ trên đường ống, vì đường ống nước nóng càng dài thì thời gian chờ càng lâu, lượng nước chờ phải xả bỏ càng lớn.
Chọn dung tích bình nóng lạnh phù hợp với nhu cầu sử dụng
Thông thường với bình nóng lạnh gián tiếp, quá trình làm nóng sẽ mất 15-30 phút tùy dung tích. Còn bình nóng lạnh trực tiếp, nên bật bình khoảng 5 phút là có nước nóng dùng ngay. Khi nước đã nóng, nút "sẵn sàng" sẽ sáng đèn màu xanh. Vì vậy, chỉ bật trước khi đi tắm 5-30 phút, tùy vào máy ở gia đình.
Bình nóng lạnh có dung tích càng lớn thì càng tiêu tốn nhiều điện năng. Vì vậy để tiết kiệm điện nên chọn mua bình có dung tích phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình mình.
Ví dụ: Nhà hai người có thể dùng bình 15 lít. Nhà bốn người dùng bình 20 lít. Nhà có nhiều người hơn có thể chọn bình lớn hơn.
Ngoài ra, sử dụng vòi hoa sen sẽ làm giảm quá trình thất thoát nhiệt rất nhiều so với xả nước ra chậu để tắm. Vì thế vào mùa đông, tắm bằng vòi sen cũng sẽ giúp tiết kiệm nước nóng đáng kể.
Thường xuyên kiểm tra, bảo trì bình nóng lạnh
Kiểm tra, bảo trì thường xuyên là một trong những cách sử dụng bình nóng lạnh tiết kiệm hiệu quả được các chuyên gia khuyến cáo. Việc này giúp đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa tình trạng rò rỉ điện hay những tình huống không mong muốn khác xảy ra. Hơn nữa, bảo trì thường xuyên còn giúp theo dõi được tình trạng hoạt động cũng như quá trình tiêu hao điện năng của thiết bị một cách hiệu quả.
Khi đó, có thể kiểm tra bình nóng lạnh bằng bút thử điện. Dùng bút thử vào các đường ống nước hoặc trực tiếp vào nước nhằm sớm phát hiện sự cố để có hướng giải quyết kịp thời.
Hạ nhiệt độ làm nóng cho bình
Hiện nay phần lớn các loại bình nóng lạnh đều có bộ điều chỉnh nhiệt độ và khóa đóng mở thay vì trạng thái mở và luôn luôn mở như trước đây. Chính vì thế, một trong những cách sử dụng bình nóng lạnh tiết kiệm mà ta cần lưu ý chính là hãy điều chỉnh nhiệt độ làm nóng phù hợp và chỉ mở khi dùng. Bởi theo tính toán, cứ giảm 5 độ của bình nóng lạnh, có thể tiết kiệm khoảng 3%-5% năng lượng điện tiêu thụ.
Không nên bật bình nóng lạnh suốt 24/24
Nhiều gia đình vào mùa đông có nhu cầu sử dụng nhiều nước nóng nên thường bật 24/24. Tuy nhiên, việc này không chỉ gây tốn nhiều điện năng, làm giảm tuổi thọ của bình mà còn có thể gây rò rỉ điện rất nguy hiểm. Vì vậy, khi không sử dụng, nên tắt đi để bình có thời gian nghỉ ngơi.
Chọn bình nóng lạnh của các thương hiệu có uy tín, chất lượng
Đây cũng là một trong những cách sử dụng bình nóng lạnh tiết kiệm quan trọng mà ta cần lưu ý. Bởi vì, sản phẩm chất lượng sẽ mang đến công nghệ hiện đại và tiên tiến. Từ đó, khả năng tiết kiệm điện và độ an toàn được nâng cao hơn trong quá trình sử dụng.
Theo đó, sản phẩm tốt sẽ giúp tuổi thọ kéo dài lâu hơn cũng như tiết kiệm được phần nào chi phí bảo dưỡng.
Một số lưu ý quan trọng để sử dụng bình nóng lạnh tiết kiệm nhưng an toàn
+ Nếu không rành về thiết bị này thì tốt nhất, nên nhờ kỹ thuật viên nối thêm dây tiếp đất để đảm bảo an toàn về điện.
+ Trước khi khởi động bình nóng lạnh, không nên chỉnh sẵn chế độ tối đa nhằm giúp kéo dài tuổi thọ của chúng.
+ Luôn đảm bảo bình chứa được đủ nước để không gây nguy cơ cháy hay hư hỏng bộ đốt của bình.
|
Link gốc
Theo congthuong.vn
Share