Thời gian không phải là yếu tố chính trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Đó là khẳng định của Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 9/1/2014, tại Hà Nội.

Việt Nam là đối tác quan trọng của IAEA

Theo ông Yukiya Amano, trên thế giới hiện nay có khoảng 30 quốc gia đã sử dụng điện hạt nhân và nhiều quốc gia cũng đang trong giai đoạn phát triển. Để đáp ứng nhu cầu, IAEA đã đưa ra bộ hướng dẫn cho các quốc gia mới phát triển từ việc xây dựng luật năng lượng nguyên tử, thành lập cơ quan pháp quy hạt nhân, lựa chọn địa điểm, tham gia công ước quốc tế và đào tạo về nguồn nhân lực...

Là một quốc gia chưa có kinh nghiệm, Việt Nam đã tham vấn IAEA ngay từ khi bắt đầu có ý định phát triển điện hạt nhân và nhận được sự hỗ trợ rất tích cực. Theo đánh giá của Tổng giám đốc IAEA, Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong tiến trình phát triển điện hạt nhân như tham gia các công ước quốc tế, đào tạo nhân lực, xây dựng báo cáo khả thi.

Đoàn chuyên gia của IAEA và đại diện một số bộ, ngành thăm quan địa điểm xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 - Ảnh: Phan Trang

Hiện nay, IAEA vẫn đang tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua các dự án kỹ thuật, bao gồm dự án phát triển kết cấu hạ tầng điện hạt nhân, phát triển cơ sở an toàn điện hạt nhân, các dự án về ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Trong giai đoạn 2012 – 2013, ngân sách của IAEA dành cho mối quan hệ hợp tác với Việt Nam là 1 triệu Euro.

Bên cạnh đó, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển điện hạt nhân như Nga, Mỹ, Anh, Pháp và IAEA cũng đã giúp đỡ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực phục vụ 2 dự án đầu tiên và chương trình phát triển điện hạt nhân sau này.

Là một đối tác quan trọng, dự kiến trong thời gian tới, IAEA sẽ tiếp tục mời các chuyên gia hàng đầu trên thế giới trong từng lĩnh vực năng lượng nguyên tử sang tư vấn, thảo luận về các vấn đề phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam. Thông qua đó, IAEA có thể nắm bắt được những yêu cầu từ phía Việt Nam, đồng thời giúp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực phát triển điện hạt nhân.

Ông Yukiya Amano khẳng định: "IAEA sẽ tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và IAEA, xem xét những bước tiến của trong thời gian tới, như khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và ứng dụng các biện pháp của năng lượng nguyên tử".

Chỉ xây dựng điện hạt nhân khi đảm bảo an toàn

Dự án điện hạt nhân là dự án có tầm quan trọng quốc gia, phức tạp và sử dụng trong nhiều thập kỷ nên đòi hỏi một quá trình chuẩn bị kỹ. Đối với một quốc gia mới phát triển điện hạt nhân như Việt Nam, việc xây dựng kết cấu hạ tầng vững mạnh là điều kiện cần thiết, gồm nhiều yếu tố: Tham gia công ước, điều ước quốc tế, xây dựng luật quốc gia về năng lượng nguyên tử, xây dựng cơ quan pháp quy hạt nhân, lựa chọn con người, địa điểm. Một trong những điểm quan trọng là Việt Nam cần có cơ quan pháp quy độc lập, chịu trách nhiệm giám sát về an toàn.

Bên cạnh đó, đây cũng là dự án có thời gian triển khai lâu dài và có sự liên quan chặt chẽ giữa các bên. Do đó, cần có kế hoạch tốt, đề ra thứ tự ưu tiên phù hợp, do đó không chỉ phối hợp với IAEA mà Việt Nam còn phải phối hợp với các quốc gia là đối tác xây dựng, cung cấp công nghệ hạt nhân và các quốc gia sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam triển khai điện hạt nhân.

Thông thường, để triển khai một dự án điện hạt nhân sẽ mất khoảng thời gian từ 10 – 15 năm kể từ giai đoạn lập kế hoạch. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, một số nước phát triển có thể rút ngắn thời gian, một số nước khác lại có thời gian triển khai lâu hơn.

Do đó, "không có một khoảng thời gian cố định nào cho việc phát triển điện hạt nhân. Đây cũng không phải là yếu tố chính mà quan trọng nhất là chuẩn bị đầy đủ các yếu tố để xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân đảm bảo an toàn, an ninh", ông Yukiya Amano nhấn mạnh.

Tổng giám đốc IAEA còn đưa ra khuyến cáo, với một quốc gia mới phát triển điện hạt nhân, Việt Nam cần phải chuẩn bị hết sức cẩn thận, tham vấn kỹ  với IAEA và không cần phải vội vàng, gấp gáp. Bên cạnh đó, IAEA cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng thành công 2 dự án điện hạt nhân đầu tiên một cách an toàn và bền vững.

Việt Nam tham gia IAEA từ năm 1978. Hiện nay, Việt Nam là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IAEA niên khóa 2013 - 2014. Chính sách nhất quán của Việt Nam là sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh và không phổ biến hạt nhân. Việt Nam coi đây không chỉ là trách nhiệm quốc gia mà còn là nghĩa vụ đối với cộng đồng quốc tế.
 
Hiện, Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều  ước, công ước quốc tế về an toàn, an ninh và  không phổ biến hạt nhân. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân năm 2010 tại Hoa Kỳ, năm 2012 tại Hàn Quốc và sắp tới tại Hà Lan vào năm 2014.
 

 


  • 10/01/2014 02:14
  • Phan Trang
  • 3053


Gửi nhận xét