Tăng trưởng xanh chú trọng quyền của người lao động
Tham luận tại diễn đàn, ThS Trần Minh Huế - Chuyên viên chính, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho biết, tăng trưởng xanh hướng tới các mục tiêu về môi trường, kinh tế, xã hội.
Về môi trường, tăng trưởng xanh hướng tới cắt giảm và thu giữ phát thải; giảm thiểu và tái sử dụng chất thải; quản lý tài nguyên; thích ứng biến đổi khí hậu. Về kinh tế, tăng trưởng xanh hướng tới kiến tạo việc làm và đào tạo kỹ năng; kích thích tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy đổi mới sáng tạo cạnh tranh thương mại.
Ngoài ra, tăng trưởng xanh còn hướng tới các mục tiêu xã hội: Giảm nghèo; thúc đẩy bao trùm/công bằng; đảm bảo sức khỏe; chú trọng quyền của người lao động.
“Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu” - ThS Trần Minh Huế cho biết.
Ở góc độ phát triển xanh trong khu công nghiệp, TS Phan Quang Thăng (Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường) cho biết, hiện nay, khu công nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự phát triển này đi kèm với nhiều thách thức như ô nhiễm không khí, nước, đất; tiêu thụ năng lượng mới; xả thải không kiểm soát. Việc giải quyết các vấn đề này đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể và bền vững hơn.
Theo TS Phan Quang Thăng, các mô hình khu công nghiệp bền vững thành công trên thế giới có đặc điểm chung là sử dụng công nghệ sạch, tuần hoàn tài nguyên, tận dụng năng lượng tái tạo, và thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp để giảm phát thải và chất thải.
Toàn cảnh hội thảo “Các giải pháp triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh trong hệ thống công đoàn. Ảnh: Quế Chi
|
Phát huy vai trò của công đoàn trong tăng trưởng xanh
Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho biết, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã xác định: Tăng trưởng xanh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan, được thúc đẩy bằng tinh thần đổi mới, sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững.
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, đây là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa ngành và liên vùng rất cao, vì vậy cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
“Công đoàn với lực lượng trên 11 triệu đoàn viên đóng vai trò to lớn trong việc nâng cao nhận thức của người lao động, thúc đẩy lối sống xanh, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, ý thức tiêu dùng và mua sắm xanh. Từ đó thúc đẩy kinh tế xanh, sản xuất xanh và phát triển bền vững” - ông Phan Văn Anh nói.
Vẫn theo ông Phan Văn Anh, hoạt động của các cấp công đoàn vừa được lồng ghép tốt hơn với vấn đề phát triển bền vững và tăng trưởng xanh của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhưng cũng phải hết sức thiết thực, mang tính khả thi cao và đến được với người lao động để từ nhận thức chuyển thành ý thức và hành động tự giác của người lao động.
Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 được Tổng LĐLĐVN ban hành vào ngày 9.10.2023. Theo kế hoạch, ở cấp công đoàn cơ sở, Tổng LĐLĐVN yêu cầu tổ chức thực hiện, trong đó chủ động đối thoại, thương lượng tập thể, tham gia xây dựng và thực hiện kế hoạch, chương trình của doanh nghiệp về xanh hóa việc làm, việc làm bền vững, đảm bảo quyền và lợi ích cho đoàn viên và người lao động, góp phần thực hiện có hiệu quả chiến lược tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường. |
Link gốc