Tiêu thụ tro xỉ: miền Bắc đắt hàng, miền Nam vẫn...khó

Trong khi tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) ở phía Bắc khá “đắt hàng” thì ở khu vực phía Nam, các NMNĐ lại gặp không ít khó khăn khi tiêu thụ. Vì sao vậy?

Những tín hiệu tích cực từ phía Bắc

Trong số 14 NMNĐ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), NMNĐ Mông Dương 1 (tỉnh Quảng Ninh) đặc biệt hơn cả về mặt công nghệ. Đây là nhà máy duy nhất sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn (CFB) với ưu thế có thể đốt than xấu; nhiên liệu trong lò hơi được tái tuần hoàn, giảm phát thải khí NOx, SOx trong quá trình đốt cháy. Tuy nhiên, cũng do đặc thù của lò CFB sử dụng công nghệ phun đá vôi trực tiếp vào buồng đốt để xử lý SOx, nên xỉ đáy có màu nâu đỏ. Trong quá trình sử dụng tro xỉ để làm phụ gia xi măng, mặc dù đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật, nhưng xi măng thành phẩm có màu nâu đỏ, gây khác biệt so với xi măng thông thường. Do đó, vào những năm 2015, 2016, các đơn vị tiêu thụ tro xỉ e ngại, từ chối thu mua, toàn bộ lượng tro bay, xỉ đáy thải ra phải vận chuyển lên bãi chứa.

Để giải quyết khó khăn, Công ty Nhiệt điện Mông Dương đã tích cực tìm kiếm các đối tác trong và ngoài tỉnh để tìm đầu ra. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để thí nghiệm và phân tích các thành phần tro xỉ. Kết quả, tro xỉ của nhà máy đạt các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành để tái sử dụng. Với “giấy thông hành chất lượng”, từ năm 2019, 100% lượng xỉ đáy và tro bay của Công ty đã được tiêu thụ.

Năm 2019 cũng là năm đầu tiên đánh dấu việc Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (Tổng công ty Phát điện 1) đã bán được 100% lượng tro bay phát sinh trong quá trình sản xuất điện. Đây là kết quả mang tính đột phá, thay vì hình thức bán lẻ từng chuyến xe bồn, Công ty đã lựa chọn hình thức tổ chức đấu giá toàn bộ 100% lượng tro bay, giải quyết triệt để bài toán bao tiêu.

Nhìn chung, tại khu vực phía Bắc, công tác tiêu thụ tro xỉ tại các NMNĐ của EVN rất khả quan. Công ty Nhiệt điện Thái Bình, Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng, Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn… hiện tiêu thụ toàn bộ lượng sản phẩm phụ phát sinh hàng năm. Thậm chí, nhiều đơn vị còn bán được cả lượng xỉ ở bãi lưu tồn lại từ trước.

Theo các chuyên gia, các tỉnh, thành phía Bắc tập trung khá nhiều nhà máy sản xuất xi măng, gạch không nung…, do đó, nhu cầu thị trường với tro, xỉ là rất lớn. Ngoài ra, thời gian qua hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn để sử dụng tro, xỉ, thạch cao trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông đã từng bước hoàn thiện; các quy định, hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước và Tập đoàn được ban hành đã “mở đường” cho việc tiêu thụ tro, xỉ tại các nhà máy.

Tro bay được các xe bồn tiếp nhận và vận chuyển từ xilo tại Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1

Cách nào gỡ vướng cho các NMNĐ phía Nam?

Trong khi đó tại phía Nam, các nhà máy nhiệt điện vẫn chưa thể giải được “bài toán” tiêu thụ toàn bộ khối lượng tro xỉ. Đơn cử, tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh), ông Nguyễn Văn Thú - Giám đốc Công ty cho biết, nếu như năm 2017 tỷ lệ tiêu thụ tro xỉ của Công ty chỉ đạt 22% thì tới 7 tháng đầu năm 2021, con số này đã tăng lên 85%. Đây đã là đơn vị thuộc EVN có mức tiêu thụ tro, xỉ tốt nhất tại khu vực phía Nam. Tuy nhiên, mục tiêu tiêu thụ 100% vẫn còn khá xa.

Với các đơn vị của EVN tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (tỉnh Bình Thuận) là NMNĐ Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, mức tiêu thụ bình quân hiện chỉ đạt khoảng một nửa lượng tro, xỉ phát sinh; số còn lại phải trữ ở bãi chứa. Tuy nhiên, do tro xỉ tích luỹ, tồn lại từ các năm trước rất lớn, nên bãi chứa hiện đã ở ngưỡng tới hạn. Nguyên nhân là do vị trí các nhà máy cách xa các thị trường tiêu thụ, gây khó khăn trong việc vận chuyển, chi phí đội lên cao. Cùng đó, thói quen sử dụng vật liệu xây dựng làm từ tro, xỉ nhiệt điện chưa được người dân các địa phương khu vực phía Nam đón nhận, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ sản phẩm làm từ tro xỉ.

Theo Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh, trước hết các nhà máy thuộc EVN luôn phải đảm bảo chất lượng tro, xỉ đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn Việt Nam. Các đơn vị cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc đăng ký hợp chuẩn, hợp quy, giấy chứng nhận tro xỉ đủ điều kiện để sử dụng vào các mục đích cụ thể như làm phụ gia xi măng, bê tông, vật liệu san lấp, nền đường... Đây là yếu tố tạo sự nhất quán, ổn định, tạo sự tin tưởng để tiêu thụ tro, xỉ dài hạn tại các nhà máy.

Với vấn đề chi phí vận chuyển tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện phía Nam tới các thị trường tiêu thụ ở vùng miền khác, do chi phí đường bộ cao, nên lãnh đạo Tập đoàn yêu cầu các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh phương án vận chuyển bằng đường thuỷ. Theo đó, cần nhanh chóng hoàn thành việc nâng cấp, bổ sung công năng của cảng dầu để đón tàu tải trọng cỡ lớn hơn vào vận chuyển tro, xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Theo các chuyên gia, với những khó khăn đặc thù trong tiêu thụ tro xỉ tại khu vực phía Nam, cần thiết phải có quy định tỷ lệ sử dụng vật liệu xây dựng không nung làm từ tro xỉ nhiệt điện đối với các công trình khác nhau theo nguồn vốn, theo vị trí địa lý và đặc thù công trình. Các địa phương cũng cần chung tay đẩy mạnh sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp tại các công trình giao thông, cảng biển... Đồng thời, cần tổ chức đối thoại trực tiếp, tuyên truyền đồng bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, doanh nghiệp hiểu tro xỉ nhiệt điện than là một nguồn tài nguyên của ngành sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam.

Tỷ lệ tiêu thụ tro, xỉ của EVN (theo khối lượng phát sinh):

- Giai đoạn 2015 - 2018: hơn 40%

- Năm 2019: đạt 68,85%

- Năm 2020: hơn 83,4%.


  • 24/12/2021 03:55
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 5336