Toạ đàm Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Ngày 16/8, tại Hà Nội, Bộ Tài Chính phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Tọa đàm Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tham dự hội nghị, có ông Doãn Thanh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính); đại diện Văn phòng Chính phủ, các cục, vụ của Bộ Tài chính, các vụ của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, chuyên gia tài chính,...

Về phía EVN, có Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam, lãnh đạo các ban chuyên môn, các đơn vị thành viên...

Ông Doãn Thanh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (giữa) phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: Hồng Hoa

Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh (Luật số 69/2014/QH13) đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc đầu tư vốn của Nhà nước vào sản xuất kinh doanh; quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu đặt ra của quá trình đổi mới hội nhập cũng như quá trình cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong những năm vừa qua. Tuy nhiên sau 10 năm triển khai thực hiện, vấn đề quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi, nhiều nội dung của Luật bộc lộ điểm bất cập, hạn chế. Do đó, việc xây dựng dự án Luật thay thế cho Luật hiện hành là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, rất ý nghĩa và rất cấp thiết.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có một số điểm chưa thực sự phù hợp. Tại toạ đàm, lãnh đạo các ban chuyên môn EVN, lãnh đạo các tổng công ty điện lực, tổng công ty phát điện, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, các công ty CP tư vấn xây dựng điện, Ban Kiểm soát EVN, đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp… đã góp ý, thảo luận về những điểm trong Dự thảo Luật chưa thực sự tháo gỡ được khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Tọa đàm đã thu được nhiều ý kiến bao quát, đầy đủ các nội dung quan trọng của Luật. Ảnh: Hồng Hoa

Cùng với đó, để hạn chế phát sinh thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, xây dựng, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp, kế thừa quy định tại Luật số 69/2014/QH13 hiện hành, EVN cũng đề nghị Dự thảo Luật xem xét sửa đổi theo hướng tăng mức phân cấp.

Theo Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam, tọa đàm là cơ hội để EVN và các đơn vị thành viên trao đổi về thực tiễn hoạt động, đặc thù của Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Với mong muốn Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ khơi thông được nguồn lực cho các DNNN nói chung, EVN nói riêng, để DNNN phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò trụ cột, dẫn dắt trong đầu tư phát triển…

Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam chia sẻ về thực tiễn hoạt động, đặc thù của EVN. Ảnh: Hồng Hoa

Phó Tổng giám đốc EVN cũng chia sẻ những đặc thù, khó khăn, thách thức của EVN trong quá trình hoạt động; đồng thời kiến nghị những vấn đề còn vướng mắc để Ban soạn thảo Dự thảo Luật xem xét, tiếp thu nhằm khơi thông, tháo gỡ để EVN và các đơn vị thành viên hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó.

Kết luận buổi toạ đàm, ông Doãn Thanh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, tọa đàm đã thu được nhiều ý kiến bao quát, đầy đủ các nội dung quan trọng. Các ý kiến đóng góp của EVN, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đều rất xác đáng, xuất phát từ thực tiễn hoạt động và thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng Dự thảo Luật. Ông Doãn Thanh Tuấn cho biết, Cục Tài chính doanh nghiệp sẽ tổng hợp, báo cáo Ban soạn thảo theo hướng tiếp thu tối đa các ý kiến, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được những đóng góp thiết thực để hoàn thiện Dự thảo Luật với chất lượng cao nhất.