Tham dự còn có ông Trần Văn Ngọc, nguyên ủy viên BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam nhiệm kỳ 2008 – 2013; các đại biểu trong Ban Thường vụ, BCH Công đoàn Điện lực Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2018-2023; nguyên lãnh đạo Công đoàn Điện lực Việt Nam, công đoàn cơ sở qua các thời kỳ; các chủ tịch/phó chủ tịch Công đoàn các cơ sở và trưởng/phó các Ban chuyên môn của Cơ quan Công đoàn Điện lực Việt Nam.
Tọa đàm lấy ý kiến góp ý, đề xuất và sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam do Công đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức ngày 20/7. Ảnh: Văn Lương.
|
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Đỗ Đức Hùng cho biết: Ngày 24/3/2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 182/KH-TLĐ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam (Điều lệ) trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Công đoàn Điện lực Việt Nam đã thành lập Tổ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều lệ và yêu cầu các Công đoàn trực thuộc báo cáo tình hình thi hành Điều lệ, kiến nghị sửa đổi, bổ sung để tổng hợp và báo cáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Tại tọa đàm, các đại biểu tham dự đã có hơn 70 ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung các điều trong Điều lệ Công đoàn. Đa số các ý kiến cho rằng nội dung sửa đổi cần sát thực với hoạt động, đối tượng kết nạp và phát triển đoàn viên cần mở rộng, thủ tục kết nạp đơn giản, tự nguyện; việc quản lý đoàn viên cần ứng dụng qua công nghệ; quan tâm đến chính sách cán bộ công đoàn, công đoàn chuyên trách; công tác quy hoạch đối với cán bộ công đoàn; chế độ chính sách để khuyến khích cán bộ công đoàn...
Cụ thể, ông Lê Xuân Thái, Ủy viên Ban thường vụ Công đoàn Điện lực Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Điện lực miền Nam đề xuất: Điều lệ sửa đổi bổ sung cần quy định rõ ràng chính sách đối với cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp nhà nước; việc tổ chức đại hội công đoàn các cấp cần đổi mới, ứng dụng hình thức trực tuyến và trực tiếp, công tác bầu cử tại đại hội có thể ứng dụng qua các App để biểu quyết hoặc lấy ý kiến từ các đại biểu tham dự đại hội.
Ông Thái cũng cho rằng: “Điều lệ sửa đổi bổ sung cũng nên quy định việc cấp thẻ đoàn viên được ứng dụng qua mã định danh điện tử Vneid để tránh hình thức, lãng phí trong khâu in ấn, cấp phát thẻ đoàn viên”.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp để sửa đổi, bổ sung các điều trong Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Ảnh: Văn Lương
|
Ông Nguyễn Phương Nam, Chủ tịch Công đoàn Công ty Truyền tải điện 4 (công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia - EVNNPT) đề xuất Điều lệ sửa đổi bổ sung cần xem xét tiêu chuẩn thống nhất cho khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước trong việc “có ít nhất 5.000 đoàn viên được thành lập công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở".
Đồng tình với đề xuất của ông Nam, một số các đại biểu cho rằng, nên quy định về quyền và trách nhiệm của công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở như Điều lệ Công đoàn Việt Nam khoá XII bởi các quy định pháp luật cũng không phân biệt quyền và trách nhiệm của các loại hình công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và trên thực tế các công đoàn cũng cơ bản thực hiện như nhau.
Góp ý về cơ sở pháp lý xác định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam, các đại biểu cho rằng quyền và trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật, nên không cần quy định cụ thể chi tiết trong Điều lệ, chỉ cần quy định nhóm quyền và trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam. Khi thực hiện cần căn cứ vào các quy định pháp luật để thực hiện.
Phát biểu kết luận tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Đỗ Đức Hùng đề nghị Tổ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều lệ chọn lọc và tiếp thu góp ý của các đại biểu đối với những vấn đề rất quan trọng, những vấn đề đang nảy sinh trong thực tiễn đối với tổ chức Công đoàn cần nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa vào sửa đổi, bổ sung Điều lệ và trình tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.