Tổng giám đốc EVN làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam để gỡ vướng mặt bằng đường dây 500kV mạch 3

Ngày 20/7, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân và đoàn công tác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam về công tác bồi thường giải phỏng mặt bằng (BT-GPMB) đường dây 500kV mạch 3 qua địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Tiến độ chậm nhất

 

 Tham dự buổi làm việc về phía tỉnh Quảng Nam có:

- Ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam;

- Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh;

- Đại diện các sở, ban ngành trong tỉnh và lãnh đạo UBND 6 huyện có đường dây đi qua.

 Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam có:

- Ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc Tập đoàn;

- Ông Nguyễn Tuấn Tùng – Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT);

- Ông Ngô Tấn Cư - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung;

- Ông Nguyễn Đức Tuyển – Giám đốc Ban QLDA các công trình điện miền Trung;

- Lãnh đạo các Ban chuyên môn của EVN, EVNNPT.

Đoạn tuyến đường dây 500kV mạch 3 đi qua tỉnh Quảng Nam có chiều dài hơn 121km, gồm 269 vị trí móng trụ điện (VT). Cụ thể, qua huyện Đại Lộc có 70 VT, Nông Sơn 29 VT, Hiệp Đức 32 VT, Tiên Phước 57 VT, Bắc Trà My 33 VT và Núi Thành 48 VT.

Theo ông Nguyễn Đức Tuyển – Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB), tính trên toàn tuyến, các tỉnh, thành đã bàn giao được khoảng 94% vị trí cột và khoảng 60% hành lang tuyến. Trong đó, nhiều tỉnh đã hoàn thành như tỉnh Gia Lai, Quảng Bình, Kon Tum. Một số địa phương khác đều đạt trên 95%. Tuy nhiên, Quảng Nam là địa phương có tỷ lệ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư chậm nhất. Đến ngày 19/7/2020 mới bàn giao được 217/269 vị trí cột (khoảng 80%), hành lang tuyến đạt 48/269 khoảng cột (17%).

Để dự án đóng điện vào tháng 12/2020 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Đức Tuyển kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam có ý kiến chỉ đạo về bồi thường, hỗ trợ đối với cây dầu rái mọc trong rừng tự nhiên. Thực tế, người dân có chăm sóc, bảo vệ và khai thác dầu hàng năm. Mặc dù Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản hướng dẫn, các địa phương vẫn không thực hiện được và nhiều lần đề xuất các hình thức bồi thường hỗ trợ khác nhau.

Cụ thể, với vướng mắc tại mỗi huyện, CPMB kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo cho UBND huyện Hiệp Đức về việc đề nghị điều chỉnh đơn giá bồi thường cây cao su, bổ sung kinh phí đầu tư vào đất cho các hộ dân và Công ty Cao su Quảng Nam; giao UBND huyện Đại Lộc phê duyệt tất cả các hồ sơ liên quan về xây dựng Khu tái định cư, cũng như cho phép triển khai công tác tái định cư cho các hộ dân song song với công tác phê duyệt kế hoạch sử dụng đất ở; chỉ đạo UBND huyện Tiên Phước, Hiệp Đức về công tác xử lý tháo dỡ các trường hợp hộ dân xây dựng nhà, công trình trái phép dưới hành lang tuyến nhằm trục lợi đền bù từ dự án (huyện Tiên Phước 20 trường hợp, huyện Hiệp Đức 15 trường hợp).

Bên cạnh đó, CPMB kiến nghị các huyện sớm hoàn tất trình duyệt UBND tỉnh các phương án bồi thường còn lại của phần móng và hành lang tuyến trong tháng 7/2020.

Buổi làm việc giữa Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, chiều ngày 20/7

Sẽ bàn giao trong tháng 7 - 8

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng để đảm bảo điện cho miền Nam trong những năm tới. Tiến độ bàn giao mặt bằng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn chậm, trong khi đó khu vực sắp bước vào mùa mưa, sẽ còn gây nhiều khó khăn trong công tác thi công. 

Hiện nay, dự án đã bước vào giai đoạn cuối. Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân mong muốn tỉnh Quảng Nam cần quyết liệt hơn nữa để sớm bàn giao mặt bằng dự án cho thi công.

Ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh sẽ huy động cả hệ thống chính trị để vận động người dân bàn giao mặt bằng. Đồng thời yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, huyện cần sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Cụ thể tiến độ bàn giao đối với các vị trí móng là trong tháng 7 và hành lang tuyến trong tháng 8, để chủ đầu tư hoàn thành dự án theo kế hoạch.

Lãnh đạo tỉnh cũng ghi nhận nỗ lực của EVN trong những năm qua đã đảm bảo cung cấp điện để phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, giúp tỉnh tự thu chi ngân sách và có đóng góp về nguồn ngân sách cho Trung ương.