Vì sao nên chọn hình thức đào tạo E-learning trong doanh nghiệp?

Hệ thống E-learning là một bước tiến hỗ trợ đào tạo tối ưu trong thời đại công nghệ số. Phương pháp này mang lại sự linh hoạt, chủ động trước mọi tình huống.

E-learning được viết tắt từ Electronic Learning có nghĩa đào tạo trực tuyến. Đây là phương pháp giảng dạy, học tập thực hiện dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu có kết nối mạng internet. Nền tảng này cho phép người dạy và người học giao tiếp, tương tác, trao đổi tài liệu, giáo án mà không cần gặp mặt trực tiếp.

Để sử dụng hệ thống E-learning người dùng có thể thông qua các thiết bị hỗ trợ như: Máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng. Hiện nay xuất hiện nhiều phần mềm hỗ trợ đào tạo E-learning cho phép người dùng thực hiện tương tác đa dạng như: Đặt câu hỏi, phát biểu, bày tỏ cảm xúc.

Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT có quy định rõ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng. Theo đó E-learning cho phép người học tự học mọi lúc, mọi nơi thông qua học liệu điện tử đa phương tiện.

Theo thống kê của Research and Markets về E-learning trong đào tạo doanh nghiệp, tính đến năm 2020, 90% các doanh nghiệp trên thế giới đã áp dụng E-learning vào lộ trình đào tạo nhân sự trong nội bộ doanh nghiệp.

Đặc biệt hơn, có đến 40% các doanh nghiệp trong danh sách Fortune 500 đang dựa vào các công cụ E-learning để phát triển nhân sự.

Rất nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy tín hiệu tích cực đến từ việc áp dụng E-learning. Học online không chỉ giúp nhân viên học tập hiệu quả hơn, mà còn mang lại những sự tăng trưởng đáng kể đối với doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, sau quá trình tuyển dụng, việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân viên đang làm việc là một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp phát huy nội lực hiệu quả.

Hiện nay, các hình thức đào tạo nhân viên phổ biến có thể kể đến như: Tổ chức các lớp học; Cử đi đào tạo; Tham gia các hội nghị - hội thảo; Gửi tài liệu tự học; Đào tạo E-learning theo kiểu chương trình hoá, với sự trợ giúp của máy tính và mạng internet…

Mỗi phương pháp đều bộc lộ những ưu và nhược điểm riêng. Đơn cử như việc tổ chức các lớp học. Thông thường phương pháp này áp dụng cho những nghề tương đối phức tạp, hoặc có tính đặc thù, chương trình đào tạo gồm lý thuyết và thực hành. Khi đó việc đào tạo bằng kèm cặp không đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng.

Hay nhiều doanh nghiệp lại sử dụng phương pháp cử người lao động đến học tập ở các trường dạy nghề hoặc quản lý do các Bộ, ngành hoặc do Trung ương tổ chức. Khi đó, nhân viên sẽ được học tương đối đầy đủ cả kiến thức lý thuyết lẫn kỹ năng thực hành. Khuyết điểm tồn tại đó là tốn nhiều thời gian và kinh phí đào tạo.

Với cách cử nhân viên tham gia các hội nghị - hội thảo, phương pháp này chủ yếu đào tạo kỹ năng, cung cấp thêm kiến thức mới mở mang cho đội ngũ cán bộ công nhân viên. Thời gian đào tạo thường khá ngắn và không liên tục; các kiến thức thu nhận được cũng được tinh giản do thời lượng có hạn.

Ngoài ra, một trong những phương pháp đào tạo nhân sự được xem là Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đó là đào tạo nhân sự trực tuyến.

Ưu điểm nổi bật là nhân viên có thể chủ động bố trí thời gian học tập cho phù hợp với kế hoạch của cá nhân; có thể đảm bảo được chất lượng đào tạo mà không cần đến giáo viên đến giảng dạy trực tiếp và do đó tiết kiệm được chi phí đào tạo. Sự trao đổi trực tiếp giữa người học và người dạy cũng được thực hiện nhanh chóng qua môi trường mạng, hỗ trợ giải thích thông tin kịp thời.

Đào tạo E-learning tạo ra những đột biến quan trọng, làm thay đổi mạnh mẽ quá trình tự học do khả năng cá nhân hóa cũng như đáp ứng hiệu quả các hoạt động học tập của người học.

Nhận thấy đào tạo trực tuyến sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam; bắt kịp với xu hướng học tập hiện đại, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc (Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã khởi động dự án hệ thống đào tạo trực tuyến E-learning về chuyển đổi số. Theo đó, hệ thống đào tạo trực tuyến E-learning là dự án thuộc Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023.

Chương trình dự kiến sẽ triển khai 20 bài giảng trực tuyến với các chuyên đề như: Chiến lược chuyển đổi số/Tổng quan, những vấn đề cơ bản về chuyển đổi số;

Chuyển đổi số trong các lĩnh vực bán hàng, marketing; nhân sự, quản trị sự thay đổi, tư duy lãnh đạo; văn hóa doanh nghiệp, văn hóa số;Số hóa hoạt động doanh nghiệp, dữ liệu và an toàn thông tin, bảo mật thông tin trong doanh nghiệp; hợp đồng điện tử, chữ ký số, hóa đơn điện tử;

Công nghệ và giải pháp chuyển đổi số, công nghệ AI, BigData, Blockchain... và ứng dụng trong kinh doanh của doanh nghiệp; Chuyển đổi số điển hình trong các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, dịch vụ.

Các buổi đào tạo được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Qua đó, các doanh nghiệp được cung cấp các kiến thức nền tảng và chuyên sâu, được thực hành cụ thể cùng các giảng viên giàu kinh nghiệm mà Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã sàng lọc kỹ càng.

Theo đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng nội dung các bài giảng, để người học có thể áp dụng một cách linh hoạt các bài học, các bài giảng được thiết kế từ dễ đến khó, từ nội dung bắt buộc đến mở rộng nâng cao...

Đặc biệt sau mỗi phần lý thuyết sẽ là hệ thống các câu hỏi thực hành tại ngân hàng bài tập của dự án. Để đảm bảo chất lượng học tập, các doanh nhân tham gia đào tạo trực tuyến trong dự án cũng phải làm bài tập, trả lời các câu hỏi kiểm tra, ôn tập, ôn thi…

Với phần tài liệu phong phú được tải miễn sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ bổ sung vào kho dữ liệu đào tạo của mình trong tương lai.

Link gốc


  • 02/01/2024 04:30
  • Theo baodautu.vn
  • 3478