Sự im lặng tại công sở không phải lúc nào cũng là "vàng" (ảnh minh họa)
|
Trước ngày đi làm, Huân đã được mấy anh chị phòng bên “giáo huấn” về nhiều vấn đề cần tránh. Ngoài cái chuyện “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, Huân còn phải tiếp thu bí quyết "nằm lòng" của những người đi trước, “Tốt nhất là hãy im lặng khi làm việc”. Hỏi lý do, đàn anh chỉ bảo rằng công sở là nơi mọi người ai nấy đều chú tâm vào công việc, mình nói nhiều thậm chí nói ít đôi khi cũng ảnh hưởng đến tiến độ làm việc của người khác, rất dễ mất lòng, đã thế có lúc lỡ lời, nói cái gì đó không hay thì đúng là “ vô phương cứu chữa”. ‘
Nghe thấy thế, Huân cũng cảm thấy không yên tâm và hơi mất bình tĩnh, vì tính cậu từ xưa đến nay đều là người vui vẻ, hoà đồng, thích bắt chuyện và quan tâm đến người khác. Huân tự nhủ, “Chẳng nhẽ làm nhân viên công sở thì ai cũng phải “hoá đá” mà sống cho yên thân à?”.
Thế nhưng, trái với những lời dặn dò của các “bậc tiền bối”, công ty của Huân từ sếp cho đến các đồng nghiệp ai cũng cởi mở và thân thiện như người nhà của nhau, nếu Huân mà im lặng thì chẳng khác nào thành kẻ lạc lõng. Thế là, tính cách của Huân lại càng phát huy tác dụng. Huân nhanh chóng chiếm được cảm tình của tất cả mọi người, cậu được chỉ bảo tận tình để làm quen với môi trường và cách thức làm việc. Công việc nhờ thế cũng được đẩy nhanh tiến độ hơn.
Không phải ai cũng được may mắn như Huân, môi trường công sở vốn rất đa dạng, phức tạp và cũng có người này người kia. Những nhân viên công sở khi bước vào môi trường làm việc này không ít người buộc phải chọn cho mình con đường “im lặng” để phòng thân.
Công ty của Trang là một công ty lớn và có uy tín về lĩnh vực thời trang. Mức lương cao, thu nhập không có gì phải phàn nàn nhưng Trang vẫn cảm thấy không ổn. Sáng đến, tối về, Trang cũng như các nhân viên trong công ty chẳng khác gì những chiếc máy chỉ biết cắm đầu vào công việc. Ai cũng lo “chạy” cho xong phần doanh thu của mình. Không trò chuyện, không hỏi han và cả động viên lẫn nhau … Tình đồng nghiệp ở công ty Trang trở thành một thứ gì đó quá “xa xỉ”, đến nỗi làm việc được gần hai tháng ở đây, Trang vẫn không biết tên người đồng nghiệp ngồi cạnh.
Mỗi khi tụ tập “buôn” chuyện cùng mấy đứa bạn cũng là nhân viên văn phòng, Trang ngạc nhiên lắm khi thấy các bạn cô nhắc đến những bữa tiệc tụ họp của cả công ty, những buổi sinh nhật được các đồng nghiệp cùng phòng tổ chức, đến cả chuyện chị đồng nghiệp nhờ đi chọn váy cưới hay anh chàng ngồi bên tâm sự và nhờ tư vấn chuyện tình cảm… Trang tự thấy mình lạc lõng dưới cái bóng lớn của công ty cô.
Ngân thì cũng chẳng khác gì Trang. Ngay từ ngày đầu đi làm, Ngân đã được một đồng nghiệp nhắc khéo “Trong phòng mình đừng nói gì nhiều, tai mách vạch rừng, lỡ lời là lắm chuyện lắm”. Sau này được một thời gian, Ngân mới hiểu phòng cô không được đoàn kết cho lắm. Có một số đồng nghiệp sẵn tính mách lẻo lại thêm sở thích phóng đại sự thật. Ai không làm họ hài lòng thì ngay lập tức những thói hư tật xấu, những đề tài trong các lần nói chuyện chỉ vu vơ đến tai sếp chỉ sau vài phút.
Trên thực tế, những câu chuyện như thế không còn là hiếm trong các văn phòng, công ty. Với môi trường công sở cởi mở, thân thiện hơn thì để tránh những rắc rối, những bất lợi không đáng có trong quá trình làm việc, nhân viên cũng cần phải học cách giữ im lặng một số vấn đề như lương bổng, bệnh tật, phàn nàn về công việc, quan điểm tiêu cực về đồng nghiêp…
Công việc nhiều khi cần sự hợp lòng, dốc sức của tất cả mọi nhân viên. Nếu giữ bí quyết “im lặng là vàng”, đôi khi chính bạn sẽ biến mình thành người lạc lõng. Im lặng chỉ là một phương thức "vàng" khi nhân viên công sở biết áp dụng đúng lúc, đúng nơi.