Có lẽ dùng từ "nhọc nhằn" vẫn chưa đủ để diễn tả hết được nỗi vất vả và hiểm nguy trong công việc của người thợ điện. Với người thợ điện miền Trung, khó để nhận biết được mùa nào là mùa vất vả hơn đối với họ bởi mỗi mùa đều có những đặc thù “nghiệt ngã”:
Có nơi nào nắng như ở miền Trung
Trời đổ lửa dành riêng vùng đất sỏi
Khô rát thịt da, gió không xua nổi
Nheo mắt người... thương nắng mẹ quê ơi!
Bóng dáng người thợ điện miền Trung trải dài trên các nẻo đường khắp mọi địa hình, giọt mồ hôi ướt đầm vai áo
|
Nắng miền Trung nảy lửa. Bộ quần áo màu cam dày cộm cũng không che nổi dấu vết mồ hôi, chiếc "mũ chống nắng" rộng vành không đủ che chắn khuôn mặt rám đen, cháy sạm của người thợ điện. Nắng càng to, nguy cơ quá tải lưới điện càng hiện hữu; thắc mắc, kiến nghị của người dân vì thế càng nhiều, do đó công việc của người thợ điện càng tăng lên gấp bội. Để đảm bảo dòng điện thông suốt, những người thợ điện đã không quản ngại gian khó, làm việc bất kể ngày đêm. Đặc biệt, đối với anh em công nhân làm việc trực tiếp trên lưới, việc lơ lửng trên cột điện xuyên trưa giữa cái nắng “thiêu da cháy thịt” hay “trắng đêm” xử lý sự cố là việc hết sức bình thường.
Tại thời điểm nắng nóng đỉnh điểm, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao kéo theo những sự cố bất thường càng khiến công việc của “lính đường dây” xoay vòng như chong chóng. Để kịp tiến độ công việc, nhanh chóng cấp điện cho người dân nhiều khi anh em phải làm xuyên thời gian từ sáng đến tối, ăn uống “qua loa đại khái” tại hiện trường chỉ với một ổ bánh mì, một thanh lương khô… Nhưng vì mục tiêu đảm bảo cấp điện trong thời điểm “hot”, người lính áo cam vẫn hì hục, miệt mài, ngày đêm rang mình trên “chảo lửa” quên cả thời gian.
Đến bữa, nhiều khi cũng chỉ ăn vội chiếc bánh mì, suất cơm hộp hay gói lương khô để tranh thủ thời gian xử lý sự cố.
|
Thời tiết miền Trung còn bão lắm, mưa nhiều, cơn bão này chưa qua, cơn bão khác đã đến. Để duy trì dòng điện liên tục, các anh phải luôn có mặt, ứng trực trong mọi thời điểm, không quản ngại gian khổ, khó khăn. Nhiều đêm, trong ánh sáng đèn pin lập lòe, dưới màn mưa, gió rít, bão gầm, màu áo cam vẫn đơn độc, lơ lửng giữa không trung; vẫn băng suối, lội sông lấm len bùn đất; vẫn đội mưa, ngâm mình trong dòng nước bạc hàng canh giờ… để kiểm tra đường dây, khoanh vùng sự cố, nhanh chóng khắc phục hư hỏng cấp điện trở lại phục vụ người dân. Mỗi cơn bão đi qua, bỏ lại sau lưng bao cảnh tượng hoang tàn, cột điện, đường dây ngổn ngang, chằng chịt trên cây, dưới đất, công việc của người thợ điện lại thêm phần khó nhọc, thế nhưng vì mục tiêu nối thông dòng điện, người thợ điện miền Trung vẫn gồng mình chống chọi với thiên nhiên.
Bão tan cũng là lúc công việc của người thợ điện vất vả hơn bao giờ hết.
|
Những khó khăn, vất vả mà người thợ điện phải trải qua khó mà đong đếm hết, muốn sống với nghề, gắn bó cùng nghề, ngoài việc am hiểu, tận tụy với công việc thì người thợ điện phải có một tình yêu nghề vô cùng mãnh liệt.
Cũng làm việc trong ngành, tuy không đảm nhiệm công việc trực tiếp trên lưới điện để “thấm” cái nắng khét da, cái lạnh thấu thịt của đồng nghiệp mình, nhưng tôi phần nào hiểu và cảm nhận được nỗi gian nan, vất vả mà “người lính áo cam” phải nếm trải qua từng mùa trong năm. Phải chăng, chính sự khắc nghiệt của thời tiết, sự cằn cỗi của vùng đất “nắng nẻ mưa nguồn” đã rèn rũa, tôi luyện cho người công nhân điện lực quê tôi ý chí và nghị lực phi thường đến vậy.
Hiểm nguy trong nghề điện là điều không tránh khỏi, chỉ cần một sơ suất nhỏ, một thoáng mất tập trung có khi phải đánh đổi bằng cả sinh mạng.
|
Mỗi người chúng ta, ai cũng chọn cho mình một nghề để gắn bó, mưu sinh, với thợ điện cũng thế. Nhưng hơn cả một nghề, người thợ điện cần phải nung nấu sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm với công việc, với cuộc sống và xã hội. Nếu không có đầy đủ những yếu tố đó, hẳn người thợ điện sẽ dễ dàng quỵ ngã, đầu hàng trước những khó khăn, vất vả, hiểm nguy trong công việc hằng ngày.
Còn đối với người thợ điện miền Trung, nắng cháy hun đúc nên sự mạnh mẽ, mưa dầm tạo nên sự trưởng thành; cằn cỗi, khắc nghiệt tôi luyện nên những con người ấy - người thợ điện miền Trung. Yêu lắm thợ điện quê mình!