Nhà máy Điện Yên Phụ thời chống Mỹ: Nhớ những tấm gương quyết tử cho dòng điện

Năm 1972, Đế quốc Mỹ đã sử dụng nhiều loại máy bay hiện đại và bom đạn có sức công phá lớn đánh phá Nhà máy Điện Yên Phụ. Trong cuộc chiến đấu chống trả để bảo vệ Nhà máy, có 2 thợ điện là Đặng Đức Thọ và Vũ Xuân Hòa đã anh dũng hy sinh ngay bên lò hơi đang vận hành.

Trận bom cuối cùng của không quân Mỹ đánh vào nhà máy Điện Yên Phụ ngày 21/12/1972 gây thiệt hại nặng nề nhất về người và của. Chỉ trong nửa ngày, máy bay Mỹ đã 2 lần đánh phá khu vực nhà máy điện và nhà ở của công nhân. Từ mờ sáng, các máy bay B52 đã ném bom rải thảm xuống khu tập thể Nhà máy. Hàng trăm ngôi nhà bị đổ sập, nhiều người bị thương vong…

13h8’ cùng ngày, còi báo động vang lên không dứt. Trên bầu trời Nhà máy, máy bay quần đảo, bom đạn nổ ầm ầm. Trong những giờ phút cam go ác liệt đó, ở khu vực sản xuất, đồng chí Đặng Đức Thọ đã ra lệnh rút bớt công nhân vào nơi trú ẩn an toàn, chỉ để lại những vị trí thực sự cần thiết. Đồng chí Thọ và đồng chí Hòa ở lại bám máy, giữ lò. Đồng chí Thọ đảm nhiệm xử lý những tình huống bất ngờ có thể xảy ra của thiết bị vận hành như: Ap suất hơi, nhiệt độ nước, nhiệt lượng than ở buồng lửa; đồng chí Hòa đứng lò hơi số 9 giám sát áp lực và giám sát các thiết bị liền kề về áp lực lò hơi và buồng lửa… Giữa khói bom mù mịt, 2 đồng chí vẫn bình tĩnh vận hành máy. Lúc này, có thể nói ngoài kiến thức, kinh nghiệm, sự sáng suốt, còn đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, lòng dũng cảm và nghị lực kiên cường.

CBCNV khôi phục Nhà máy sau những trận ném bom của máy bay Mỹ

Bỗng một tiếng nổ vang trời, kèm theo là hàng loạt tiếng nổ inh tai nhức óc.  Máy bay Mỹ đã phóng những chùm bom tia laze xuống nhà máy làm sập toàn bộ gian lò kéo theo hàng trăm tấn bê tông cốt thép và than đen từ nóc lò đổ xuống… Khói bom, khói đạn quyện với than bụi bốc mùi khét lẹt, bùng lên cao ngất trời… Toàn bộ Nhà máy như chết lặng. Đồng chí Thọ và đồng chí Hòa đã hy sinh ngay bên lò hơi, trong bộ quần áo công nhân, chiếc mũ sắt phòng không, chiếc đèn pin kiểm tra và chiếc còi chỉ huy sản xuất vẫn còn đeo trên người…

Lãnh đạo Nhà máy đã quyết định tổ chức trang trọng Lễ truy điệu cho các anh, tiễn đưa các anh về nơi an nghỉ cuối cùng, đồng thời phát động đợt thi đua, biến đau thương thành hành động, quyết tâm khôi phục nhanh nhất, đưa Nhà máy hoạt động trở lại sớm nhất.

Chỉ 12 giờ sau đó CBCN Nhà máy đã đưa được điện lưới về. 48 giờ sau đó tiếp tục tháo gỡ các bê tông sắt thép ngổn ngang để tiến hành khôi phục thiết bị, vệ sinh mặt bằng, hàn vá các thiết bị chủ lực. Một quý sau, nhà máy đã phục hồi và tạm có được những thiết bị chính để sản xuất điện, đưa điện lên lưới phục vụ sản xuất, chiến đấu.

Mặc dù lửa lò lại tí tách reo vui, tua bin lại hối hả quay vòng rộn rã, song sự hy sinh anh dũng của các anh mãi để lại trong lòng các thế hệ CBVNV ngành Điện niềm kiêu hãnh, tự hào có những tấm gương quyết tử cho dòng điện.


  • 08/09/2016 03:18
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực - Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3384