Thị trường nhộn nhịp
Thời điểm này, các mặt hàng như: máy sấy, tủ sấy quần áo, máy hút ẩm… luôn trong danh sách các thiết bị đồ điện gia dụng có lượng tiêu thụ tăng “đột biến’.
Chị Đoàn Thị Hồng Ngọc, chủ một cửa hàng kinh doanh đồ điện tử - gia dụng tại phố Lê Lợi, Q. Hà Đông (Hà Nội) cho biết: "Mỗi ngày trung bình cửa hàng tôi bán được khoảng trên 20 chiếc máy, tủ sấy quần áo, máy hút ẩm, cao điểm có hôm vài chục chiếc".
Các sản phẩm đa dạng về chủng loại, nguồn gốc cho đến giá thành. Đơn cử, tủ sấy quần áo có giá từ vài trăm ngàn đồng/chiếc đối với loại "bình dân", cho đến dòng "cao cấp" hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Máy sấy hay máy hút ẩm cũng vô cùng phong phú với đủ các thương hiệu, mức giá.
Các sàn thương mại điện tử cũng đang “kiếm bộn” từ các sản phẩm này. Chỉ cần gõ từ khóa “tủ sấy quần áo” vào ô tìm kiếm của sàn S., lập tức người dùng sẽ nhận được về hàng nghìn kết quả sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Minh Nguyệt, một khách hàng đang tìm mua máy sấy quần áo, cho biết: “Tôi thấy nhiều gia đình cũng sử dụng cùng loại và phản hồi tốt về công dụng, được chỉ chỗ nên tôi cũng mua theo. Còn cách sử dụng, người bán cũng có hướng dẫn thì mình an tâm sử dụng thôi. Theo tôi muốn tránh những nguy cơ mất an toàn thì có thể dựa vào thương hiệu và giá cả đắt hơn thì sẽ đảm bảo an toàn hơn".
Sự chủ quan của người sử dụng
Việc sử dụng các thiết bị điện dựa vào "niềm tin" mà không tự trang bị kiến thức, kỹ năng ứng phó cần thiết cũng chính là “kẽ hở” khiến nhiều vụ việc hỏa hoạn tại hộ gia đình xảy ra, trong đó có nhiều vụ việc bắt nguồn từ quá trình vận hành các loại máy móc dùng để sấy quần áo, sưởi ấm, khử ẩm… trong mùa nồm.
![](/userfile/User/lenatt/images/2025/2/100225-20250211095445375_CanhbaonguycochaynoTBD_2_4.jpg)
Vụ cháy máy sấy quần áo xảy ra tại H.Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: Người dân chia sẻ
Đơn cử như vụ cháy máy sấy quần áo xảy ra vào đêm ngày 28/2/2022 tại một chung cư thuộc xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Theo thông tin từ lực lượng phòng cháy chữa cháy, hiện trường xảy ra tại ban công của một căn hộ thuộc tầng 22, ngọn lửa bốc ngùn ngụt cộng thêm gió tạt dẫn đến cháy lan lên căn hộ tầng 24.
Cũng trong khoảng thời gian này, một gia đình ở thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội sử dụng máy sấy tóc để sấy áo khoác bị ướt bằng cách đút máy sấy vào ống tay áo, rồi để máy tự hoạt động gây ra cháy. Do mải làm việc khác, chỉ khi ngửi thấy mùi khét, gia đình mới phát hiện ra sự việc.
Đầu tháng 3 năm 2024, cũng xảy ra sự cố chập điện máy hút ẩm xảy ra tại một hộ dân trên địa bàn TP.Hải Dương. Nguyên nhân do độ ẩm cao khiến khoang chứa nước bị đầy, nhưng chủ nhà vẫn để máy chạy suốt đêm mà không đổ bỏ nước, dẫn đến hư hỏng và chập cháy thiết bị.
Rất may, các vụ việc này đều được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, không gây thiệt hại lớn. Tuy nhiên, đó cũng là những hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn điện đến từ việc sử dụng các thiết bị điện không đúng cách trong thời tiết nồm ẩm.
Chuyên gia tư vấn cách sử dụng an toàn
Theo lý giải từ các chuyên gia, độ ẩm vào những tháng nồm thường xuyên ở mức khoảng 85 - 90%, rất có hại cho hầu hết các thiết bị điện tử vốn nhạy cảm với sự ẩm ướt do dễ bị hỏng hóc vi mạch, lỗi phóng điện, các chi tiết kim loại cũng bị gỉ sét ăn mòn. Bên cạnh đó, nhiều người sử dụng sai cách như để máy chạy quá lâu dẫn đến quá tải hoặc để các chất liệu chăn, vải bông sợi gần máy, khiến thiết bị bị nóng quá mức gây ra chập cháy.
Đặc biệt, thiết bị sấy quần áo dạng tủ rẻ tiền, thường được nhà sản xuất “chế” với mô tơ quạt gió gắn sợi đốt nóng và quây bằng vải bạt bao quanh khung sắt là vật dụng tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Nguyên nhân do khi sử dụng, quần áo được treo phía trên, máy làm nóng đặt phía dưới theo kiểu “xông khói”, nếu quần áo rơi xuống, hoặc đơn giản chỉ là sợi vụn vải kẹt vào có thể dẫn tới cháy thiết bị.
![](/userfile/User/lenatt/images/2025/2/100225-20250211095441839_CanhbaonguycochaynoTBD_1.JPG)
Một phần nguyên nhân gây cháy do sử dụng thiết bị không đúng cách. Ảnh: Fanpage Công an huyện Sơn Động
Một nguyên nhân khác phải kể đến là người dân thường ít có thói quen kiểm tra thiết bị điện định kỳ. Máy móc không được sử dụng trong thời gian dài cũng dễ gây nguy cơ hỏng hóc bất thường gây chập cháy.
Để đảm bảo an toàn khi vận hành các thiết bị điện trong thời tiết nồm ẩm, ông Bùi Bá Hưởng – Trưởng Bộ phận Kỹ thuật – Bảo hành, siêu thị điện máy Pico, khuyến cáo:
Đối với các loại tủ/máy sấy quần áo: Quần áo cần được vắt kiệt nước trước khi cho vào máy, để tránh gây nhỏ nước ra thiết bị. Đặc biệt, trước khi giặt, sấy cần kiểm tra kỹ túi quần áo để loại bỏ các vật dụng như đinh, kẹp, bút, bật lửa…, tránh nguy cơ kẹt vào lồng máy/thiết bị sấy, tạo phản ứng dẫn đến cháy. Không nên đặt máy trong môi trường ẩm ướt như nhà tắm, nơi bị nước mưa hắt vào. Thiết bị nên được đặt cách tường ít nhất 10-15cm, khoảng cách sàn 80cm, đồng thời không được đặt các vật dễ cháy ở gần.
Đối với các thiết điện tử: Các đầu giắc cắm, các khớp nối kim loại hay ốc vít đều là những vị trí rất dễ bị nồm ẩm gây gỉ sét, cần được lau khô thường xuyên. Nếu đã bị gỉ thì cần dùng giẻ có thấm cồn để lau sạch.
Ngoài ra, trong những ngày độ ẩm tăng cao, các thiết bị điện tử dù không dùng đến cũng nên bật ít nhất một lần/ngày và cắm điện ở chế độ chờ. Chế độ này giúp chúng được giữ ấm ổn định, không tốn nhiều điện năng và bảo vệ linh kiện bên trong khỏi độ ẩm từ môi trường.
Đặc biệt, người dân không nên sử dụng các thiết bị tủ/máy sấy, máy sưởi, thiết bị hút ẩm... trong thời gian dài liên tục để tránh tình trạng quá tải dẫn đến sự cố nóng máy gây cháy, nổ. Trong quá trình sử dụng, cần thường xuyên kiểm tra thiết bị, không nên vận hành thiết bị xuyên đêm để tránh xảy ra sự cố ngoài ý muốn.
Khi xảy ra cháy, nổ, cần hô hoán, báo động cho mọi người xung quanh biết, đồng thời gọi điện cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số 114 hoặc chính quyền nơi gần nhất, sử dụng phương tiện đạt quy chuẩn để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.
Lê Na
Share