
Nhà máy thủy điện Datang Zala của Trung Quốc nằm trên sông Yuqu. Ảnh: Xinhua
Trung Quốc chuẩn bị lắp đặt một turbine xung lực cỡ lớn tại Nhà máy thủy điện Datang Zala thuộc khu tự trị Tây Tạng. Turbine do Trung Quốc phát triển có công suất tối đa 500 MW, lớn nhất thế giới ở phân khúc đơn vị công suất đơn. Sẽ có 2 turbine được lắp đặt tại nhà máy này.
Turbine nặng 80 tấn đã rời nhà máy của Công ty Máy điện Cáp Nhĩ Tân, nằm ở đông bắc Trung Quốc vào ngày 2.7, sau 4 năm thiết kế và thử nghiệm.
Nhà máy thủy điện Datang Zala nằm trên sông Yuqu, một nhánh của sông Nu. Sông Nu chảy từ tây nam Trung Quốc qua tỉnh Vân Nam đến miền đông Myanmar và đổ ra biển Andaman.
Turbine được chế tạo từ thép martensitic, loại thép không gỉ nổi tiếng với độ bền, khả năng chịu lực và chống ăn mòn. Thiết bị này có 21 gầu nước với đường kính ngoài lên tới 6,23m.
Turbine mới có thể nâng cao hiệu suất phát điện của nhà máy, nơi có độ chênh lệch chiều cao giữa mực nước hồ chứa và turbine lên tới 671m.
Ông Tào Hưng Minh - Giám đốc công nghệ của Công ty Máy điện Cáp Nhĩ Tân - cho biết, đột phá công nghệ này giúp nâng hiệu suất phát điện từ 91% lên 92,6%. “Với một tổ máy 500 MW hoạt động 24 giờ mỗi ngày, việc tăng thêm 1,6% hiệu suất đồng nghĩa với sản lượng điện tăng thêm 190.000 kWh mỗi ngày” - ông nói.

Nhà máy thủy điện Datang Zala thuộc khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Theo Tập đoàn China Datang - đơn vị xây dựng nhà máy, tổng công suất lắp đặt của nhà máy thủy điện Datang Zala sẽ đạt 1 triệu kW, sản xuất gần 4 tỉ kWh điện mỗi năm.
Nguồn điện mà nhà máy này tạo ra tương đương với việc đốt 1,3 triệu tấn than tiêu chuẩn mỗi năm, giúp giảm 3,4 triệu tấn khí CO2.
Theo báo cáo tháng 4 của Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, nhà máy thủy điện Datang Zala đang được triển khai đúng tiến độ để vận hành như kế hoạch.
Khi phần chính của nhà máy bắt đầu xây dựng năm 2023, Tân Hoa xã đưa tin, nhà máy thủy điện Datang Zala dự kiến đi vào hoạt động năm 2028.
Kể từ năm 2020, Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực xây đập thủy điện, nhằm hướng tới mục tiêu đạt trung hòa carbon năm 2060. Theo Hiệp hội Thủy điện Quốc tế (IHA), Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu toàn cầu về phát triển thủy điện trong năm ngoái, chiếm phần lớn công suất bổ sung mới ở châu Á nhờ đầu tư mạnh mẽ vào các giải pháp lưu trữ năng lượng.
“Với hơn 200GW thủy điện tích năng đang được xây dựng hoặc đã được phê duyệt, Trung Quốc hiện trên đà vượt mục tiêu 120GW vào năm 2030 và có thể đạt 130GW vào cuối thập kỷ này" - IHA nêu trong báo cáo công bố tháng trước.
Thủy điện tích năng là hệ thống lưu trữ năng lượng bằng cách bơm nước giữa hai hồ chứa ở độ cao khác nhau. Khi nguồn điện dư thừa, nước được bơm lên hồ chứa cao hơn; khi nhu cầu tăng, nước được xả xuống để phát điện.
Link gốc
Theo laodong.vn
Share