Những di tích lịch sử ngành Điện - Phần 1

Từ những năm 20 thế kỷ trước, nhiều Nhà máy điện như Cửa Cấm, Thượng Lý, Yên Phụ,… lần lượt ra đời để phục vụ cho bộ máy cai trị của thực dân Pháp tại Việt Nam. Hầu hết các nhà máy được xây dựng với công suất nhỏ, đội ngũ những người thợ làm việc tại đây vô cùng vất vả, gian khổ. Nhưng chính từ trong bóng tối của áp bức, đô hộ, họ đã sớm được giác ngộ cách mạng, trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào công nhân đấu tranh chống thực dân Pháp và tiếp đó là kháng chiến chống Mỹ. Có thể nói, mỗi Nhà máy điện là một câu chuyện huyền thoại. Dù Nhà máy điện luôn là mục tiêu hủy diệt của hàng loạt trận đánh bom ác liệt, nhưng cán bộ, công nhân các Nhà máy điện vẫn kiên cường bám trụ, quyết giữ vững dòng điện sáng, chắc tay súng chiến đấu bảo vệ nhà máy. Nhiều người đã ngã xuống, nhưng họ sẽ mãi được các thế hệ làm điện tiếp nối ghi nhớ và vinh danh. Nhiều Nhà máy điện đã bị tàn phá nặng nề, buộc phải ngừng hoạt động, nhưng những di tích lịch sử, những gì còn lại của quá khứ sẽ luôn được trân trọng và gìn giữ…

Nhà máy điện Thanh Hóa

Nhà máy điện Thanh Hóa có 4 đơn vị phát điện là Phân xưởng Lôcômôbi Hàm Rồng, Phân xưởng Cổ Định, Phân xưởng Bàn Thạch và Phân xưởng Nhà máy điện 4 - 4 với tổng công suất 6.060 kW, được xây dựng từ năm 1956 đến năm 1964.

Đầu năm 1956, Nhà máy điện Lôcômôbi Hàm Rồng được khởi công xây dựng, công suất đặt là 600 kW. Ngày 18/01/1958, Nhà máy chính thức phát điện.

Nhà máy Nhiệt điện Cổ Định là nhà máy thứ hai được xây dựng tại Thanh Hóa, cấp điện cho khai thác quặng mỏ cờ-rômit Cổ Định. Nhà máy được khởi công xây dựng ngày 22/11/1958, công suất thiết kế là 2x1500 kW.

Ngày 6/4/1961, Bộ Thủy lợi – Điện lực đã quyết định thành lập Nhà máy điện Thanh Hóa trên cơ sở sáp nhập Nhà máy điện Lôcômôbi và Nhà máy điện Cổ Định. 2 Nhà máy điện này trở thành 2 phân xưởng sản xuất điện của Nhà máy điện Thanh Hóa.

Năm 1962, Nhà máy điện Thanh Hóa có thêm 1 đơn vị phát điện là Phân xưởng điện Bàn Thạch ở Thọ Xuân, công suất 960 kW, được xây dựng với sự viện trợ của Chính phủ Liên Xô, cấp điện cho các trạm bơm nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Do nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, Thanh Hóa đã khởi công xây dựng cơ sở phát điện thứ 4 vào đầu năm 1960, công suất thiết kế là 3.000 kW. Máy móc, thiết bị phát và truyền tải điện do Hungari cung cấp. Ngày 4/4/1964, Nhà máy được khánh thành, đi vào hoạt động và được đặt tên là: Nhà máy điện 4-4.

Nhà máy điện Thanh Hóa năm 1960.  Nguồn ảnh: Trần Nguyên Hợi

Từ cuối năm 1964, Đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, Nhà máy điện Thanh Hóa đã thành lập đội tự vệ chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Nhà máy, bảo vệ sản xuất. Từ khi thành lập, Đội tự vệ Nhà máy luôn là nòng cốt trong công tác chuẩn bị chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ. Đội tự vệ đã đào 750 hầm trú ẩn, 2.537 mét giao thông hào (có 950 m qua núi) làm các công cụ phục vụ chiến đấu, chuyển các thiết bị, máy dự phòng đến địa điểm an toàn…

Trong 3 năm (1965-1968), Nhà máy điện Thanh Hóa có 9 cán bộ, công nhân hy sinh và 34 người bị thương vì bom đạn của máy bay Mỹ. Giặc Mỹ đã ném xuống Nhà máy 7.780 quả bom các loại, 66 thùng bom bi mẹ, 36 quả bom lân tinh, bắn 306 tên lửa, 1456 quả rốc két, 182 quả đại bác.

Bị đánh phá ác liệt, cán bộ công nhân Nhà máy điện Thanh Hóa đã di chuyển thiết bị, máy móc và sơ tán các cơ sở phát điện. Đồng thời, để đảm bảo điện cho thời chiến, Nhà máy điện Thanh Hóa đã lập 5 cụm phát điện nhỏ, lắp đặt từ các máy phát điện diesel, tổng công suất 2.850 kW.

Với sự nỗ lực của CBCNV, sản lượng điện của Nhà máy điện Thanh Hóa suốt trong 10 năm diễn ra chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ đã không bị giảm sút mà còn gia tăng. Năm 1965, sản lượng điện: 8.292.041 kWh. Năm 1970, đạt 12.072.475 kWh. Năm 1975, sản lượng: 25.193.807 kWh.

Tháng 12/1966, Nhà máy điện Thanh Hóa đã vinh dự được Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. CBCNV Nhà máy có 2 người được tặng danh hiệu Anh hùng. Tiểu đoàn tự vệ Nhà máy điện Thanh Hóa được công nhận là Đơn vị Quyết thắng, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai, hạng Ba.

Nhà máy điện Thượng Lý (Hải Phòng)

Nhà máy điện Thượng Lý tiền thân là Xưởng phát điện của Nhà máy Xi măng Hải Phòng. Năm 1955, ngay sau khi tiếp quản thành phố Hải Phòng, Chính quyền cách mạng non trẻ của Thành phố đã bắt tay ngay vào công cuộc cải tạo, khôi phục kinh tế. Xưởng phát điện nhanh chóng được sửa chữa phục vụ sản xuất xi măng, góp phần tái thiết thành phố Cảng.  
Năm 1959, Bộ Công nghiệp cho bổ sung thêm 2 lò hơi Ba Lan.

Ngày 1/4/1961, Bộ Công nghiệp quyết định giao Xưởng phát điện Thượng Lý cho Nhà máy điện Hải Phòng quản lý, từ đó việc cung cấp điện cho xi măng ngày càng hiệu quả hơn.
Do thiết bị máy móc cũ, khi vận hành thường hay xảy ra sự cố, Nhà máy đã thành lập phân xưởng Sửa chữa. Năm 1969, Nhà máy có gần 500 cán bộ, nhân viên. Công suất nhà máy nhỏ. Máy móc, thiết bị lạc hậu, các khâu sản xuất phần lớn phải làm thủ công, mất nhiều công sức,thời gian. Hằng ngày, công nhân phải bốc than từ sông Thượng Lý, chở bằng xe goòng về kho xa vài trăm mét. Sau khi đốt lò, lại phải dùng xe goòng chở xỉ ra bãi thải.

Nhà máy có phân xưởng chế biến than cấp cho lò nung, nên môi trường xung quanh Nhà máy lúc nào cũng bụi bặm, nhem nhuốc. Cán bộ, công nhân làm 3 ca liên tục, không có nghỉ Tết, nghỉ lễ. Hằng ngày, anh em phải đi đò qua sông hoặc thậm chí bám dây cáp, miệng ngậm cặp lồng cơm, bơi qua sông vì cầu Thượng Lý và cầu Quay đều đã bị máy bay Mỹ đánh sập.

Ngày 20/4/1967, Mỹ đánh phá hủy diệt Nhà máy điện Cửa Cấm và đánh sang Nhà máy điện Thượng Lý. Công nhân được lệnh xuống hầm trú ẩn. Chỉ có 3 công nhân trực ca ở lại. Dưới làn bom đạn, họ vẫn bám trụ kiên cường để dòng điện sáng.

Năm 1969, Mỹ ném bom vào Nhà máy, quả bom rơi trúng băng chuyền than và chưa phát nổ (nếu bom nổ thì tan Nhà máy). Những cán bộ, công nhân lúc đó quyết định phải lập đội tháo gỡ bom. Rất nhanh chóng, đội tháo bom gồm 3 người có chuyên môn: Thợ cơ khí, thợ điện, thợ máy được giao thực hiện nhiệm vụ. Nhà máy còn tổ chức lễ “truy điệu sống” cho cả 3 người trước lúc tháo bom, để anh em được “chia tay” trong tình cảm ấm áp tình đồng đội, tình đồng chí, tình người. Ông Hoàng Ngọc Nhạc – một trong ba người tham gia nhiệm vụ nguy hiểm này cho biết, lúc bấy giờ ông 28 tuổi, xung phong vào đội tháo bom, không hề sợ cái chết mà chỉ thấy vui và tự hào. Quả bom nặng 950kg, được 3 công nhân trực tiếp tháo bằng vồ gỗ trong vòng 1 tiếng. Sau khi cắt dây an toàn, quả bom được đưa ra ngoài bằng xe kéo giao cho Quận đội tại Hồng Bàng.

Ông Nguyễn Vinh Hiển – Nguyên Trưởng ca Nhà máy điện Thượng Lý chia sẻ, ông từng chứng kiến hai trận ném bom dữ dội của Mỹ xuống Nhà máy vào ngày 20/4/1967 và 16/4/1972. Theo ông Hiển, trận đánh năm 1967 phá hủy 4 lò BW của Nhà máy, làm chết và bị thương nhiều cán bộ, công nhân. Nhưng trận đánh năm 1972 còn ác liệt, dữ dội hơn nhiều. Bom B52 của Mỹ trút xuống từng đợt, cứ 30 phút lại rải xuống Nhà máy một lần, suốt từ chập tối đến đêm, tất cả 8 lượt oanh tạc, làm cho Nhà máy bị thiệt hại nặng nề. Thế nhưng cán bộ, công nhân Nhà máy vẫn kiên cường bám trụ, lạc quan, khi vào ca còn “oẳn tù tì” với nhau để xem hôm nay ai bị… “cắt sổ gạo”!

Tuy bị thiệt hại nặng nề từ những trận đánh phá thảm khốc của máy bay Mỹ, nhưng Nhà máy điện Thượng Lý vẫn “chia lửa" với các đơn vị bạn, tăng cường chi viện cho hầu hết các Nhà máy điện miền Bắc như Uông Bí, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Việt Trì… Năm 1972, Nhà máy cử đoàn công tác gồm 15 cán bộ, nhân viên tăng cường bảo vệ Nhà máy Thủy điện Thác Bà.
Năm 1984, Nhà máy điện Thượng Lý ngừng hoạt động vì máy móc, thiết bị lạc hậu nên hiệu quả kinh tế thấp, công suất phát không cao (10.000 kW). Tuy nhiên, hình ảnh Nhà máy điện Thượng Lý anh dũng trong chiến đấu chống máy bay Mỹ, kiên cường bám trụ trong sản xuất, giữ vững dòng điện cho thành phố Hoa Phượng Đỏ suốt những năm dài chiến đấu vẫn mãi mãi còn in sâu đậm trong tâm trí người dân đất Cảng, cũng như nhân dân cả nước.

Nhà máy điện Uông Bí (Quảng Ninh)

Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí là nhà máy sử dụng công nghệ ngưng hơi thuần túy, được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khởi công xây dựng ngày 19/5/1961. Sự ra đời của Nhà máy là sự kiện quan trọng trong lịch sử phát triển ngành Công nghiệp non trẻ của Việt Nam vào thời điểm miền Bắc vừa được giải phóng. Với công trình này, đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, Việt Nam đã có một nhà máy nhiệt điện tầm cỡ bậc nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Ngày 20/11/1963, dòng điện đầu tiên của Nhà máy đã hòa vào lưới điện miền Bắc.

Ngày 18/1/1964, sau gần 3 năm khẩn trương xây dựng và lắp đặt thiết bị, với sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia Liên Xô, cùng với công sức của hơn 3.000 cán bộ và công nhân Việt Nam, Nhà máy đã hoàn thành xây dựng đợt 1 gồm: 2 lò, 2 tổ máy, công suất 24 MW. Năm 1965, Nhà máy hoàn thành xây dựng đợt 2, công suất 24 MW.

Công nhân Nhà máy điện Thượng Lý mừng công hoàn thành vượt mức kế hoạch đại tu máy tuabin số 3 trước 10 ngày (Hải Phòng, 1965). Nguồn ảnh: Trần Nguyên Hợi

Ngày 15/12/1965, Nhà máy Nhiệt  điện Uông Bí phải hứng chịu trận ném bom đầu tiên của máy bay Mỹ. Nhà máy bước sang giai đoạn mới, vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ dòng điện. Trong những năm chống Mỹ, 1.180 quả bom các loại của không lực Hoa Kỳ đã ném xuống địa bàn Nhà máy, làm cho  Nhà máy phải tiến hành 10 đợt phục hồi. CBCNV Nhà máy đã anh dũng trong sản xuất, quyết tâm bám lò, bám máy, đoàn kết chiến đấu chống lại những đợt ném bom hủy diệt của máy bay Mỹ, giữ vững tinh thần lao động sản xuất và chiến đấu. 8 CBCNV- Chiến sỹ tự vệ Nhà máy đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Năm 1966, công trình “ống khói ngầm” (đưa ống khói nhà máy chìm dưới lòng sông để ngụy trang, tránh máy bay địch ném bom) ra đời và đã đi vào lịch sử như một sáng kiến đặc biệt, thể hiện nghị lực, ý chí kiên cường, bất khuất của tuổi trẻ - Công nhân điện Uông Bí. Công trình đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam biểu dương và lắp thành mô hình đưa sang triển lãm tại Matxcơva, giới thiệu sự sáng tạo của tuổi trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được bạn bè quốc tế ca  ngợi và thán phục.
Từ 1964- 1971, Nhà máy đã đóng góp sản lượng điện lên tới  835.540.780 kWh cho miền Bắc XHCN, năm nào cũng vượt mức kế hoạch sản xuất điện. Từ 1973- 1975, Nhà máy thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là khôi phục và mở rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất theo tinh thần Nghị quyết 22 của Trung ương Đảng.

Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, Nhà máy điện Uông Bí đã hoàn thành việc mở rộng quy mô sản xuất đợt 3 (năm 1976) với công suất 50 MW và đợt 4 (năm 1977- 1980), công suất 55 MW. Tổng công suất của Nhà máy sau 4 đợt mở rộng  là 153 MW.

Trong 10 năm từ 1976- 1986,  Nhà máy đã vượt qua nhiều khó khăn của thời kỳ kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp, hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình mới như: Đập tràn sông Uông, lò hơi số 1, tua-bin, máy phát số 1, băng tải 1 và 2, băng tải 3 và 4, Nhà cơ khí, Nhà che than khô, hệ thống đường sắt… Nhà máy đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1981.

Cuối thập niên 80 thế kỷ XX, với sự tham gia phát điện của một số Nhà máy điện công suất lớn như Nhiệt điện Phả Lại và Thủy điện Hòa Bình, miền Bắc bắt đầu xuất hiện tình trạng thừa điện. Trước tình hình đó, Bộ Năng lượng đã chỉ đạo: Nhiệt điện Uông Bí phải dừng lò. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của Nhà máy. Đảng bộ Nhà máy và Ban Giám đốc đã sáng suốt chọn giải pháp: Tập trung vào công tác bảo quản máy móc thiết bị bằng phương pháp phòng mòn với vị thế  dự phòng, sẵn sàng phát điện khi đường dây 500 kV đã đóng điện.
Cùng với sự phát triển của ngành Điện, từ năm 1994, Nhà máy đã phát điện trở lại, đạt sản lượng 650 triệu kWh/năm.

Tiếp  đà phát triển, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí thực hiện Dự án Uông Bí mở rộng 1, công suất 300 MW, sản lượng điện 1,8 tỷ kWh/năm. Dự án được khởi công năm 2002, đã hòa đồng bộ vào lưới điện quốc gia ngày 18/12/2006.

Tháng 3/2005, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí đổi tên thành Công ty Nhiệt điện Uông Bí theo Quyết định số 15/2005/QĐ – BCN.

Năm 2008, Công ty Nhiệt điện Uông Bí tiếp tục khởi công Dự án Uông Bí mở rộng 2, công suất 330 MW, mỗi năm hòa vào lưới điện quốc gia 2 tỷ kWh.

Theo Quyết định số 405/QĐ - EVN, ngày 30/6/2010 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty chuyển sang mô hình Công ty TNHH MTV, tên gọi: Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Uông Bí.


  • 23/12/2014 10:35
  • Nguồn: Ấn phẩm Điện lực VN - 60 năm: Thắp sáng niềm tin
  • 27262


Gửi nhận xét