Bài toán về chuyển đổi năng lượng ở các quốc gia Đông Nam Á

Kinh tế các quốc gia Đông Nam Á đã phát triển nhanh chóng trong nhiều năm liền, kéo theo nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng lớn. Chính điều này đã khiến nhiều quốc gia ở khu vực hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng.

Xung quanh vấn đề này, báo Jakarta Globe số ra mới đây có đăng bài phân tích của tác giả Venkatachalam Anbumozhi với tựa đề “Bài toán về chuyển đổi năng lượng ở các quốc gia Đông Nam Á.”

Các quốc gia Đông Nam Á đang phải đối mặt với một loạt các tình huống tiến thoái lưỡng nan về chuyển đổi năng lượng. Các nền kinh tế trong khu vực đang phát triển nhanh chóng, mức độ đô thị hóa tăng nhanh trong những năm vừa qua và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu đã tạo ra nhu cầu đối với dịch vụ năng lượng và điện năng chưa từng thấy.

Mức sử dụng năng lượng bình quân đầu người của 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiện vẫn còn khá thấp, khoảng 0,61 tấn dầu/người, so với con số 1,1 tấn/người ở Trung Quốc, 4,7 tấn/người ở Nhật Bản và 1,69 tấn/người là mức trung bình của thế giới.

Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng thương mại của các quốc gia ở khu vực đã tăng lên đáng kể trong 25 năm qua. Khu vực này có 8% nguồn nhiên liệu hóa thạch trên thế giới. Trong đó, gần như toàn bộ trữ lượng than của ASEAN nằm ở Indonesia (83%) và Việt Nam (10%).

Khí tự nhiên và dầu mỏ được tìm thấy ở Brunei Darussalam, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Indonesia và Philippines có trữ lượng năng lượng địa nhiệt đáng kể, lần lượt là các quốc gia sản xuất năng lượng từ các nguồn địa nhiệt lớn thứ hai và thứ tư trên toàn thế giới. Thủy điện phong phú ở Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.

Bên cạnh đó, tất cả các nước ASEAN đều có Biomass, một nguồn năng lượng phi thương mại phổ biến sử dụng cho nấu ăn và và sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt ở các vùng nông thôn.

Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á đang đối mặt với những thách thức trong việc phát triển nguồn năng lượng và phân phối chúng từ các địa điểm xa xôi đến các trung tâm sản xuất và tiêu thụ đô thị. Hơn nữa, trình độ phát triển về kinh tế và năng lượng của các nước Đông Nam Á rất không đồng đều.

Năm 2015, ít nhất 134 triệu người trong khu vực, chiếm 22% dân số, không được tiếp cận với điện năng hiện đại. Khu vực này có hàng ngàn hòn đảo, phần lớn nằm ở Indonesia và Philippines, cực kỳ khó khăn trong việc tiếp cận năng lượng.

Kể từ khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được phê chuẩn vào tháng 12/2015, cũng như Cam kết của các quốc gia về môi trường (INDC) được ký kết vào tháng 11/2016, các nước trong khu vực đã chú ý hơn đến việc áp dụng các giải pháp chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng thải ra ít carbon hơn.

Với tốc độ phát triển như hiện nay, các chuyên gia dự báo việc cung cấp năng lượng của các nước Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng đều đặn từ mức tương đương 619 triệu tấn dầu mỏ vào năm 2013 lên 1.685 triệu tấn vào năm 2040, với mức tăng trung bình hàng năm là 4,7%. Mức tăng dự kiến này cao hơn mức tăng trung bình 4,2%/năm trong thời gian 1990-2013. Khí thải có carbon trong giai đoạn này dự báo cũng sẽ tăng 4%/năm.

Việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch đang được các quốc gia trong khu vực quan tâm và đầu tư rất mạnh. Chính sách này dự kiến sẽ đi vào thực tế trong những năm tới và góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng của khu vực.

Các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng sạch để đáp ứng các mục tiêu của INDC được dự đoán sẽ tăng đều đặn và đến năm 2030 sẽ cần đến 2.100 tỷ USD cho các nước ASEAN. Khoảng 46% số ngân sách này sẽ phục vụ cho nhu cầu cơ sở hạ tầng của ngành điện, tiếp đó là khoảng 17% cho hiệu suất năng lượng.

Khu vực Đông Nam Á có nhu cầu tài chính cao để đầu tư phát triển năng lượng sạch cho nhiều loại dự án. Mỗi khoản đầu tư có mức độ rủi ro riêng biệt của nó, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như thị trường, kỹ thuật và các quy định.

Đối với việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thì những mối lo chính bao gồm các rào cản về luật pháp, thị trường và tài chính, tiền thu hồi có thể không đủ để bù đắp số tiền đã đầu tư. Các rào cản về quy định bao gồm việc phân bổ không chính xác các chính sách về năng lượng với chính sách về khí hậu và phát triển xã hội.

Bên cạnh đó, trợ cấp vẫn là rào cản thị trường có ảnh hưởng lớn đến giá năng lượng. Sự biến động đột ngột của tỷ giá hối đoái và lãi suất là rủi ro tài chính liên quan đến các khoản đầu tư mới.

Tương tự, các nhà đầu tư có những khoảng thời gian khác nhau và mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau, và không có giải pháp dễ dàng để giải quyết những rủi ro này. Cần có một quá trình trao đổi giữa các nhà hoạch định chính sách và ngành tài chính để giảm rủi ro cho các khoản đầu tư. Các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần phải hiểu rõ các loại rủi ro và các cơ chế quản lý, từ đó có những khuyến khích cần thiết để thu hút đầu tư.

Cộng đồng tài chính cần phải đánh giá bản chất đặc thù của các khoản đầu tư phát triển năng lượng sạch từ quan điểm phát triển bền vững, và phát triển các phương tiện phù hợp để tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng sạch có tính đa dạng về đầu tư, mô hình hoạt động và các mục tiêu đầu tư. Các tổ chức trung gian như các định chế tài chính quốc tế và các ngân hàng thương mại có thể cung cấp các sản phẩm tài chính có hiệu quả để phát triển loại năng lượng này.

Điều gì có thể góp phần mở rộng nguồn tài chính tư nhân cho quá trình chuyển đổi sang sản xuất và tiêu thụ năng lượng sạch? Nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á thực hiện đã đề xuất các bước mà chính phủ các quốc gia ASEAN có thể thực hiện để thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng sạch.

Một là đảm bảo một môi trường ổn định và tích hợp giữa năng lượng, kinh tế và môi trường, khiến các nhà đầu tư yên tâm về chính sách và các ưu đãi rõ ràng, nhất quán của chính phủ.

Hai là cung cấp một lộ trình cơ sở hạ tầng phát triển năng lượng sạch cấp khu vực cũng như cấp quốc gia, làm tăng sự tin tưởng của khu vực tư nhân đối với các cam kết.

Ba là giải quyết các tồn đọng của thị trường, như sự tồn tại của các khoản trợ cấp tràn lan và thiếu định giá carbon dẫn đến sự gia tăng các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng phát triển năng lượng sạch.

Bốn là phát hành các sản phẩm tài chính sáng tạo, như “Phương tiện chuyên dụng đặc biệt” và “Trái phiếu xanh” nhằm hỗ trợ phát triển thị trường mới với các cơ chế chia sẻ rủi ro thích hợp.

Năm là đẩy mạnh tính minh bạch của thị trường, hệ thống xếp hạng tín dụng và dữ liệu về đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng bằng cách hỗ trợ đối thoại công-tư thường xuyên.

Các quỹ của nhà nước đóng một vai trò quan trọng trong việc kích thích đầu tư tư nhân trên quy mô cần thiết để cung cấp phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng bền vững. Đầu tư trực tiếp vào các dự án tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả chỉ là một khía cạnh trong sự tham gia của chính phủ.

Các hình thức khác như bảo lãnh tín dụng một phần với sự hợp tác của các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á có thể đóng một vai trò quan trọng hơn trong việc xúc tiến các khoản đầu tư của khu vực tư nhân để góp phần giải quyết bài toán về chuyển đổi năng lượng cho các quốc gia ASEAN.


  • 29/05/2017 06:01
  • Theo www.vietnamplus.vn
  • 11418