Tiền điện - mối quan tâm hàng đầu trong mùa nắng nóng
Trước băn khoăn của độc giả về việc tại sao thực hiện tăng giá điện đúng thời điểm nắng nóng, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho biết, đề xuất tăng giá điện bán lẻ đã được thực hiện vào cuối năm 2022, đầu năm 2023. Tuy nhiên, Chính phủ phải cân nhắc các yếu tố tác động kinh tế xã hội của việc tăng giá điện, nên tới tháng 5 này mới duyệt cho EVN được tăng giá điện 3%.
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng Ban Kinh doanh EVN, những mùa hè trước đây, khách hàng thường rất quan tâm đến chi phí tiền điện, cách tính toán hóa đơn tiền điện. Gần đây, thông qua các trang web chăm sóc khách hàng (CSKH) và một số công cụ khác của ngành Điện, khách hàng có thể theo dõi được sản lượng điện tiêu thụ hàng ngày và thậm chí có thể so sánh với các năm trước. Nhờ đó khách hàng đã có thể chủ động tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả hơn. Do đó, các ý kiến thắc mắc đến cách tính hóa đơn và chi phí tiền điện tăng cao từ phía khách hàng cũng đã giảm xuống rất nhiều.
Chương trình tọa đàm trực tuyến do Báo Tuổi trẻ tổ chức chiều 15/5
|
Ông Nguyễn Quốc Dũng cũng cho biết, việc sử dụng máy điều hòa nhiệt độ thường chiếm tỉ trọng 40-70% lượng điện sử dụng của các hộ gia đình và lượng điện này thường rơi vào bậc có giá cao nên chi phí hóa đơn của hộ gia đình tăng lên.
Ông Dũng khuyến cáo người dân cần lưu ý, khi nhiệt độ ngoài trời càng cao thì thiết bị điều hòa cũng tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để làm mát. Để sử dụng thiết bị điều hòa một cách tiết kiệm điện và có hiệu quả, thì không nên để nhiệt độ trong phòng chênh lệch quá nhiều so với nhiệt độ môi trường (nhiệt độ chênh lệch nên khoảng 5-7 độ). Khi dùng điều hòa, nên cài từ 26 độ trở lên và kết hợp với việc sử dụng quạt. Điều hòa cần được vệ sinh định kỳ để tăng hiệu suất làm mát và tiết kiệm điện.
Đối với các khách hàng lớn, hàng năm các công ty điện lực đều có các chương trình và ký kết các thỏa thuận để thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải tự nguyện (DR). Trong các thời điểm lưới điện mất cân bằng cung cầu hoặc khi xảy ra những sự cố làm giảm khả năng cung cấp điện, các đơn vị điện lực sẽ thông báo trước cho khách hàng để các khách hàng lớn giảm công suất sử dụng, chuyển một phần sản xuất sang khung thời gian khác nhằm đảm bảo an toàn cung cấp điện mà không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Các chương trình điều chỉnh phụ tải tự nguyện góp phần đảm bảo khả năng cung cấp điện cho tất cả các khách hàng và khách hàng vẫn đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, thậm chí nếu chuyển sang khung giờ thấp điểm còn được hưởng giá điện thấp hơn rất nhiều – Trưởng Ban Kinh doanh EVN khẳng định.
Có nguy cơ bị mất điện trong mùa hè 2023?
Đó là băn khoăn chung của nhiều độc giả gửi đến tọa đàm. Theo Trưởng Ban Kinh doanh EVN Nguyễn Quốc Dũng, năm 2023 mặc dù gặp nhiều khó khăn do những biến động chung, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cố gắng cung cấp điện cho sự phát triển của kinh tế, xã hội và nhu cầu của nhân dân.
Tại một số khu vực, do lưới điện hạ áp được đầu tư đã lâu, kết hợp với thực tế nhu cầu của người dân trang bị và lắp đặt thêm những thiết bị điện hiện đại, công suất lớn trong khi nâng cấp lưới điện chưa theo kịp. Nếu trong điều kiện bình thường, việc cung cấp điện là ổn định và liên tục. Tuy nhiên, khi nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, các hộ gia đình dùng thiết bị làm mát nhiều, đặc biệt là thiết bị điều hòa, sẽ làm công suất sử dụng tăng đột biến nên gây quá tải cục bộ tại khu vực đó.
Hằng năm, Điện lực đều rà soát để cải tạo và nâng công suất trước mùa nắng nóng, tuy nhiên vẫn có một số khu vực xảy ra hiện tượng này. Nếu xảy ra sự cố, Điện lực đều ưu tiên cao nhất để cung cấp điện trở lại, đồng thời triển khai các biện pháp quản lý vận hành, san tải hệ thống, thay thế trạm biến áp công suất cao hơn để cung cấp điện ổn định.
Nhân viên Điện lực hướng dẫn khách hàng sử dụng app chăm sóc khách hàng để theo dõi chỉ số điện hàng ngày
|
Theo ông Đặng Nguyên Phương – Trưởng Ban Kinh doanh Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), các công ty Điện lực thành viên của EVNSPC tại 21 tỉnh, thành phía Nam đã lập phương án cung cấp điện trong các tình huống vận hành của hệ thống điện, trong đó chú ý những giải pháp đảm bảo hoạt động sản xuất có tính chất đặc thù, thời tiết khắc nghiệt, xâm nhập mặn… Ví dụ đối với nhóm khách hàng nuôi trồng thủy sản chỉ có nhu cầu sử dụng theo giờ, thì Điện lực sẽ xem xét phương án khách hàng chạy máy tạo oxy luân phiên chống quá tải, tự điều tiết nhu cầu khác chưa cấp bách để dành sản lượng điện cho sản xuất. EVNSPC cũng đẩy mạnh tuyên truyền vận động khách hàng có giải pháp sử dụng hiệu quả để góp phần đảm bảo cân đối cung cầu điện.
Ông Bùi Trung Kiên – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cho biết, về phía EVNHCMC cũng đã có các giải pháp giảm sự cố lưới điện, đồng bộ với việc tiếp tục ứng dụng công nghệ sửa chữa bảo dưỡng tiên tiến vào lưới điện khu vực TP. HCM, tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra thử nghiệm chẩn đoán phòng ngừa sự cố, hoán chuyển các máy biến thế vận hành đầy tải, non tải…
Về phía khách hàng sử dụng điện, ngành Điện đề nghị khách hàng cần tiết kiệm điện một cách triệt để, đồng thời tham khảo mức độ tiêu thụ điện hằng ngày trên ứng dụng CSKH để điều tiết mức sử dụng điện hợp lý.
* Mời quý độc giả theo dõi nội dung chi tiết chương trình tọa đàm tại đây