"Bừng sáng Điện Biên" hiện thực hóa giấc mơ đưa văn minh về bản

Điện lưới từ chương trình “Bừng sáng Điện Biên” đã kéo theo văn minh về với các bản vùng khó. Giấc mơ cuộc sống sang trang đang dần hiện hữu…

Văn minh về bản

Sau nhiều năm sống trong cảnh bếp củi, đèn dầu, đầu năm 2023, 64 hộ đồng bào Mông thôn Củ Dỉ Sang, xã Tả Phìn (huyện Tủa Chùa) chính thức được sử dụng điện lưới quốc gia.

Không còn phải cặm cụi bên chiếc đèn dầu hiu hắt, giờ đây ngôi nhà gỗ của anh Thào A Tằng đã sáng ánh điện. Mỗi tối, những đứa con của anh Tằng bi bô học chữ bên chiếc đèn bàn mới mua. Nhìn bọn trẻ, anh Tằng càng phấn khởi hơn.

“Tôi biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm. Có điện rồi, cuộc sống gia đình tôi đúng là sang trang thật. Trước đây, chúng tôi phải thắp đèn dầu, nến hoặc đốt củi lửa trong nhà để có nguồn sáng. Tối đến, gà chưa lên chuồng thì người đã lên giường đi ngủ hết rồi”, anh Tằng bộc bạch.

Công nhân Công ty Điện lực Điện Biên kiểm tra, sửa chữa hạ tầng điện

Ông Mùa A Thào, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Phìn cho biết: Củ Dỉ Sang là một trong những thôn khó khăn nhất của xã. Người dân chủ yếu sống phụ thuộc vào nông nghiệp. Song sản xuất bị hạn chế do khó khăn về điện. Điện về, bản làng như sôi động hẳn lên.

“Các gia đình bắt đầu mua sắm nhiều đồ dùng hiện đại, như: Đài, ti vi, nồi cơm điện, máy bơm nước, các loại máy sản xuất sử dụng điện. Người dân được tiếp cận với các chương trình truyền hình, phát thanh để cập nhật, nắm bắt thông tin thời sự, kiến thức khoa học kỹ thuật… Nhờ đó, không chỉ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo mà đời sống tinh thần của bà con cũng được nâng lên”, ông Mùa A Thào nói.

Cùng thời điểm này, thôn Phi Giàng 2, xã Tủa Thàng cũng được đóng điện. Kể từ đó, tiếng loa phát thanh thường xuyên vang khắp thôn. Ông Chang A Chù, Trưởng thôn cho biết: Được các cấp quan tâm đầu tư kéo điện lưới quốc gia về, bà con ai cũng phấn khởi. Việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước của ông cũng thuận tiện hơn.

“Trước đây chưa có điện, mọi việc lớn bé, muốn thông báo cho bà con thì tôi và cán bộ trong thôn đều phải đến tận nhà. Trong cùng một thôn thôi nhưng để đi hết thì phải mất cả ngày, có khi vài ngày. Giờ chỉ cần bật loa lên là xong, nhà nào xa thì có thể gọi điện thoại”, ông Chù chia sẻ.

Còn tại bản Tào La, xã Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông), những ngày này bà con cũng hết sức phấn khởi. Dự án cấp điện lưới quốc gia đang gấp rút thi công giai đoạn cuối. Nhìn những cột điện đang được dựng lên dọc con đường bản, ông Giàng Chứ Dình không khỏi xúc động.

Ông tâm sự: “Để phục vụ cuộc sống, gia đình tôi phải mua máy phát điện chạy bằng sức nước. Nhưng nguồn điện phập phù, chỉ được mùa mưa, sang mùa khô thì còn không đủ thắp sáng. Giờ tôi mong từng ngày có điện lưới về để thay đổi cuộc sống”.

Nỗ lực “xóa trắng”

Sau 69 năm giải phóng, Điện Biên hiện vẫn là tỉnh có tỷ lệ hộ dân chưa được sử dụng điện cao nhất cả nước. Theo thống kê đến năm 2023, địa phương này còn trên 13.300 hộ dân (chiếm gần 8%) thuộc 168 thôn, bản chưa được có điện lưới quốc gia. Số này chủ yếu là các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trọng yếu về an ninh quốc phòng.

Để chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã phát động Chương trình “Bừng sáng Điện Biên”. Trong đó, phấn đấu đến năm 2024 xây dựng hệ thống điện nông thôn, đưa điện thắp sáng đến 100% thôn, bản với trên 98% số hộ được sử dụng.

Nhờ có điện, giáo viên Trường Mầm non Tênh Phông, huyện Tuần Giáo sử dụng máy tính trong giảng dạy

Cùng với đó, địa phương hoàn thiện mạch vòng 110kV nhằm đảm bảo cấp điện ổn định cho các huyện và TP. Điện Biên Phủ. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện đã và đang triển khai xây dựng tại địa phương.

Để hiện thực hóa chương trình này, tại huyện Điện Biên Đông, Ban Chấp hành Đảng bộ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “xoá bản trắng điện lưới quốc gia” cho cả giai đoạn 2021 - 2025. Để có nguồn lực triển khai thực hiện, huyện tranh thủ kết hợp các chương trình, dự án được đầu tư và cân đối ngân sách địa phương.

Ông Đinh Quang Bạo, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, huyện có thêm 8 bản, 1 khu dân cư được thắp sáng. Nhờ đó, nâng tổng số địa bàn có điện lên 171/198 bản (đạt 86,36%), với tổng số hộ được sử dụng là 12.585/13.746 (91,55%).

Còn theo ông Giàng A Thái, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông) chia sẻ thì việc “xóa bản trắng” điện lưới quốc gia đã được lồng ghép vào chương trình xây dựng Nông thôn mới. Địa phương xây dựng mục tiêu, kế hoạch phấn đấu cụ thể cho từng giai đoạn ngắn và dài hạn.

“Năm 2022 chúng tôi được đầu tư công trình điện lưới quốc gia tại 2 bản. Năm 2023 tiếp tục có thêm 3 bản chuẩn bị hoàn thiện, đóng điện. Như vậy là toàn xã chỉ còn 1 bản chưa có điện và sẽ tiếp tục kiến nghị, tìm nguồn đầu tư trong thời gian tới. Mục tiêu là phải sớm có điện để tạo điều kiện tốt nhất cho bà con phát triển sản xuất, nâng cao đời sống”, ông Thái cho hay.

Tại nhiều hội nghị, báo cáo, Điện Biên luôn xác định, việc xây dựng mạng lưới giúp các hộ dân vùng cao có điện sử dụng là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Hiện nay, địa phương này đang huy động, kêu gọi mọi nguồn lực hỗ trợ, đồng hành. Tuy nhiên, hoàn thành “món quà” cho kỷ niệm 70 năm giải phóng Điện Biên theo dự kiến, cần cả nghìn tỷ đồng mới có thể hiện thực hóa chương trình “Bừng sáng Điện Biên”.

Link gốc


  • 24/05/2023 11:03
  • Theo Giáo dục và Thời đại
  • 4700