Đây là một trong 4 cung đoạn của Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối. Trước đó, 3 cung đoạn đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Mục tiêu Dự án đường dây 500kV NMNĐ Nam Định I – Phố Nối nhằm giảm tải và tránh quá tải cho các đường dây 500kV hiện hữu đảm bảo tiêu chí N-1, đặc biệt khi công suất truyền tải cao theo giao diện Bắc - Trung ở thời điểm các nhà máy thủy điện miền Bắc phát thấp; nâng cao độ dự trữ ổn định trên giao diện Bắc - Trung, kết hợp với các cung đoạn Đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, Quỳnh Lưu - Thanh Hóa và NMNĐ Nam Định I - Thanh Hóa góp phần bổ sung công suất từ các nguồn điện khu vực Bắc Trung Bộ về trung tâm phụ tải khu vực miền Bắc. Truyền tải công suất các nhà máy nhiệt điện khu vực Bắc Trung Bộ cũng như các nhà máy điện năng lượng tái tạo khu vực miền Trung vào hệ thống điện quốc gia, tạo mối liên kết lưới điện các khu vực, giảm tổn thất điện năng, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh chung của ngành Điện.
Dự án có quy mô xây dựng mới đường dây 500kV mạch kép, chiều dài khoảng 123,9km từ sân phân phối 500kV NMNĐ Nam Định I đến Trạm biến áp 500kV Phố Nối; xây dựng, lắp đặt thiết bị cho 2 ngăn lộ 500kV đi NMNĐ Nam Định I tại Trạm biến áp 500kV Phố Nối.
Tiến độ thực hiện dự án: 2023 - 2025 (phấn đấu hoàn thành trong tháng 6 năm 2024).
Tại quyết định này, Phó Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành, địa phương liên quan, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia theo nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện, quản lý dự án đúng quy định, đảm bảo tiến độ và hiệu quả.
Trong đó, giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác các thông tin, số liệu, nội dung trong hồ sơ dự án; huy động góp đủ số vốn đã đăng ký theo tiến độ đảm bảo tính khả thi của dự án; đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án, hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước theo quy định của pháp luật; nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan trong quá trình đầu tư, thực hiện đự án.
Đồng thời, chịu trách nhiệm rà soát, đánh giá kỹ lưỡng tổng thể nội dung, quy mô đầu tư của dự án, đảm bảo đúng, đủ nội dung theo thuyết minh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh; nghiên cứu, lựa chọn phương án kỹ thuật, giải pháp thiết kế, biện pháp thi công,... tối ưu, kinh tế, tiết kiệm vốn đầu tư, đảm bảo dự án đầu tư hiệu quả cao, giảm giá thành, nhanh thu hồi vốn đầu tư. Khẩn trương hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt theo quy định. Chỉ được triển khai thực hiện dự án sau khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt. Phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên tổ chức triển khai thực hiện và quản lý dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai và pháp luật liên quan.