Chuyển dịch năng lượng: Khác biệt giữa các khu vực trên thế giới

Những diễn biến khó lường trên thị trường năng lượng hiện nay khiến nhiều nền kinh tế phải coi chuyển dịch sang năng lượng xanh là ưu tiên sống còn. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này có khác biệt rất lớn giữa các khu vực trên thế giới.

Các quốc gia phát triển đang chiếm ưu thế

Theo báo cáo tóm tắt Triển vọng Chuyển dịch Năng lượng Thế giới năm 2023 do Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) công bố, những nước đi đầu trong chuyển dịch năng lượng đa phần là các quốc gia có nền kinh tế tiên tiến, có thế mạnh về năng lượng tái tạo và tiềm lực tài chính như Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển… Đồng thời, quốc gia nào có thời gian triển khai chuyển dịch năng lượng sớm thì lợi ích mang lại sẽ lớn hơn. 

Trong đó, dẫn đầu là Phần Lan. Lý do để quốc gia này đứng đầu danh sách tính theo Chỉ số Hiệu suất Môi trường (EPI) hằng năm (của Đại học Yale, Mỹ) là sản xuất được khoảng 35% năng lượng từ các nguồn tái tạo, đặc biệt là điện gió. Dự kiến đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ tăng trên 50%. Còn với Đan Mạch, nước đứng đầu về năng lượng gió hiện nay có sản lượng điện gió nhiều hơn gấp đôi so với bất kỳ quốc gia phát triển nào khác trên thế giới. Còn tại Thuỵ Điển, ngay từ năm 2015, năng lượng tái tạo đã đảm nhận 57% nhu cầu tiêu dùng trong nước và dự kiến sẽ tăng tiếp 100% vào năm 2040. Gió, hạt nhân và thủy điện là những nguồn năng lượng tái tạo chính và góp phần đáng kể trong chuyển dịch năng lượng thành công của quốc gia này. 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong những quốc gia tiên phong chuyển dịch năng lượng, nhiều nước còn có thế mạnh đặc biệt về năng lượng tái tạo. Như Iceland - quốc gia xếp thứ 4 với danh hiệu quốc gia xanh, thân thiện nhất hành tinh, sử dụng 100% năng lượng từ các nguồn tái tạo, như thủy điện, khai thác lượng mưa dồi dào ở các vùng núi cao. Hay Kenya nhờ có thung lũng Great Rift, đã tiếp cận được với nguồn nước nóng siêu nhiệt bởi macma trong lòng đất. Năng lượng địa nhiệt đã bùng nổ ở Kenya trong vòng 1 thập niên trở lại đây và hiện nay đủ để cung cấp cho một nửa dân trong nước.

Đặc biệt, quá trình chuyển dịch năng lượng ở châu Âu cũng đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong hơn một năm qua, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Trong đó, Pháp đặt mục tiêu trung hòa khí hậu muộn nhất vào năm 2050, còn với Đức, mục tiêu này được ấn định vào năm 2045. Để biến tham vọng này thành hiện thực, các nước EU đang tập trung mở rộng quy mô năng lượng tái tạo, nhằm tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng, từ 32% lên 42,5% vào năm 2030. Về lâu dài, hydro sẽ đóng góp quyết định vào việc đạt được các mục tiêu chính sách năng lượng và khí hậu ở châu Âu, nhất là trong các lĩnh vực như giao thông và công nghiệp. 

Tiếp sức đầu tư cho các nước đang phát triển

Dù chuyển dịch năng lượng là điều cần thiết, nhưng bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang rất chênh lệch giữa các nhóm nước phát triển và nước đang phát triển. Theo báo cáo Đầu tư Thế giới của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), kể từ khi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015, các khoản đầu tư cho năng lượng tái tạo đã tăng gấp 3 lần, nhưng phần tăng tập trung chủ yếu ở các nước phát triển và Trung Quốc. Trung Quốc hiện là quốc gia đi đầu trong chuyển dịch sang năng lượng sạch, với tổng số tiền cam kết đầu tư đạt 546 tỷ USD, chiếm gần một nửa cam kết đầu tư của thế giới, tiếp theo là Liên minh châu Âu (EU) với 260 tỉ USD và Hoa Kỳ với 215 tỉ USD.

Một trạm địa nhiệt ở Iceland. Nguồn ảnh: https://reatimes.vn/

UNCTAD cho biết, các nước đang phát triển cần các khoản đầu tư cho năng lượng tái tạo trị giá khoảng 1.700 tỷ USD mỗi năm, nhưng mới chỉ thu hút được khoảng 544 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài cho năng lượng sạch trong năm 2022. Trước tình trạng này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra cảnh báo: “Thế giới đang hành động chậm ít nhất là 10 năm trong các nỗ lực nhằm giảm tình trạng ấm lên toàn cầu. Do đó, đầu tư cho năng lượng tái tạo ở các nước đang phát triển là việc cần làm ngay và là cách tiết kiệm nhất để lấp đầy khoảng trống năng lượng”.

Nguồn: Cơ quan Năng lượng Quốc tế

Còn theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cần phải làm nhiều hơn nữa để thu hẹp khoảng cách giữa 1/5 thị phần năng lượng sạch toàn cầu và 2/3 dân số toàn cầu của các nền kinh tế đang phát triển. Bởi, nếu đầu tư vào năng lượng sạch không nhanh chóng ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, thế giới sẽ phải đối mặt với những “mâu thuẫn” trong nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và tiếp cận các mục tiêu phát triển bền vững khác. IEA cũng lưu ý rằng, sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nguồn năng lượng tái tạo (sản xuất không liên tục), với việc lắp đặt đôi khi ở xa nơi tiêu thụ (điện gió ngoài khơi và các công trình năng lượng mặt trời trên sa mạc) đòi hỏi sự hỗ trợ từ các hệ thống mạng lưới điện thông minh hơn, đáng tin cậy hơn, cùng với khả năng lưu trữ năng lượng lớn. Theo đó, thế giới cần phải tăng cường hoặc cải thiện khoảng 80 triệu km lưới điện trên toàn cầu vào năm 2040. Điều này tương đương với toàn bộ lưới điện hiện tại trên hành tinh và là một phần quan trọng trong việc đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu của các quốc gia cũng như đảm bảo chuyển đổi năng lượng sạch. 

Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi năng lượng xanh phải trở thành vấn đề cấp bách ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, công cụ tài chính cần được xác định là chìa khóa cho tiến trình chuyển đổi nêu trên. Để đồng hành thúc đẩy “làn sóng năng lượng xanh” trên toàn cầu, các nước phát triển và các định chế tài chính quốc tế cần quan tâm nhiều hơn việc cung ứng nguồn vốn phù hợp và giảm nợ cho các nước đang phát triển để họ có thể dành ngân sách đầu tư cho các dự án phát triển năng lượng sạch. 


  • 07/02/2024 10:41
  • Theo Tạp chí Điện lực
  • 1798