Sự nguy hiểm của hỏa hoạn ban đêm
Khoảng 8h40 ngày 30-4, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH CATP Hà Nội nhận tin xảy ra vụ cháy tại cửa hàng ở ngõ 397 đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm. Thông tin ban đầu đám cháy xuất phát từ 1 cửa hàng bán đồ ăn trong dịp nghỉ lễ, về quê không có người bên trong. Đám cháy gây cháy lan sang 4 cửa hàng lân cận. Diện tích cháy khoảng 40m2. Tại thời điểm đó, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp cứu được 2 xe máy và một số tài sản khác... Từ hiện trường, lực lượng chức năng nhận định xuất phát từ thiết bị điện trong nhà chập, tia lửa lan vào các đồ dùng bằng nhựa, giấy và gây cháy lan.
Trước đó, khoảng 12h45 trưa 29/4, tại một nhà dân cao 4 tầng, 1 tum trong ngõ 19 phố Nguyễn Thị Định, quận Cầu Giấy, Hà Nội xảy cháy. Ngay khi phát hiện khói phát ra từ tầng 4 của căn nhà, người dân đã hô hoán, cố gắng tiếp cận nơi bùng phát đám cháy nhưng không thành, nên đã xin chi viện từ lực lượng cứu hỏa thành phố. Qua khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng nghi vấn nguyên nhân cháy do chập thiết bị điện...
Những vụ hỏa hoạn trên đều phát sinh từ chập các thiết bị điện, những vật dụng quá đỗi quen thuộc và tiện ích đối với đời sống con người, nhưng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ cao nếu không biết sử dụng và bảo quản đúng cách.
Không có cái gì bỗng dưng có thể xảy cháy được, mà đều xuất phát từ nguyên nhân do ý thức chủ quan của con người. Nhiều người dân lơ là trong cách sử dụng thiết bị điện và tin tưởng thiết bị đang sử dụng an toàn, khó xảy ra cháy. Thế nhưng, hậu quả có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu thiếu tuân thủ quy định về an toàn PCCC và sử dụng thiết bị điện sai quy cách.
Theo chuyên gia PCCC và CNCH, CATP Hà Nội, miền Bắc bắt đầu vào mùa hè nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ tăng cao, nhu cầu sử dụng đồ điện gia tăng và liên tục. Một số gia đình có thói quen dùng máy điều hòa hoặc quạt mát liên tục không có thời gian nghỉ hoạt động. Đây là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ cháy, nổ. Đối với quạt điện, cho dù có bền đến mấy thì thời gian sử dụng qua đêm đến sáng nên cho máy nghỉ, tránh thiết bị quá tải gây chập cháy. Tương tự, điều hòa cũng vậy, tính bền bỉ của thiết bị này có giới hạn, đó là đối với máy được bảo dưỡng đúng định kỳ. Nếu thiếu đi tính tuân thủ của kỹ thuật máy móc sẽ dẫn đến hậu quả chập cháy.
Đối với người dân, việc sử dụng các thiết bị điện đang rơi vào trạng thái “quên” đi sức chịu tải của máy móc. Khi thời tiết khắc nghiệt bật hoạt động liên miên, có nhiều gia đình bật máy để nhiệt độ thấp trong nhiều ngày mùa hè và được lặp lại trong nhiều năm, nhưng lại không mấy khi bảo dưỡng đúng quy định dẫn đến chập cháy.
Sở dĩ các vật dụng gia đình dễ phát sinh cháy là do khi không sử dụng, người dùng không ngắt điện, thiết bị hoạt động liên tục trong thời gian dài sinh nhiệt hoặc gặp sự cố điện gây hiện tượng cháy, nổ. Đặc biệt, cháy về đêm là nguy hiểm khôn lường, bởi chúng ta đều trong trạng thái ngủ say đến khi phát hiện thì quá muộn. Sự nguy hiểm bởi chậm, muộn cũng rất dễ hiểu, bởi trong tiết trời mùa hè phần lớn các gia đình đóng kín cửa bật điều hòa nên khi xảy ra cháy bên ngoài phòng mọi người xung quanh không biết, hoặc biết rất muộn.
Theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm, thiết bị dễ chập cháy về ban đêm có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do việc thiếu bảo dưỡng, kiểm tra phát hiện, thay thế hư hỏng. Ban đêm, nguồn điện sẽ mạnh hơn bởi nhiều nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp giảm tần suất hoạt động. Các thiết bị đã hoạt động kém chất lượng hay hoạt động thường xuyên trong trạng thái điện năng không ổn định ban ngày, đến đêm gia tăng công suất sẽ dẫn đến chập, cháy.
Sử dụng thiết bị điện quá tải vào mùa hè dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ chập cháy
|
Chập điện là nguyên nhân chiếm tỷ lệ lớn trong các vụ cháy
Để giảm thiểu tình trạng cháy nổ và những tác hại do “giặc lửa” gây ra, Công an thành phố Hà Nội đã chủ động nhiều biện pháp cụ thể nhằm hạn chế tối đa cháy và thiệt hại do cháy từ thiết bị điện. Trong đó phải kể đến kế hoạch phòng ngừa cháy, nổ mùa nắng nóng, phối hợp với cơ quan cung cấp điện rà soát hệ thống trên toàn tuyến và điểm áp công tơ vào nhà dân.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức cho người dân trong phòng cháy, chữa cháy, lực lượng chức năng chú trọng công tác hướng dẫn họ cách thức sử dụng điện an toàn, thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, thay mới các thiết bị đã cũ, thực hành tiết kiệm, tắt điện khi không sử dụng, nhất là vào mùa hè để tránh hiện tượng quá tải, nghẽn mạch…
Theo thống kê của Công an thành phố, từ ngày 15/3/2024 đến ngày 14/4/2024, trên địa bàn thành phố xảy ra 89 vụ cháy (14 vụ cháy trung bình; 75 vụ cháy nhỏ). Các vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người, nhưng đã làm thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 398 triệu đồng; bên cạnh đó, số vụ cháy xảy ra trên địa bàn các quận nội thành chiếm tỷ lệ cao với 52 vụ (chiếm 58,43%) tổng số vụ cháy. Trong đó, loại hình nhà ở đơn lẻ chiếm tới 69,35% tổng số vụ cháy (43 vụ). Ngoài ra, loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh cũng chiếm tỷ lệ cao với 6 vụ (chiếm 9,68%); loại hình kho, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh khác xảy ra 4 vụ (chiếm 6,45%)…
Trong tháng 4/2024, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã điều động 82 lượt phương tiện, cùng 527 lượt CBCS đến hiện trường tổ chức chữa cháy. Trong tổng số 89 vụ cháy xảy ra trong tháng 4/2024, có 77 vụ đã được điều tra, làm rõ nguyên nhân và cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện vẫn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy (70/77 vụ, chiếm 90,9% tổng số vụ cháy).
Trước nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ do sự cố hệ thống, thiết bị điện, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo chủ hộ và các thành viên trong gia đình thường xuyên rà soát, kiểm tra, phát hiện, sửa chữa thay thế các thiết bị điện và mạng lưới điện; không sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm; để các vật liệu dễ cháy cách nguồn điện tối thiểu 0,5m; không sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm; tắt tất cả các thiết bị điện khi không cần thiết và khi ra khỏi nhà. Khi xảy cháy phải nhanh chóng hô hoán, báo động; gọi cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số điện thoại 114 hoặc Công an phường nơi gần nhất.
Sự cố về điện luôn chiếm tỷ lệ cao trong các nguyên nhân gây cháy nổ, nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân. Muốn đẩy lùi nguy cơ này, bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, mỗi người dân phải nâng cao ý thức cảnh giác sử dụng điện an toàn.
Mỗi gia đình phải lắp thiết bị tự ngắt cho hệ thống điện chung, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn. Hàng hóa dễ cháy không để gần bóng điện, ổ cắm. Bảng điện phải đặt cách xa vật dễ cháy tối thiểu là 0,5 m. Khi sử dụng bàn là, bếp điện… phải có người trông coi, không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm. Trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết, cắt cầu dao tổng để bảo đảm an toàn.
Nên mua vật dụng tại các trung tâm điện máy uy tín và có bảo hành; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, tra dầu, vệ sinh vật dụng, thiết bị, sử dụng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất và đến thời điểm nhất định nên thay mới.
Đường dây, ổ cắm phải bố trí nơi dễ quan sát, hạn chế tác động của ngoại lực, không luồn dây dẫn dưới các đồ vật khác. Phích cắm tiếp xúc với ổ cắm đảm bảo chắc chắn, mối nối dây bền chặt. Các thiết bị sử dụng năng lượng điện dự trữ chỉ sạc đủ lượng điện cần thiết, không cắm sạc lâu ngày vừa dễ gây cháy, nổ, vừa ảnh hưởng đến độ bền của thiết bị.
Mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng ngừa, tự bảo vệ mình và những người xung quanh trước những mối nguy hiểm đe dọa từ “giặc lửa”, để không có những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Link gốc