Công ty Điện lực Phú Yên: Hỗ trợ người nuôi tôm ứng phó với nắng nóng

Thời tiết nắng nóng diễn ra gay gắt trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã kéo theo việc sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn, trong đó có nghề nuôi tôm thẻ chân trắng. Với nhiệt độ tăng cao hiện nay, chỉ cần thiếu điện sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho người nuôi tôm.

Những chiếc quạt nước phải hoạt động liên tục 24/24h trên vùng nuôi tôm thuộc hạ lưu sông Bàn Thạch, tỉnh Phú Yên. Có như vậy mới đảm bảo cung cấp oxy cho hơn 3ha tôm của ông Nguyễn Văn Thanh - người nuôi tôm xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa, Phú Yên đang thả nuôi trong thời tiết nắng nóng lên đến 39 độ C. Được cung cấp nguồn điện ổn định, ông Thanh và nhiều hộ nuôi tôm khác yên tâm phần nào trong thời điểm nắng nóng gay gắt như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết: “Thời tiết nắng nóng nên các chiếc quạt nước phải hoạt động 100% công suất. Sợ nhất là bị mất điện vào ban đêm vì tôm dễ bị ngạt. Nhờ Điện lực Đông Hòa đã luôn quan tâm thời gian qua mà các sự cố được khắc phục kịp thời, nguồn điện được nâng công suất mà bà con đã yên tâm sử dụng”.

Vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch của tỉnh Phú Yên hiện thả nuôi trên 350 ha. Tại đây có 12 trạm biến áp phục vụ cho 184 hộ nuôi. Trong tháng này, với thời tiết nắng nóng như hiện nay, sản lượng điện cho riêng xã Hòa Tâm có thể tăng lên 2 triệu kWh. Để đảm bảo nguồn điện ổn định cho nuôi tôm, Điện lực Đông Hòa đã thay thế các biến áp đầy tải bằng các biếp mới áp phù hợp phục vụ các chủ hồ. Bên cạnh đó, Điện lực đã bố trí lực lượng để hỗ trợ cho các hộ nuôi tôm khi có sự cố về điện xảy ra.

Điện lực Đông Hòa bố trí lực lượng sẵn sàng xử lý sự cố cho người dân nuôi tôm

Ông Trần Xuân Cảnh - Phó Giám đốc Điện lực Đông Hòa, Công ty Điện lực Phú Yên cho biết, hàng ngày, bộ phận theo dõi khách hàng và bộ phận kỹ thuật đều theo dõi chi tiết trên các phần mềm dùng chung do Tổng công ty Điện lực miền Trung trang bị. Theo đó, Điện lực theo dõi mức độ sử dụng của các vùng nuôi trồng thủy sản để lên phương án cấp điện. Mặc khác, đơn vị phân công các nhóm phụ trách kiểm tra hiện trường thường xuyên để có phương án đảm bảo cho hoạt động sản xuất.

Điện phục vụ nuôi trồng thuỷ sản chiếm đến 15% sản lượng điện của thị xã Đông Hòa. Do vậy, bên cạnh việc đảm bảo cung ứng điện, Điện lực Đông Hòa đã vận động các hộ nuôi tôm sử dụng điện tiết kiệm và an toàn. Đặc biệt, đơn vị thay thế hệ thống dây điện sau công tơ đã xuống cấp để tránh thất thoát điện cũng như tránh rò rỉ xảy ra cháy nổ. Cách làm này đã giúp người tôm sản xuất an toàn và hiệu quả hơn, nhất là dự báo nắng nóng sẽ còn kéo dài thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết thêm, nhờ ngành Điện thường xuyên tuyên truyền, đặc biệt đã đến hướng dẫn cách kéo đường dây sau công tơ nên các hộ nuôi tôm đã dần có ý thức hơn trong việc đầu tư đường dây điện để đảm bảo an toàn 100%.

Thời gian đến, nhằm đảm bảo khả năng cung cấp điện cho các hộ nuôi tôm trong đỉnh điểm mùa nắng nóng, cần thiết phải đồng bộ trong quy hoạch vùng nuôi tôm. Bên cạnh đó, người nuôi tôm cần chấp hành đúng các hướng dẫn ngành điện về việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.


  • 10/05/2023 04:26
  • Hoa Hồng - PC Phú Yên
  • 3821