Theo dự báo từ nay đến năm 2030, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao (từ 6,5 -7%/năm), kéo theo nhu cầu điện năng cũng tăng rất nhanh (trên 10% mỗi năm). Trong khi sản lượng điện thương phẩm năm 2017 trên 190 tỷ kWh, dự kiến, đến năm 2030, tổng sản lượng điện thương phẩm đạt hơn 500 tỷ kWh, gấp hơn 2,5 lần năm 2017.
Sản xuất xi măng là một trong những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng (Ảnh minh họa)
|
Bên cạnh thách thức trên, ngành Năng lượng Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức khác khi khách hàng sử dụng điện còn lãng phí dẫn đến áp lực không nhỏ cho việc đảm bảo nhu cầu sử dụng điện.
Ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, bên cạnh giải pháp bổ sung nguồn điện, cần tăng cường các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời quản lý nhu cầu sử dụng điện hợp lý, trong đó ưu tiên cho khu vực miền Nam và rất cần có cơ chế của Nhà nước trong việc đẩy mạnh chương trình điều tiết phụ tải.
Cùng với đó, cần sớm thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hoà giữa các mục tiêu chính trị, kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp điện.
Trong đó, các ngành chức năng cần tích cực kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất công nghiệp trong việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng năng lượng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; lựa chọn áp dụng quy trình và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến, giải pháp công nghệ phù hợp và thiết bị công nghệ hiệu suất cao.
“Đặc biệt, cần khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán và các dự án điện mặt trời tại các khu vực khả thi về đấu nối, hỗ trợ và khuyến khích khách hàng sử dụng điện (sinh hoạt, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ) đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời áp mái, nhất là khu vực miền Nam”, ông Ngô Sơn Hải cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS. TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tư duy về an ninh năng lượng của chúng ta Việt Nam hiện đang rất giống với tư duy về an ninh lương thực. Lúc đói thì một hạt gạo cũng quý, đến lúc dư thừa là có biểu hiện sử dụng lãng phí. Muốn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thay vì chỉ đi lo sản xuất cho đủ nguồn “cung”, chúng ta phải quan tâm đến quản lý phía “cầu”.
Vậy làm sao để quản lý được cầu? PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng: “Muốn quản lý được cầu, phải tính toán giá điện theo cơ chế thị trường, do thị trường quyết định, lấy giá cả để điều tiết nhu cầu năng lượng. Nếu để giá điện quá thấp, nền kinh tế không thể phát triển được, phía tiêu dùng vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, gây lãng phí trong tiêu thụ điện năng”.
Theo tính toán của EVN
- Năm 2020: Cần khoảng 265 - 278 tỷ kWh, tăng khoảng 10,3 - 11,3%/năm;
- Năm 2030: Cần khoảng 572 - 632 tỷ kWh, tăng khoảng 8,0 - 8,5%/năm.
- Giai đoạn 2019-2020: Cung ứng điện được đảm bảo nhưng phải huy động cao nguồn nhiệt điện chạy dầu giá cao
- Giai đoạn 2021-2025: Hệ thống điện căng thẳng và nhiều khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện tại phía Nam.
- Giai đoạn 2026 – 2030: Cung ứng điện cơ bản được đảm bảo nếu tiến độ xây dựng các nguồn điện mới đáp ứng yêu cầu.
|
Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
Share