Điện mặt trời: Đầu đã xuôi…

11:00, 24/05/2017

Mới đây, Chính phủ đã ban hành cơ chế ưu đãi về thuế, giá bán điện mặt trời tại Việt Nam. Cùng với các chính sách, chiến lược đặt ra, liệu điện mặt trời đã có đủ cơ hội để “cất cánh”? PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Đình Thống - chuyên gia cao cấp về năng lượng tái tạo, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam.

Ông Đặng Đình Thống

PV: Ông có thể cho biết rõ hơn về cơ chế phát triển điện mặt trời tại Việt Nam?

Ông Đặng Đình Thống: Trước đây, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển sạch, chiến lược bảo vệ môi trường và phát triển các nguồn năng lượng nói chung… Trong đó, đã có một số điều, mục đề cập đến năng lượng tái tạo (NLTT) nói chung và điện mặt trời nói riêng.

Gần đây, Chính phủ cũng đã ban hành 2 văn bản quan trọng đối với phát triển NLTT, trong đó có điện mặt trời. Đó là, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 (điều chỉnh) và Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Cả 2 văn bản này đều nêu rõ mục tiêu “ưu tiên phát triển nguồn điện NLTT, tạo đột phá trong đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”. 

Điều đáng nói, ngày 11/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó quy định cụ thể về thuế, giá bán điện mặt trời. Như vậy, về cơ bản đã đủ các điều kiện để thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng này.

PV: Theo ông, với mức giá bán đó, liệu điện mặt trời có phát triển mạnh hơn điện gió?

Ông Đặng Đình Thống: Mức giá điện mặt trời được ban hành như hiện nay là 9,35 cent/kWh, nếu so với thế giới chỉ được xếp vào loại trung bình. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là động lực thúc đẩy phát triển điện mặt trời tại Việt Nam mạnh mẽ hơn thời gian tới, đặc biệt là khu vực phía Nam. 

Điều đáng nói, điện mặt trời khác với điện gió. Trong thời gian qua, công nghệ và thiết bị điện gió gần như không có gì thay đổi lớn, nên giá điện gió giảm không đáng kể. Đối với điện mặt trời, khoảng 10 năm trước, suất đầu tư điện mặt trời khoảng 6.000 – 7.000 USD/kWp, nhưng hiện nay suất đầu tư trung bình chỉ còn khoảng trên dưới 1.000 USD/kWp, tức là giảm 6 – 7 lần.

Sở dĩ suất đầu tư điện mặt trời giảm mạnh trong thời gian qua một phần là do công nghệ sản xuất điện mặt trời ngày càng hoàn thiện. Lý do thứ hai là, 5 - 10 năm gần đây, Trung Quốc và Đài Loan đã tham gia vào thị trường này và nhanh chóng trở thành những địa chỉ sản xuất pin mặt trời hàng đầu thế giới với giá cực rẻ, buộc các công ty ở Tây Âu và Mỹ muốn tồn tại cũng phải giảm giá bán sản phẩm của mình. Hiện nay, sản lượng pin mặt trời của Trung Quốc đã chiếm khoảng 50% thị trường pin mặt trời thế giới.

PV: Có ý kiến cho rằng, điện mặt trời vẫn còn thiếu một quy hoạch phát triển quốc gia, quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Đặng Đình Thống: Không chỉ riêng điện mặt trời, NLTT nói chung hiện nay chưa có quy hoạch phát triển quốc gia, mới chỉ dừng ở giai đoạn xây dựng chiến lược. Để xây dựng được quy hoạch phát triển điện mặt trời, cần phải nghiên cứu chi tiết, cụ thể về bức xạ mặt trời và các yếu tố liên quan khác. Hiện nay, số liệu về bức xạ mặt trời chủ yếu được thu thập từ các trạm khí tượng thủy văn, không phục vụ mục đích sản xuất năng lượng tái tạo mà chủ yếu là phục vụ dự báo thời tiết, nên chưa hoàn toàn phù hợp phát triển NLTT.

PV: Tình hình cung cấp điện cho các tỉnh, thành phía Nam đã được dự báo tiếp tục căng thẳng trong các năm tiếp theo. Nếu điện mặt trời phát triển mạnh, liệu có đáp ứng được một phần nhu cầu điện cho khu vực này không, thưa ông?  

Ông Đặng Đình Thống: Chắc chắn điện mặt trời có thể góp phần giải quyết vấn đề cung cấp điện ở khu vực phía Nam. Thời gian qua, các tỉnh/ thành phía Nam luôn phải nhận một sản lượng điện lớn do truyền tải từ miền Bắc và miền Trung qua đường dây 500 kV Bắc - Nam. Điều này có thể dẫn đến quá tải đường dây siêu cao áp và làm tăng tổn thất trên lưới điện truyền tải.

Hầu hết các dự án điện mặt trời đã và đang chuẩn bị đầu tư tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam và Tây Nguyên. Đây cũng là khu vực có số giờ nắng cao và cường độ bức xạ mặt trời lớn nhất cả nước. Vì vậy, nếu Chính phủ ban hành kịp thời chính sách ưu đãi phát triển điện mặt trời thì các tỉnh/thành phía Nam sẽ có điều kiện được bổ sung nguồn điện sạch, từng bước đáp ứng nhu cầu nội miền, góp phần giảm áp lực cung cấp điện của EVN.

EVN cũng đã có kế hoạch phát triển điện mặt trời với các mục tiêu rất rõ ràng. Điều quan trọng là EVN phải triển khai một cách quyết liệt, sớm hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra, kịp thời bổ sung công suất nguồn điện này trong hệ thống điện quốc gia.

PV: Như vậy liệu đã đủ các điều kiện phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, thưa ông?

Ông Đặng Đình Thống: Chiến lược phát triển NLTT, trong đó có điện mặt trời đã được ban hành, các chính sách về thuế, giá cũng có nhiều ưu đãi… đó là các yếu tố quan trọng nhất cho phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, để phát triển điện mặt trời nói riêng, NLTT nói chung thành công, rất cần sự minh bạch, nhất quán trong quá trình triển khai thực hiện chính sách. Ngoài ra, thủ tục hành chính đối với các dự án vẫn còn rườm rà. Điều này đã gây khó khăn cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài.  

Nếu các điều kiện cần và đủ trên được giải quyết thì đến năm 2020, Việt Nam có thể sẽ vượt công suất 850 MW mà Quy hoạch điện VII đã đề ra.  

PV: Xin cảm ơn ông! 


Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập

Share