Điện mặt trời: Nguồn năng lượng sạch cho gia đình, doanh nghiệp

Với công suất nhỏ, tiện dụng, điện mặt trời (ĐMT) lắp trên mái nhà không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, mà còn góp phần giảm áp lực về đầu tư nguồn điện, giảm ô nhiễm môi trường…

Từng bước “đi” vào cuộc sống

Nếu trước đây, năng lượng mặt trời được xem là nguồn năng lượng xa xỉ do suất đầu tư cao, thì hiện nay, với sự phát triển mạnh của KHCN, suất đầu tư giảm, điện mặt trời đã bắt đầu đi vào cuộc sống, được nhiều gia đình, doanh nghiệp sử dụng, mang lại hiệu quả. Gia đình anh Lê Minh Dương (quận Đống Đa, Hà Nội) lắp 12 tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà, tổng công suất 3,6 kWp, hàng tháng tiết kiệm được từ 1,2 - 1,4 triệu đồng tiền điện. Anh Dương chia sẻ: “Với suất đầu tư ban đầu khoảng 16 triệu đồng/kWp, 5 năm sau, gia đình tôi sẽ hoàn vốn. Từ năm thứ 6 trở đi, gia đình sẽ thu lãi gần 20 triệu đồng/năm. Đặc biệt, pin NLMT có tuổi thọ rất cao, từ 20-25 năm”.

Tại Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu, kể từ khi đưa vào sử dụng hệ thống ĐMT lắp mái công suất 140 kWp ở Tòa nhà văn phòng, trung bình mỗi tháng, Công ty tiết kiệm được hơn 21 triệu đồng tiền điện. Ngoài ra, ĐMT lắp trên mái cũng đã được triển khai và áp dụng nhiều nơi trên toàn quốc, mang lại hiệu quả thiết thực như: Tòa nhà Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Nhà làm việc của Bộ Công Thương,…

Hệ thống ĐMT lắp mái của Trung tâm Sữa chữa điện nóng Yên Nghĩa (Công ty Lưới điện cao thế TP. Hà Nội)

Theo Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, ưu điểm của ĐMT lắp mái là không chiếm dụng đất mà sử dụng diện tích các mái nhà sẵn có. Điện phát ra có thể sử dụng trực tiếp cho nhu cầu gia đình hoặc hòa vào điện lưới. 

Do đó, các hộ gia đình, doanh nghiệp nếu có mặt bằng và điều kiện thuận lợi tiếp nhận ánh sáng mặt trời, nên lắp đặt ĐMT, tận dụng nguồn năng lượng tái tạo. Đặc biệt, với các tòa nhà văn phòng, khu chung cư, việc lắp đặt  ĐMT trên mái có dư sức cấp điện cho hệ thống thang máy, điều hòa, nước nóng... mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi lắp đặt, các hộ gia đình cần lưu ý đến vấn đề an toàn và cần có chuyên gia tư vấn, hỗ trợ để nguồn NLMT phát huy hiệu quả cao nhất.

Cần có cơ chế khuyến khích phát triển

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long cho rằng, một trong những rào cản đối với việc phát triển ĐMT là suất đầu tư cao so với các nguồn năng lượng khác. Do vậy, nếu có một cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển như hỗ trợ về giá bán, hệ thống ĐMT lắp mái nối lưới sẽ có cơ hội phát triển mạnh.

“ĐMT tại Việt Nam thường có công suất phát cao nhất từ 9 giờ sáng cho đến 15 giờ chiều. Vì vậy, nếu quy định bán điện vào giờ cao điểm được tính theo giá cao hơn, sử dụng điện vào giờ cao điểm phải trả giá cao thì các nguồn ĐMT sẽ có lợi nhiều hơn và thời gian thu hồi vốn cũng sẽ nhanh hơn”, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long cho hay.

Tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam, với nhiều ưu đãi về thuế, giá bán ĐMT. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ngoài các cơ chế, chính sách của Nhà nước, mỗi địa phương cũng cần xây dựng các cơ chế hỗ trợ riêng để thúc đẩy thị trường ĐMT. 

Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM: Để phát triển ĐMT, ngoài cơ chế giá, việc xây dựng các chính sách khác như: Hành lang pháp lý cho phát triển năng lượng tái tạo trong đó có ĐMT; chính sách tài chính và hỗ trợ vốn với lãi suất hợp lý… cũng góp phần quan trọng hỗ trợ và thúc đẩy ĐMT phát triển, trong đó có ĐMT lắp mái.  


  • 31/05/2017 09:49
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 45972