EVN: Toàn cảnh đầu tư xây dựng năm 2018

Năm 2018, tuy EVN không khởi công nhiều công trình điện lớn, nhưng là năm thu được nhiều thành quả đầu tư - xây dựng, đặc biệt là đầu tư cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi.

Dấu ấn đưa điện về nông thôn

Tháng 7/2018, Công ty Điện lực Quảng Nam hoàn thành dự án đưa điện lưới quốc gia đến với bà con đồng bào Cơ Tu ở xã biên giới vùng cao Ch’Ơm (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), đánh dấu mốc son trong quá trình xây dựng và phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Chính thức cấp điện cho 100% số xã trên cả nước, hơn 99% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện. Trong khi đó, năm 1995, tỉ lệ hộ dân nông thôn có điện mới chỉ đạt 50,8%. Thành tựu này được ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá là một kì tích.

Cũng trong năm qua, các đơn vị thuộc EVN đã tiếp tục thực hiện thành công các dự án đưa điện về các thôn, bản, trên cả nước như: Yên Bái, Sơn La, Quảng Ninh, Gia Lai, Phú Yên, Lâm Đồng, Trà Vinh... giúp hàng nghìn hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho bà con vùng sâu, vùng xa, vùng  biên giới, hải đảo...

Năm 2018, EVN cũng đã khởi công các dự án: Đường dây (ĐZ) 500 kV NĐ Quảng Trạch - Vũng Áng và sân phân phối 500 kV TTĐL Quảng Trạch; ĐZ 500 kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi và ĐZ 500 kV Dốc Sỏi - Pleiku 2. Đây là các dự án đặc biệt quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, quốc phòng, tăng cường cấp điện từ các nhà máy điện ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên vào cho các tỉnh phía Nam, vốn đang  còn thiếu điện. Ngoài ra, các dự án này còn làm nhiệm vụ liên kết lưới điện khu vực và lưới điện quốc gia ở cấp điện áp 500 kV, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Có thể nói, năm 2018, công tác đầu tư xây dựng của EVN tiếp tục duy trì tốc độ cao, hoàn thành nhiều công trình lưới điện quan trọng, tăng cường năng lực cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Tập đoàn và các đơn vị đã chú trọng ứng dụng công nghệ mới, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống điện; nâng cao hiệu suất vận hành các nhà máy điện, các chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện; chuẩn hóa thiết bị trên hệ thống điện...

Bên cạnh đó, công tác quản lý dự án đầu tư từ khâu chuẩn bị đầu tư, khảo sát, thiết kế, lựa chọn nhà thầu, quản lý chất lượng thi công xây dựng cho đến nghiệm thu, thanh quyết toán cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Trong quá trình thực hiện đầu tư, các ban quản lý dự án, các ban chức năng của Tập đoàn và các tổng công ty đã theo dõi, bám sát hiện trường, phối hợp tốt với các đơn vị tư vấn, các nhà thầu và các bộ, ngành có liên quan, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, xử lý kỹ thuật, nghiệm thu khối lượng và chất lượng công trình theo đúng tiến độ thi công...

Lãnh đạo Chính phủ, EVN và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công đường dây 500 kV mạch 3 - Công trình trọng điểm quốc gia

Tín hiệu vui về huy động vốn

Năm 2018, đánh dấu kết quả ấn tượng của EVN trong việc huy động vốn cho các dự án đầu tư - xây dựng. Tập đoàn đã được Fitch Ratings (một trong những tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới) xếp hạng nhà phát hành nợ ở mức BB, với “Viễn cảnh ổn định” về vay nợ dài hạn bằng ngoại tệ, ngang bằng hệ số tín nhiệm quốc gia.

Theo ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN, đây là đánh giá rất khách quan và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Tập đoàn. Mỗi năm, EVN cần phải huy động từ 5-6 tỷ USD đầu tư các công trình điện. Trước đây, việc huy động vốn chủ yếu thông qua các kênh vay vốn ODA của các tổ chức tài chính quốc tế như WB, JICA, ADB, AFD hay các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước. Trong đó, phần lớn các khoản vay nước ngoài đều phải có bảo lãnh của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ chủ trương giảm nợ công và giảm bảo lãnh các khoản vay cho các doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp muốn vay không có bảo lãnh của Chính phủ phải có xếp hạng tín nhiệm tín dụng quốc tế. Chính vì vậy, mức xếp hạng tín nhiệm này là một sự đảm bảo chắc chắn cho các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và quốc tế có độ tin cậy cao đối với EVN và Tập đoàn có cơ sở vững chắc hơn để có thể huy động vốn đầu tư cho các dự án điện. Cùng với đó, EVN có thể phát hành trái phiếu quốc tế, góp phần đa dạng hóa nguồn vốn.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, xếp hạng này không chỉ giúp cho EVN hoạt động minh bạch hơn và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, mà còn tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn. Đặc biệt, Tập đoàn sẽ được vay vốn từ nước ngoài với lãi suất tương đương mức lãi suất quốc gia đi vay...

Với những nỗ lực không ngừng, trong năm 2018, việc huy động vốn của EVN đã thu được kết quả tích cực. Tổng giá trị đầu tư xây dựng ước đạt 111.894 tỷ đồng, không có dự án phải dừng do thiếu vốn.

Nhiều khó khăn ở phía trước

Tuy đã có dấu hiệu khởi sắc khi được Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm ở mức BB, nhưng việc huy động vốn vẫn là một thách thức không nhỏ đối với EVN, khi nguồn vốn cần huy động hàng năm là rất lớn. Với các dự án nằm trong chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 (Chương trình 2081), vốn ngân sách Trung ương và vốn ODA chiếm 85% vốn đầu tư, vốn đối ứng của ngành Điện chiếm 15%. Tuy nhiên, nguồn ngân sách còn bị hạn hẹp, chưa phân bổ được nhiều; trong khi đó, vốn đầu tư của các tổng công ty điện lực cũng rất hạn chế.

Điều cần lưu ý là, hạn ngạch tín dụng (room) đối với EVN gần như không còn, do Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã vượt ngưỡng hạn chế cho vay theo quy định. Vì vậy, những năm tiếp theo, ngoài các nguồn vốn tự có như, vốn khấu hao cơ bản, vốn đầu tư phát triển, vốn thu được từ cổ phần hóa các doanh nghiệp... Tập đoàn phải nỗ lực huy động các nguồn vốn từ bên ngoài với nhiều hình thức, vốn ODA, vốn hỗ trợ phát triển, vay của các ngân hàng thương mại, vốn phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế…

Bên cạnh đó, vấn đề giải phóng mặt bằng tiếp tục là một thách thức không nhỏ khi EVN triển khai các công trình điện. Tại các tỉnh Đồng Nai, Long An, Cần Thơ... nhiều dự án lưới điện truyền tải vẫn chậm tiến độ vì vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Đây là những công trình trọng điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giải tỏa công suất các nhà máy điện, đảm bảo điện cho miền Nam.

Cụ thể, tại tỉnh Đồng Nai có 3 công trình trọng điểm quốc gia đang được thi công gồm, đường dây 500 kV Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên, đường dây 500 kV Sông Mây - Tân Uyên, các đường dây đấu nối vào Trạm 500 kV Tân Uyên. Thời gian qua, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Nam (Tổng công ty Truyền tải Điện quốc gia) đã phối hợp với UBND các huyện, các sở, ban ngành liên quan của tỉnh Đồng Nai giải quyết bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) hầu hết các vị trí. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, hoặc có hộ đã nhận tiền bồi thường, nhưng chưa tháo dỡ, bàn giao mặt bằng... Trong khi đó, với các dự án lưới điện, chỉ cần một vị trí không có mặt bằng sạch, việc thi công cả dự án sẽ bị đình trệ.

Lãnh đạo EVN, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã nhiều lần làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai và chính quyền các địa phương; Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công điện chỉ đạo, nhưng đến nay, những khó khăn vẫn chưa được tháo gỡ. Nếu không đảm bảo tiến độ, nguy cơ thiếu điện cho miền Nam trong thời gian tới là hiện hữu.

Thách thức vẫn còn ở phía trước, nhưng EVN và các đơn vị thành viên sẽ nỗ lực vượt qua, tiếp tục duy trì tốc độ đầu tư - xây dựng cao, nâng cao năng lực hệ thống điện. Tuy nhiên, EVN rất cần sự chung tay của người dân và chính quyền các địa phương trong việc hỗ trợ Tập đoàn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, để bước sang năm 2019, các dự án được triển khai đúng tiến độ, góp phần đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đời sống dân sinh...


  • 04/01/2019 02:57
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 23789