EVN đã nỗ lực đổi mới doanh nghiệp trong giai đoạn 2017 - 2020

Đây là khẳng định chung của đoàn công tác Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (ĐM&PTDN) trong buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngày 9/6, về tình hình triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, cổ phần hóa và thoái vốn của EVN.

Ông Nguyễn Hồng Long - Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN; ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN đồng chủ trì buổi làm việc.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 14/6/2017 phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020 (gọi tắt là Quyết định 852), EVN đã xây dựng kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ, tiến độ cho các đơn vị trong Tập đoàn để triển khai thực hiện tại Quyết định số 129/QĐ-EVN ngày 31/7/2017.

Tính đến thời điểm hiện tại, EVN đã cơ bản hoàn thành các nội dung của Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017 - 2020.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Long - Phó trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN ghi nhận, EVN đã có sự cố gắng lớn, đáp ứng tăng trưởng điện ở mức 2 con số trong các năm qua. EVN cũng đã không ngừng đổi mới, thực hiện được rất nhiều công việc trong công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, cổ phần hóa và thoái vốn.

Ông Nguyễn Hồng Long – Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN phát biểu tại buổi làm việc với EVN. Ảnh: Minh Hạnh

Thành viên đoàn công tác, ông Hà Minh Mạnh - Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ) nhận định, chỉ một tháng sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 852, EVN đã hoàn thành xây dựng kế hoạch chi tiết và giao các đơn vị triển khai. Điều đó cho thấy quyết tâm của EVN trong thực hiện Đề án. EVN cũng đã thực hiện cơ bản toàn diện những công việc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, cổ phần hoá và thoái vốn.

Ông Hồ Công Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, EVN là một trong những tập đoàn đã ứng dụng rất tốt CNTT vào công tác triển khai tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp (cụ thể, trong vận hành hệ thống điện, phát triển nhiều TBA không người trực, hiện đại hoá hệ thống đo đếm, triển khai giao dịch không dùng tiền mặt với khách hàng,...). EVN cũng đã có một số chỉ tiêu đạt top 4 ASEAN, đạt vị trí cao trên thế giới. Những dự án nguồn điện của EVN đã được triển khai đúng tiến độ, nhiều dự án về đích sớm. Trong công tác quản trị, EVN đã có sự học hỏi, tiếp cận tốt với các doanh nghiệp quốc tế, áp dụng mô hình quản trị hiện đại hơn. 

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân phát biểu. Ảnh: Minh Hạnh

Báo cáo của EVN tại buổi làm việc cho thấy, khó khăn, vướng mắc chính trong quá trình thực hiện Quyết định số 852 là cơ chế trong công tác cổ phần hoá, thoái vốn, mà cụ thể là cơ chế chính sách và sắp xếp, xử lý nhà đất. Đối với việc cổ phần hoá EVNGENCO 3, việc IPO lần đầu ra công chúng còn chưa đạt mục tiêu, không tìm được nhà đầu tư chiến lược, tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước còn lớn. Việc quyết toán cổ phần hoá EVNGENCO 3 còn chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thời điểm lập báo cáo tài chính. Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân kiến nghị, EVN sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thời điểm lập báo cáo tài chính của EVNGENCO 3 để quyết toán vốn nhà nước khi cổ phần hóa tại Tổng công ty này.

Trong năm 2020, EVN phấn đấu hoàn thành toàn bộ các nội dung của Quyết định số 852 và các chỉ đạo khác của Thủ tướng Chính phủ. EVN kiến nghị Chính phủ phê duyệt Nghị định về thành lập, tổ chức lại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và công ty con là công ty TNHH MTV; chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu và kiểm soát viên doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, để tạo thuận lợi cho hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. EVN cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược phát triển EVN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cũng trong buổi làm việc này, EVN kiến nghị Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN hàng quý xem xét, bố trí làm việc trực tiếp với Tập đoàn để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, trong đó chỉ đạo về cơ chế thực hiện, đánh giá về trách nhiệm, thời hạn trả lời văn bản của các cơ quan, nhằm đáp ứng yêu cầu về hiệu quả, tiến độ.

Một số kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017 - 2020 của EVN:

  • Hoàn thành Nghị định về Điều lệ EVN và Nghị định về Quy chế quản lý tài chính của EVN;
  • Trình Thủ tướng Chính phủ các đề án về: thành lập Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia thành công ty TNHH MTV thuộc EVN; Chiến lược phát triển EVN; phê duyệt và triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu và kế hoạch SXKD, đầu tư phát triển của 9 Tổng công ty;
  • Đảm bảo các điều kiện để 3 tổng công ty phát điện đi vào hoạt động ổn định và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch cổ phần hoá.
  • Triển khai nhiều đề án về sắp xếp, kiện toàn bộ máy tham mưu, giúp việc Cơ quan EVN, Cơ quan các tổng công ty điện lực, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (trong đó hợp nhất các Ban tham mưu giúp việc Đảng ủy EVN và Đảng ủy một số Tổng công ty) và các đơn vị trực thuộc EVN.
  • EVN đẩy mạnh triển khai thực hiện tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp, phương thức quản trị doanh nghiệp có chuyển biến rõ rệt, hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ áp dụng toàn Tập đoàn; xây dựng và triển khai Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN”
  • EVN hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại 2 công ty cổ phần và thoái phần lớn giá trị vốn góp tại EVNFinance, kết quả thu về 588,213 tỷ đồng, thặng dư 151,51 tỷ đồng, đảm bảo an toàn và phát triển vốn nhà nước đã đầu tư, tuân thủ đúng quy định hiện hành của Nhà nước.


  • 09/06/2020 02:21
  • Thùy Dương
  • 10625