EVN tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo điện cho miền Nam giai đoạn sau năm 2020

Đảm bảo điện cho miền Nam từ sau năm 2020 là mối quan tâm hàng đầu của EVN, nhất là trong bối cảnh toàn hệ thống có rất ít nguồn điện truyền thống đưa vào vận hành trong giai đoạn 2020 – 2025, bên cạnh đó các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và mặt trời lại được dự báo gia tăng đáng kể nhưng lại bị tập trung mật độ quá cao vào một số khu vực; nhiều công trình lưới điện vẫn còn vướng mắc về mặt bằng.

Ngày 28/3/2019 đã diễn ra cuộc họp Ban Chỉ đạo Cấp điện cho miền Nam của Tập đoàn (Ban Chỉ đạo) dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo. Tham dự cuộc họp còn có Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân, các phó Tổng giám đốc Ngô Sơn Hải, Võ Quang Lâm cùng lãnh đạo các Ban chuyên môn của Tập đoàn, các Tổng công ty Phát điện, các Ban Quản lý dự án điện 1, 2, 3, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Nam.

Khó khăn chồng chất

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quanh Thành chủ trì cuộc họp

Tại phiên họp thứ nhất vào tháng 8/2018, Ban Chỉ đạo đã thống nhất danh mục 71 dự án cấp điện cho miền Nam. Trong đó, giai đoạn trước năm 2020 có 42 dự án (gồm 12 dự án nguồn, 22 dự án lưới truyền tải và 8 dự án lưới phân phối); giai đoạn từ 2020 - 2025 có 29 dự án (7 dự án nguồn, 16 dự án lưới truyền tải và 6 dự án lưới phân phối. Riêng các dự án giai đoạn trước năm 2020, tính đến đầu tháng 3/2019, đã có 6 dự án hoàn thành (Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1; đường dây 220 kV Long Phú - Sóc Trăng; Lắp MBA thứ 2 TBA 500 kV Cầu Bông;…), 30 dự án đang thi công và 6 dự án chưa thi công.

Trong số các dự án đang thi công, về nguồn điện có Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng; Duyên Hải 3 mở rộng; Thủy điện Đa Nhim mở rộng; dự án Điện mặt trời Phước Thái 1;... Đối với lưới truyền tải, có các đường dây 500 kV như: Nhiệt điện Quảng Trạch - Vũng Áng và sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; Quảng Trạch - Dốc Sỏi; Dốc Sỏi - Pleiku 2; Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên; Sông Hậu - Đức Hoà...

Đại diện Ban Chiến lược EVN báo cáo tổng quan về tình hình triển khai các dự án đảm bảo điện cho miền Nam

Qua báo cáo của các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác triển khai các dự án cấp điện cho miền Nam hiện đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Trong đó, việc triển khai thực hiện một số thủ tục theo quy định của Nhà nước về đầu tư xây dựng còn nhiều bất cập dẫn đến công tác chuẩn bị đầu tư kéo dài. Điển hình là các dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng, các dự án của đường dây 500 kV mạch 3… Cùng với đó, công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án điện ngày càng khó khăn, phức tạp, dẫn tới ảnh hưởng lớn tới tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu do các địa phương chưa bố trí quỹ đất dành cho đường dây và trạm biến áp hoặc các hộ dân không đồng ý đơn giá bồi thường. Điển hình có các dự án tại Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; các công trình lưới điện truyền tải như đường dây 500 kV Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên, Sông Hậu - Đức Hoà, Long Phú – Ô Môn…

Trong khi đó, tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải – một trong những nguồn điện chủ lực tại chỗ cho miền Nam - đang gặp khó khăn trong công tác nạo vét luồng lạch thuộc dự án Cảng biển của Trung tâm này, dẫn tới tàu tải trọng lớn không thể vào cảng để bốc dỡ than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng.

Về công tác thu xếp vốn, EVN đang từng bước tháo gỡ khó khăn bằng năng lực nội tại khi Chính phủ không tiếp tục bảo lãnh vay vốn; việc vay vốn tín dụng từ các ngân hàng trong nước cũng tới mức trần; nguồn vốn ODA cũng hạn chế so với trước đây;…

Đẩy nhanh tiến độ dự án nguồn và lưới

Theo ông Nguyễn Tuấn Tùng - Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, nhiều dự án lưới điện truyền tải quan trọng đang gặp khó khăn trong công tác GPMB

Ông Dương Quang Thành – Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các đơn vị cần phải tập trung mọi nguồn lực, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện.

Trước mắt, hàng loạt dự án điện mặt trời sẽ đi vào vận hành thương mại trước 30/6/2019. Do đó, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải, các công trình giải tỏa công suất nhằm hỗ trợ tối đa cho các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời, đồng thời cũng tăng cường năng lực nguồn cung cấp điện ở phía Nam.

Chủ tịch HĐTV EVN cũng yêu cầu các Ban chuyên môn xem xét, nghiên cứu kỹ để đề xuất trình các cấp có thẩm quyền chủ trương xã hội hóa các dự án lưới điện truyền tải có tính chất phân phối, không phải đường trục quốc gia để góp phần đẩy nhanh tốc độ đầu tư và đưa vào vận hành lưới điện đồng bộ giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời, điện gió đang xuất hiện rất nhiều với quy mô lớn, đồng thời cũng tăng rất cao so với tổng sơ đồ quy hoạch điện đã duyệt trước đây ...

Tại cuộc họp, các ban chuyên môn của EVN cũng đã đề xuất các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo điện an toàn, tin cậy cho miền Nam trong thời gian tới

Tại cuộc họp, nhiều giải pháp về việc đẩy nhanh tiến độ các dự án; huy động vốn cho các dự án điện; phương án cung cấp than dài hạn cho các nhà máy nhiệt điện; kêu gọi các nhà đầu tư triển khai các dự án nhiệt điện khí, khí hóa lỏng... đã được lãnh đạo Tập đoàn và các Ban chuyên môn trao đổi, đề xuất.

Tập đoàn cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét bảo lãnh vay vốn, vay ODA cho một số các dự án điện quan trọng của EVN (như các dự án Ô Môn III, Ô Môn IV, Dung Quất I và III nhằm đảm bảo hiệu quả và tính đồng bộ các chuỗi dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh).

Đồng thời, Tập đoàn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh công tác đền bù GPMB cho các dự án điện, đặc biệt là các công trình lưới điện truyền tải; kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi Trường sớm thẩm định các hồ sơ liên quan đến công tác nạo vét luồng lạch thuộc dự án Cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải,…


  • 30/03/2019 06:06
  • H. Hoa
  • 20727