Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An cho biết, năm 2023 là một năm rất khó khăn với EVN nhất là cung ứng điện căng thẳng vào thời điểm cuối tháng 5 nửa đầu tháng 6. Bên cạnh đó, khó khăn trong cân bằng tài chính từ năm 2022-2023 cũng ảnh hưởng phần nào đến tâm tư, tình cảm của CBCNV. Do đó, EVN rất mong nhận được sự được chia sẻ của lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương.
Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Công Thương
|
Cũng theo Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An, năm 2023, tăng trưởng điện thương phẩm ước đạt 4,6%. Đặc biệt, dù công tác đầu tư xây dựng rất khó khăn nhưng EVN đã hoàn thành khối lượng đầu tư rất lớn, khoảng 91.000 tỷ đồng. Tập đoàn đã khởi công 146 công trình, đóng điện 163 công trình lưới điện từ 110-500kV. Trong đó, có dự án rất quan trọng là đường đây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối với chiều dài 525km, chia làm 4 dự án thành phần, tổng mức đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng, chỉ trong vòng 4 tháng đã hoàn thành 219 gói thầu. Hiện nay, đang thi công tuyến đầu tiên Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 - Thanh Hóa và đến giữa thàng 1/2024 sẽ khởi công đồng loạt trên toàn tuyến.
Chủ tịch HĐTV EVN nhấn mạnh, để có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương; cùng sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài Nguyên & Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, các địa phương…
Đối với năm 2024, ông Đặng Hoàng An cho hay, EVN đang tập trung cho nhiệm vụ chính trị là phải đảm bảo cung ứng điện. EVN đang chuẩn bị cho kịch bản tăng trưởng cao. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Công Thương, với GDP tăng 6-6,5%, tốc độ tăng trưởng điện là 9,4-9,8%. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương, EVN đã chuẩn bị kịch bản cho từng tháng, trong đó tập trung vào các giải pháp quan trọng như hoàn thành công tác sửa chữa tất cả các nhà máy, tích nước các hồ thủy điện đặc biệt là thủy điện ở miền Bắc,… Tuy nhiên, EVN hiện chỉ nắm giữ 37,7% tổng công suất đặt hệ thống điện, PVN chiếm 8%, TKV chiếm 2%, còn lại là của các chủ đầu tư, thành phần kinh tế khác. Do vậy, Bộ Công Thương, trực tiếp là Cục Điều tiết Điện lực cần bám sát kế hoạch cung ứng điện đã được Bộ trưởng phê duyệt để đôn đốc các chủ nhà máy giữ độ tin cậy tối đa trong vận hành hệ thống.
"Đặc biệt, lãnh đạo các địa phương cần thúc đẩy việc tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trở thành thực chất. Đây là giải pháp tăng nguồn cung rẻ, tiết kiệm nhất cho nền kinh tế", ông Đặng Hoàng An đề xuất.
Lãnh đạo EVN cho biết thêm, một trong những mục tiêu lớn của EVN năm 2024 là công tác đầu tư xây dựng, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 102.000 tỷ đồng, tăng trên 10.000 tỷ đồng so với năm 2023. Việc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội các địa phương phụ thuộc nhiều vào các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng điện. Thực tế, trong quá trình đầu tư xây dựng sẽ gặp rất nhiều vướng mắc như thủ tục phê duyệt đầu tư, hướng tuyến, giải phóng mặt bằng. Do vậy, rất mong các địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện tháo gỡ nhanh nhất để hoàn thành các dự án. Song song đó, nếu có nhu cầu điện cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các địa phương cần thông tin sớm cho ngành Điện để lên kế hoạch đầu tư.
Cũng theo Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An, khó khăn với Tập đoàn thực sự là rất lớn. Hơn 97.000 CBCNV EVN đang hết sức nỗ lực. EVN rất mong nhận được chỉ đạo thường xuyên, liên tục của lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ Công Thương, các Bộ, ban, ngành, địa phương.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại hội nghị, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện năm 2023 ước đạt 280,1 tỷ kWh, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 98,45% so với kế hoạch năm 2023 được duyệt. Về cơ bản, phụ tải bám sát kế hoạch năm 2023 do Bộ Công Thương phê duyệt. |