Khi thợ điện “hotline” đối mặt với dòng điện “sống”

Khi thi công, sửa chữa trên dòng điện “sống”, thợ điện “hotline” phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro và tuân thủ những quy trình làm việc nghiêm ngặt, đặc biệt họ luôn phải giữ cho mình “một cái đầu lạnh, một tâm lý vững và một trái tim nóng”.

Những năm gần đây, công nghệ sửa chữa điện nóng (hotline) không còn xa lạ với người dân và khách hàng dùng điện. Khác với phương pháp sửa điện truyền thống, dù một khiếm khuyết nhỏ cũng phải cắt điện mới được thao tác, thì với công nghệ sửa chữa điện hotline thợ điện có thể thực hiện công việc ngay trên đường dây đang mang điện.

Việc ứng dụng công nghệ hiện đại này đã góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải, không gây gián đoạn trong quá trình sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của khách hàng.

Phố biến nội dung công việc, các mối nguy, biện pháp kỷ thuật, biện pháp an toàn cho nhân viên đơn vị công tác

Là một trong những thành viên đầu tiên của đội sửa chữa hotline thuộc Công ty Điện lực Hà Tĩnh (PC Hà Tĩnh) thành lập từ tháng 3/2021, đến nay anh Đoàn Ngọc Bảo không nhớ nổi mình và anh em đội đã thực hiện bao nhiêu phiên công tác sửa chữa điện “nóng” trên lưới điện của tỉnh. Thế nhưng, cảm giác lần đầu lên xe gàu thi công trên lưới điện “sống” là mỗi trải nghiệm để đời, không thể nào quên trong nghề thợ điện của anh.

Anh Bảo cho biết, mặc dù trước đó đội ngũ thợ điện hotline đã được đào tạo về nghiệp vụ tại trường điện, sau đó được huấn luyện sát hạch tại hiện trường, được cấp chứng chỉ thi công hotline, song khi lần đầu thực hiện trên lưới điện 22kV đang mang điện, bản thân anh vẫn chịu không ít áp lực. Bởi anh hiểu, chỉ một chút sơ sẩy thôi có thể ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân và đồng đội. Sau vài lần hít thở sâu, anh Bảo đã trấn tĩnh lên gàu làm việc, tiếp xúc với "dòng điện sống". 

Các CBCNV kiểm tra, vệ sinh công cụ, dụng cụ trước khi thực hiện công việc trên lưới đang mang điện

Anh Nguyễn Văn Như - Đội trưởng Đội hotline PC Hà Tĩnh cho biết, đây là công việc đặc biệt nguy hiểm, đòi hỏi người công nhân phải có kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ tốt, có tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật cao, ngoài ra cần có sức khỏe đảm bảo và tâm lý vững vàng. Trong quá trình thi công trên lưới đang mang điện, mọi thao tác đòi hỏi phải đảm bảo chuẩn xác, thuần thục, không được phép lơ là, phân tâm, bởi chỉ cần một giây thiếu tập trung hoặc một động tác thừa cũng sẽ xảy ra những sự cố nghiêm trọng liên quan đến tính mạng con người. 

“Khi thực hiện công việc trên đường dây đang mang điện 22kV anh em phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Trước hết là phải tuyệt đối tuân thủ về quy trình an toàn điện cũng như quy trình an toàn trong thi công hotline, không được bỏ bước, làm tắt, làm ẩu. Thứ hai phải sử dụng đầy đủ, đúng biện pháp kỷ thuật thi công, đúng công cụ dụng cụ cho từng nội dung công việc. Đặc biệt, công nhân hotline đó còn là việc luôn phải đối mặt với thời tiết nắng nóng trong khi phải mặc trên mình các trang bị an toàn như găng tay, vai áo bằng chất liệu cao su cách điện…nên rất nóng và tiêu hao nhiều sức lực. Đó là chưa kể làm việc trong môi trường có điện trường cao về lâu dài cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của thợ điện hotline”, anh Nguyễn Văn Như chia sẻ thêm.

Các thành viên đội sửa chữa điện hotline PC Hà Tĩnh thực hiện công việc xử lý tiếp xúc

Không chỉ những người làm việc trên lưới đang mang điện mà công việc giám sát của người chỉ huy trực tiếp và cán bộ an toàn của đội cũng “cân não” không kém. Theo đó, trong quá trình thi công, nhất cử nhất động các diễn biến trên đường dây đều phải đảm bảo nằm trong tầm kiểm soát. Có những thời điểm nắng nóng trên 40 độ nhưng họ vẫn phải ngước mặt lên vị trí thi công cả tiếng đồng hồ để giám sát, nhắc nhở và kịp thời đưa ra các mệnh lệnh, cảnh báo khi cần.

Theo anh Nguyễn Mạnh Hùng, cán bộ an toàn đội sửa chữa điện hotline PC Hà Tĩnh, công việc ở hiện trường thực tế không hẳn giống như mô hình ở trường đào tạo. Trong quá trình thực hiện, đội đã gặp một số trường hợp có thể dẫn đến nguy hiểm cho công nhân như dây dẫn bị lão hóa, các thiết bị trên đường dây bị han rỉ do quá trình vận hành lâu ngày, sứ bị vỡ,... vì thế trước khi tiến hành công việc anh em phải khảo sát kỹ các nội dung và vị trí thực hiện, qua đó đưa ra các giải pháp và trình tự thực hiện đảm bảo an toàn tuyệt đối. 

"Công việc này được thực hiện trên lưới 22kV và chỉ được phép tiến hành khi có đủ ánh sáng, không được thực hiện vào ban đêm hoặc lúc trời mưa gió. Môi trường bao quanh là dòng điện mà bất chợt trời mưa khi đang thao tác thì rất nguy hiểm, nhiều khi không kịp trở tay, do đó, mỗi lần leo lên xe gàu anh em đều theo dõi thời tiết và mong không gặp phải các trận mưa rào”, anh Hùng chia sẻ.

Mặc dù công việc vất vả, độ rủi ro và nguy hiểm cao, song với quyết tâm “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, CBCNV đội sửa chữa điện hotline PC Hà Tĩnh vẫn bản lĩnh, tự tin chinh phục mọi thử thách hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo nên sự chuyên nghiệp, hiện đại trong công tác chuyên môn cũng như luôn giữ cho dòng điện hoạt động an toàn, ổn định góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng và cấp điện ổn định, phụ vụ đời sống, sinh hoạt của người dân.


  • 06/05/2024 03:55
  • Phương Thảo
  • 3191