Khoa học công nghệ là nền tảng giúp EVNHCMC nâng cao độ tin cậy cung cấp điện

13:39, 24/01/2019

Đó là khẳng định của ông Luân Quốc Hưng - Trưởng Ban Kỹ thuật, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) khi trả lời evn.com.vn về kết quả “cán đích” sớm 2 năm so với kế hoạch về chỉ tiêu về độ tin cậy cung cấp điện của đơn vị.

PV: Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật về độ tin cậy cung cấp điện của Tổng công ty năm 2018?

Ông Luân Quốc Hưng

Ông Luân Quốc Hưng: Năm 2018, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, các chỉ số về độ tin cậy cung cấp điện của EVNHCMC đã đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, saidi (tổng thời gian mất điện bình quân của khách hàng) đạt 124,1 phút, giảm 46,5% so với năm 2017, cán đích trước 2 năm so với chỉ tiêu đặt ra vào năm 2020... 

Việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt, việc giảm thời gian mất điện cũng là một yếu tốt căn bản, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam trong năm 2018, đưa chỉ số tiếp cận điện năng cải thiện 37 bậc so với năm 2017 và vươn lên thứ 27/190 quốc gia, nền kinh tế.

PV: Để đạt được thành quả này, theo ông, đâu là những giải pháp mang tính đột phá mà Tổng công ty đã thực hiện?

Ông Luân Quốc Hưng: Đầu tiên, phải kể đến việc Tổng công ty đã ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ tiên tiến, hiện đại và công tác quản lý, vận hành lưới điện. Điển hình, đội sửa chữa điện nóng (live-line) đã được tăng từ 12 lên 16 đội trong năm 2018, đáp ứng nhu cầu thi công trên lưới mà không cần cắt điện của các công ty điện lực trực thuộc, giảm thời gian mất điện cho khách hàng.

EVNHCMC cũng đã đẩy mạnh công tác tự động hóa lưới điện bằng việc xây dựng trung tâm điều khiển xa; triển khai 100% TBA 110 kV không người trực; điều khiển xa đạt 80% tuyến dây trung thế, trong đó có 20% tuyến dây công cộng vận hành tự động...

Đặc biệt, trong bão số 9 diễn ra vào cuối tháng 11/2018, tất cả lưới điện cao, trung, hạ thế trên địa bàn Thành phố đều được giám sát và điều khiển tại trung tâm điều khiển xa. Chỉ với 4 người trực, Trung tâm đã điều hành lưới điện an toàn, ổn định, kịp thời đóng/cắt điện từ xa lưới điện trên toàn địa bàn; hoặc phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ sự cố để bố trí lực lượng xử lý kịp thời...

Ngoài ra, EVNHCMC cũng ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, đăc biệt là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như các phần mềm đo đếm từ xa, điều hệ thống thông tin địa lý lưới điện... Qua đó, nâng cao hiệu quả lưới điện, giảm thời gian mất điện cho khách hàng.

Ngoài ra, công tác đầu tư – xây dựng, kiện toàn kết cấu lưới điện cũng góp phần quan trọng vào việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Đến nay, lưới điện trên địa bàn TP.HCM đã được xây dựng đồng bộ, có độ dự phòng hợp lý.

PV: Đã cán đích kế hoạch đến năm 2020, vậy mục tiêu của EVNHCMC trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Luân Quốc Hưng: Dù đã cán đích trước 2 năm so với kế hoạch về độ tin cậy cung cấp điện nhưng không vì thế mà EVNHCMC thỏa mãn với những gì đã làm được. Thời gian tới, Tổng công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ hiện đại, những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào công tác quản lý, vận hành lưới điện. Trong đó, Tổng công ty sẽ tập trung vào các công nghệ cốt lõi như dữ liệu lớn, kết nối vạn vật, trí thông minh nhân tạo...

EVNHCMC phấn đấu đến năm 2020, chỉ số saidi của Tổng công ty sẽ xuống dưới 100 phút. 

Tuy nhiên, để việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại thực sự hiệu quả, Tổng công ty sẽ đẩy mạnh việc nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ công nhân viên, làm sao để có thể làm chủ công nghệ, khai thác tốt tất cả các công nghệ mới trên lưới điện.

Cụ thể, ngoài việc tổ chức các lớp bồi huấn để nâng cao năng lực từ đội ngũ kĩ sư đến công nhân trực tiếp quản lý, vận hành, Tổng công ty còn tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm tại những đơn vị tiên tiến; đẩy mạnh chương trình đào tạo các chuyên gia hàng đầu như đăng kí, đào tạo những kĩ sư đạt chuẩn là kĩ sư ASEAN...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


Thùy Lê

Share