Thực hiện nhiều giải pháp
Là đơn vị quản lý gần 250km đường dây trung áp 22kV và 297 trạm biến áp phân phối vận hành, cung cấp điện cho gần 39.000 khách hàng ở huyện Tây Hòa, công tác quản lý hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) là một trong những nhiệm vụ được Điện lực Tây Hòa chú trọng triển khai từ đầu mùa nắng nóng đến nay.
Theo Điện lực Tây Hòa, lưới điện do đơn vị quản lý đi qua vùng đồi núi, vùng trồng cây lâm nghiệp và các khu dân cư tập trung nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn điện trong dân hoặc sự cố gây gián đoạn cấp điện do vi phạm HLATLĐ… Vì vậy, công tác quản lý HLATLĐ cao áp, quản lý khoảng cách pha - đất đường dây được đơn vị này thực hiện bằng nhiều giải pháp.
Ông Lê Trung Chính, Giám đốc Điện lực Tây Hòa cho hay: Một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý HLATLĐ cao áp, phòng ngừa tai nạn, giảm thiểu sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện là thường xuyên kiểm tra hiện trường và gắn trách nhiệm cá nhân tại Đội Quản lý đường dây và trạm.
Công nhân Công ty Điện lực Phú Yên hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo an toàn điện cho bản thân và gia đình
|
Đơn vị cũng yêu cầu các cá nhân khi đi kiểm tra phải liệt kê đúng, đủ các hạng mục về hành lang như công trình, nhà ở, cây xanh, kiểm tra độ võng của đường dây, kịp thời phát hiện những điểm vi phạm, có nguy cơ vi phạm, để có cơ sở đánh giá mức độ nguy hiểm và lập phương án xử lý.
Đồng thời có các biện pháp khắc phục tạm thời như lắp biển cảnh báo, thông báo an toàn, nhất là tại những nơi đường dây điện đi qua có hoạt động giải trí, đông người nhằm ngăn chặn nguy cơ rủi ro, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn và giữ an toàn cho cộng đồng dân cư.
Thời gian qua, Điện lực Phú Hòa cũng chủ động phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về mối nguy bị phóng điện do vi phạm khoảng cách an toàn điện; thực hiện dựng, treo các biển cảnh báo phóng điện, bảng chú ý chiều cao dây dẫn điện ở các vị trí phương tiện giao thông thường đi qua dưới đường dây trung áp. Đồng thời vận dụng các cơ sở pháp lý, phối hợp cùng chính quyền địa phương có chế tài xử lý nghiêm đối với những đối tượng cố tình vi phạm HLATLĐ.
Người dân phải nâng cao ý thức
Cùng với giải pháp kỹ thuật, các điện lực còn vận động người dân cam kết về việc không vi phạm HLATLĐ. Theo Điện lực Tây Hòa, đơn vị này đang duy trì, triển khai sâu rộng công tác quản lý và tuyên truyền an toàn điện để từng người dân trên địa bàn nắm, biết cách phòng tránh, hạn chế tối đa những vi phạm dẫn đến tai nạn làm gián đoạn cung cấp điện.
Ông Đào Chiến ở thôn Quảng Mỹ (xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa) cho hay: Mùa này, các cháu được nghỉ học nên hay rủ nhau thả diều. Tôi đã được Điện lực Tây Hòa tuyên truyền về các quy định pháp luật trong việc bảo vệ HLATLĐ và những nguy cơ gây sự cố lưới điện nên thường xuyên dặn các cháu không được thả diều, bóng bay gần lưới điện, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, vừa góp phần cùng ngành Điện bảo vệ an toàn lưới điện.
Theo ông Ngô Việt Tú, Phó Giám đốc phụ trách Điện lực Đồng Xuân, để giảm thiểu tai nạn điện và vi phạm HLATLĐ, Điện lực Đồng Xuân tập trung phát quang HLATLĐ; vận động các tổ chức, cá nhân ký cam kết nghiêm chỉnh chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo HLATLĐ. Tại các khu vực rừng sản xuất hay sông suối thường có người câu cá, đơn vị đều cắm biển cảnh báo.
“Đối với những trường hợp xây nhà gần HLATLĐ, chúng tôi gửi thông báo cho chủ nhà về việc thực hiện các biện pháp an toàn và những nguy cơ mất an toàn hành lang lưới điện. Hằng tuần, Điện lực Đồng Xuân còn gửi văn bản về việc đảm bảo HLATLĐ đến đài phát thanh địa phương và UBND các xã, thị trấn để tuyên truyền cho người dân địa phương. Đơn vị cũng phát tờ rơi phổ biến các quy định pháp luật về HLATLĐ, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn điện, góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cho người dân”, ông Ngô Việt Tú cho hay.
Trưởng phòng An toàn, Công ty Điện lực Phú Yên Huỳnh Đăng Toàn cho biết: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 26 sự cố điện liên quan đến các vấn đề HLATLĐ, gây ảnh hưởng đến công tác cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Trong đó nguyên nhân chủ yếu là do làm giàn giáo xây dựng , các loại phương tiện xe cẩu, xe tải làm việc trong HLATLĐ hoặc thả diều vướng vào đường dây, trồng, chặt cây vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện… Rất mong chính quyền địa phương tích cực phổ biến quy định pháp luật về an toàn điện cho người dân để góp phần bảo vệ an toàn lưới điện.
Link gốc