Đại diện Báo Tuổi Trẻ tặng hoa các vị khách mời tham gia Hội thảo. Ảnh: ĐVCC.
|
Tham gia buổi tọa đàm có đại diện Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an TP. Hồ Chí Minh), các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực điện năng.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN cùng đại diện các Ban chuyên môn EVN, đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Xuân Trung - Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ mong muốn, thông qua Hội thảo, thông điệp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm mùa nắng nóng sẽ được truyền đi rộng rãi; đồng thời hy vọng từ tư vấn của chuyên gia, người dân sẽ sử dụng điện hợp lý, an toàn có lợi cho mình, cho ngành Điện và cả xã hội.
Áp lực lớn lên hệ thống điện
Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), miền Nam đang bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ có xu hướng tăng cao. Cụ thể, đợt nắng nóng ở khu vực này thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6. Trong khoảng thời gian này, nhiệt độ môi trường tăng cao, xuất hiện gió nóng, sự tản nhiệt diễn ra lâu hơn khiến không khí oi bức... Nhu cầu sử dụng các thiết bị điện như quạt máy, điều hòa cao khiến tiền điện tăng, do vậy các gia đình cần lưu ý cách sử dụng điện thật hiệu nhằm tiết kiệm chi phí.
Theo thống kê của EVNSPC, tính đến hết tháng 3/2021, công suất cực đại toàn hệ thống điện miền Nam hiện đạt khoảng gần 13.000MW, tăng 8-9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các khu vực duy trì phụ tải tăng cao như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Bình Phước, Bến Tre...
Còn theo ông Luân Quốc Hưng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC), dự báo sản lượng điện nhận bình quân ngày tại TP. Hồ Chí Minh trong tháng 4,5,6/2021 sẽ tiếp tục tăng cao (từ 79,7 đến 81,5 triệu kWh/ngày); trong đó thành phần sinh hoạt hộ gia đình tiêu thụ tháng 4 so với tháng 3 sẽ tiếp tục duy trì mức tăng cao như mọi năm: 2018 tăng 23%, 2019 tăng 30,69%, năm 2020 tăng 13,52%. Do đó, tiền điện các hộ gia đình sẽ theo xu hướng tăng cao trong các tháng mùa khô sắp tới.
Chính vì vậy, thời gian qua, các đơn vị đã tập trung xây dựng phương án điều hòa phụ tải với khách hàng 110kV, khách hàng sử dụng điện trọng điểm; thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và EVN. Bên cạnh đó, các Tổng công ty cũng tập trung hoàn thành các công trình trọng điểm đảm bảo cung cấp điện; đồng thời hực hiện các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn lưới điện trung, hạ áp; rà soát hàng tuần để phân tích, đánh giá tình hình vận hành lưới điện, độ tin cậy...
Nâng cao ý thức trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả
Theo ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN, năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên nhu cầu tiêu thụ điện có giảm so với những năm trước, hệ thống điện có dự phòng. Dù vậy, trong thời điểm nắng nóng như hiện nay, EVN đã và luôn theo dõi sát sao, chỉ đạo các Tổng công ty, các đơn vị thành viên chủ động các giải pháp đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Phó Tổng giám đốc EVNSPC Nguyễn Văn Lý cho biết, nhằm thực hiệu nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 07/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025, EVNSPC đã chỉ đạo các Công ty Điện lực thành viên phối hợp Sở Công Thương tham mưu UBND các tỉnh, thành phố ban hành chỉ thị thực hiện tiết kiệm điện và thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành trên địa bàn quản lý; thực hiện ký kết “Quy chế phối hợp trong công tác tuyên truyền và giám sát hoạt động sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả” với 05 tổ chức đoàn thể tại địa phương.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng thường xuyên thông tin, tuyên truyền đến khách hàng nhằm quảng bá, hướng dẫn về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, lồng ghép các nội dung liên quan đến tình hình cung cấp điện, an toàn điện trong dân phù hợp với đặc thù sử dụng điện tại địa phương; biên soạn, phát hành tờ rơi, sổ tay hướng dẫn sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, an toàn phổ biến đến các hộ sử dụng điện...; phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn phát động phong trào “Ấp/Khu dân cư văn hóa tiết kiệm điện”, “Tuyến phố tiết kiệm điện” với tiêu chí là có trên 50% hộ dân trong ấp/khu dân cư hoặc tuyến phố đạt chỉ tiêu tiết kiệm điện từ 5-10% trở lên so với sử dụng điện năm trước...
Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Công an TP. Hồ Chí Minh):
3 nguyên nhân gây ra cháy nổ hệ thống điện
Trong thực tế, có ba nguyên nhân gây ra cháy nổ hệ thống điện, gồm: chập mạch, quá tải, điện trở lớn. Chính vì vậy, ngay từ lắp đặt ban đầu người dân phải có tính toán thiết kế dây điện đúng tiêu chuẩn, đúng công suất tiêu thụ; đồng thời phải lựa chọn đúng các thiết bị, dây dẫn chất lượng.
Ngoài ra, ngành Điện cũng nên khuyến cáo người dân lắp thiết bị ngắt mạch chống cháy vì các dây dẫn điện đa số nằm âm tường nên khó phát hiện, do đó gắn thiết bị này rất cần thiết. Khi có sự cố nhỏ sẽ ngắt điện trước khi chập mạch quá tải.
|