Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Hiệu quả thực thi và vai trò của công tác truyền thông tại địa phương

Đây là chủ đề của Tọa đàm do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức chiều 18/9 tại thành phố Đà Nẵng. Sự kiện nằm trong khuôn khổ hoạt động của Dự án “Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam II” do Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.

Hiệu quả thực thi, vai trò của địa phương và truyền thông

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết: Trong Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (Chương trình VNEEP3), Chính phủ đặt ra mục tiêu tiết kiệm từ 8 -10% trên tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia giai đoạn này, điều nay tương đương với việc tiết kiệm khoảng 60-80 triệu tấn dầu quy đổi. Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chương trình VNEEP3 xác định truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, có vai trò của các cấp chính quyền tại địa phương, các cơ quan truyền thông địa phương và trên khắp cả nước.

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, khi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành, nhiều địa phương, nhiều ban ngành coi việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là tự nguyện, tự giác. Đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã có sự thay đổi về mặt tư duy, tiết kiệm năng lượng dần đi vào nề nếp, các địa phương cũng dành sự quan tâm đúng đắn cho công tác này. Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đồng hành với các bộ, ngành, địa phương kiện toàn các quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như thực thi các quyết định này một cách chặt chẽ, nghiêm minh hơn để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tọa đàm "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Hiệu quả thực thi và vai trò của công tác truyền thông tại địa phương"

Cùng chung nhận định trên, ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng thông tin, Đà Nẵng đặt mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng tối thiểu 5% so với dự báo tổng tiêu thụ năng lượng toàn thành phố trong giai đoạn 2020-2025. Để đạt được mục tiêu này, Sở Công Thương Đà Nẵng cũng đã triển khai nhiều giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó việc tổ chức trao giải thưởng Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hàng năm đã tạo nên những tác động tích cực, với sự lan tỏa đến hơn 200 doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trên địa bàn thành phố. Thông qua giải thưởng, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng những giải pháp cơ bản nhất như thay thế các thiết bị cũ bằng thiết bị tối ưu công suất tiêu thụ điện và khí gas, sử dụng phần mềm quản lý năng lượng, sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời…

Bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương, theo chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình, Hiệp hội năng lượng Việt Nam, vai trò của công tác truyền thông là vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả . Ông cho rằng: “Công tác tuyên truyền giúp người dân nhận thức nếu mua thiết bị điện thì nên mua sản phẩm được dán nhãn tiết kiệm, kiến trúc sư thiết kế công trình thì nên thiết kế và lựa chọn các sản phẩm vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng… đây là vai trò và nhiệm vụ của truyền thông”.

Đặc biệt, để đảm bảo thông tin được chuẩn xác, tăng cường sự tương tác, hợp tác giữa chuyên gia và các phóng viên, nhà báo, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng sạch và tăng trưởng xanh cho rằng, các nhà báo cần gửi bài cho chuyên gia kiểm duyệt lại nội dung trước khi đăng tải, để đảm bảo thông tin tuyên truyền về lĩnh vực này gần gũi nhất với cộng đồng, từ đó biến những nội dung tuyên truyền này thành hành động thiết thực. 

Còn Phó Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Viết Nguyên cho biết, trong nhiều năm gần đây nhận thức của người dân và doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) nói chung, sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt trong năm 2023, khi chúng ta phải đối mặt với các khó khăn cung ứng điện thì cả nước và ngành Điện đã “chung tay tiết kiệm điện” rất tốt với kết quả tiết kiệm điện vượt mức chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt giai đoạn nắng nóng tháng 6, 7/2023 bình quân các tỉnh/thành phố thực hiện tiết kiệm điện đạt mức kế hoạch 116%.

"Với trách nhiệm đảm bảo cung ứng điện cho sự phát triển kinh tế-xã hội và tiêu dùng của nhân dân, EVN đã luôn đồng hành cùng khách hàng trong thực thi các chính sách của Nhà nước về sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm. EVN đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan ban ngành và hơn 31 triệu khách hàng trong thực thi các chương trình tiết kiệm điện một cách hiệu quả, thực chất. Trong đó giải pháp về “tuyên truyền tiết kiệm điện” là giải pháp được EVN và các đơn vị ưu tiên hàng đầu từ hàng chục năm nay" - Phó Trưởng ban Kinh doanh EVN nhấn mạnh.

Kết nối, phát huy vai trò của mạng lưới tiết kiệm năng lượng toàn quốc

Đánh giá về tình cấp thiết của việc hình thành mạng lưới tiết kiệm năng lượng (TKNL), nhiều đại biểu, chuyên gia tham dự tọa đàm đồng tình, để tiết kiệm năng lượng đi vào cuộc sống mạnh mẽ hơn, việc có mạng lưới TKNL gồm các nhân sự truyền thông TKNL, người quản lý năng lượng, chuyên gia, kiểm toán viên năng lượng và đặc biệt là mạng lưới truyền thông từ trung ương đến địa phương là rất cần thiết. Trong đó, các đơn vị hạt nhân tại địa phương cần phối hợp tổ chức thực hiện đồng bộ các chương trình quốc gia về TKNL, đồng thời chuẩn bị nguồn lực phù hợp để triển khai; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về tiêu thụ năng lượng, nâng cao năng lực thu thập, xử lý, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu tại địa phương và trong mạng lưới.

Phó Trưởng ban Kinh doanh EVN Trần Viết Nguyên chia sẻ tại tọa đàm.

Phó Trưởng ban Kinh doanh EVN Trần Viết Nguyên cho rằng, mạng lưới tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng được xây dựng với mục tiêu kết nối các tổ chức, cá nhân, các đơn vị điện lực tham gia để phổ biến, tuyên truyền, chia sẻ các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật, các kinh nghiệm, giải pháp thực hiện tiết kiệm điện, nâng cao ý thức tiết kiệm điện đến cộng đồng, các cơ quan quản lý, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp dịch vụ và các thành phần kinh tế thông qua các hoạt động đào tạo, phổ cập kiến thức, chiến dịch truyền thông và nhiều hoạt động khác thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030.

Đồng quan điểm, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng sạch và tăng trưởng xanh cho rằng, việc thiết lập mạng lưới thông tin về TKNL sẽ kết nối được với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có liên quan để cập nhật, chia sẻ kịp thời các cơ chế, chính sách và giải pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, để mạng lưới hoạt động một cách có hiệu quả cần quan tâm tới các nội dung như: xây dựng các tài liệu đào tạo, truyền thông về sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm; đào tạo, tập huấn cho các hội viên nghiệp vụ về SDNLTK&HQ; chủ động chia sẻ thông tin tới các nhà báo, phóng viên để tuyên truyền.

Ông Lê Anh Tuấn, Phụ trách Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Điện lực cho rằng, cần tìm kiếm và đề xuất các tổ chức, doanh nghiệp có các giải pháp SDNLTK&HQ có hiệu quả để nhân rộng cho các thành viên trong mạng lưới; kiến nghị công tác thi đua, khen thưởng đối với các thành viên, doanh nghiệp có thành tích cao trong SDNLTK&HQ, phân định rõ vai trò của các địa phương, doanh nghiệp và thành viên mạng lưới để triển khai các hoạt động có hiệu quả.