Tại buổi tiếp, đồng chí Phan Văn Mãi giới thiệu về tình hình kinh tế - xã hội TP. HCM. Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, phát triển bền vững, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là 3 hướng tập trung của TP. HCM trong kế hoạch phát triển sắp tới.
Đồng chí Phan Văn Mãi mong muốn LHQ, đặc biệt là ESCAP cho ý kiến về các mục tiêu phát triển của TPHCM theo tiêu chí phát triển bền vững. Theo đồng chí Phan Văn Mãi, cuối quý 3-2023, TPHCM dự kiến công bố kế hoạch chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và cam kết phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Về chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, đồng chí Phan Văn Mãi thông báo với bà Armida Salsiah Alisjahbana nguồn cung năng lượng xanh của TP. HCM hiện chiếm 8% tổng nguồn cung năng lượng và TPHCM đề ra mục tiêu đạt 30% từ nay đến năm 2030. Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết ,TPHCM đang triển khai thêm các dự án điện Mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện rác...
Đặc biệt, TP. HCM đang trình Quốc hội thí điểm phát triển năng lượng sạch, trao đổi tín chỉ carbon và TP. HCM mong muốn ESCAP giúp TP trong lĩnh vực này nhằm góp phần đưa TP. HCM đạt mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tiếp bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng Thư ký LHQ kiêm Thư ký Điều hành Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương
|
Bên cạnh đó, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định TPHCM luôn mong muốn được hợp tác, trao đổi, chia sẻ thông tin từ các tiểu ban của LHQ cũng như tham gia nhiều hơn nữa vào các diễn đàn của ESCAP.
Đồng chí Phan Văn Mãi cảm ơn bà Armida Salsiah Alisjahbana đã mời TP. HCM tham dự Hội thảo về phát triển đô thị châu Á - Thái Bình Dương do ESCAP chủ trì diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc từ 23 đến 25-10.
Về đề nghị của bà Armida Salsiah Alisjahbana cho rằng bên cạnh việc tăng nguồn cung năng lượng sạch, TP. HCM cần chú trọng chuyển đổi sử dụng năng lượng, nhất là các trong lĩnh vực giao thông vận tải, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết TPHCM hiện đã có taxi và xe buýt điện, vào cuối năm 2023 đưa vào vận hành tuyến metro số 1, khởi động xây dựng hệ thống tuyến metro số 2 với mục tiêu đạt 220km metro vào năm 2030.
Để thực hiện được mục tiêu này, theo đồng chí Phan Văn Mãi, TP. HCM cần nguồn tín dụng 20 tỷ USD, trước mắt huy động 10 tỷ USD, mong ESCAP giới thiệu thêm nguồn tín dụng để TP. HCM phát triển hệ thống metro.
Ngoài ra, TPHCM cũng tập trung cải tạo hệ thống giao thông đường thủy với nguồn tài chính ước tính 2 tỷ USD. TPHCM cũng tập trung chuyển đổi các phương tiện vận tải sang sử dụng năng lượng sạch, trước mắt tập trung vào các phương tiện phương tiện vận tải công nghệ, giao hàng.
Đồng chí Phan Văn Mãi mời bà Armida Salsiah Alisjahbana và các lãnh đạo ESCAP tham dự và đóng góp ý kiến Diễn đàn tăng trưởng xanh, phát triển bền vững do TP. HCM tổ chức vào tháng 9 tới.
Bà Armida Salsiah Alisjahbana cho biết, đây là lần đầu tiên bà đến thăm TP. HCM, một trong những đô thị lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương với hơn 10 triệu dân.
Bà Armida Salsiah Alisjahbana chia sẻ với đồng chí Phan Văn Mãi về nhiều thách thức trong việc quản lý và phát triển một đô thị lớn, trong đó thách thức lớn nhất liên quan biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của LHQ vào năm 2030.
Bà Armida Salsiah Alisjahbana đồng ý với các đề xuất của đồng chí Phan Văn Mãi và nhận lời mời tham dự Diễn đàn tăng trưởng xanh, phát triển bền vững do TPHCM tổ chức vào tháng 9 tới.
Theo bà Armida Salsiah Alisjahbana, Rà soát quốc gia tự nguyện (VNRs) là một phần của các cơ chế theo dõi và đánh giá về phát triển bền vững của LHQ, khuyến khích các quốc gia thành viên tiến hành đánh giá thường xuyên và toàn diện về tiến độ ở cấp quốc gia và địa phương do quốc gia lãnh đạo. ESCAP đang đánh giá hàng năm về VNRs, trong đó có Hội thảo về phát triển đô thị châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 10.
Theo bà Armida Salsiah Alisjahbana, đây là cơ hội tốt để TP. HCM cùng các TP khác ở châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, thành quả trong quy hoạch và phát triển bền vững cũng như kêu gọi đầu tư, huy động vốn cho phát triển bền vững.
Link gốc