Ông Nguyễn Duy Quốc Việt - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho biết, thành quả này là một hành trình dài của Tổng công ty từ năm 2003 đến nay, với việc triển khai từng bước các giải pháp, nhằm nâng cao nhận thức, thói quen của người dân trong việc sử dụng tiền mặt.
Cụ thể, EVNHCMC đã phối hợp với các ngân hàng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân bằng các hoạt động truyền thông mạnh mẽ và đồng loạt, nhằm tạo hiệu ứng về xu thế thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên hình thức trích nợ tự động.
Cùng với đó là các chính sách ưu đãi thông qua nhiều chương trình như: Chương trình quay số trúng thưởng của EVNHCMC dành cho khách hàng thanh toán tiền điện trực tuyến; chương trình khuyến khích trích nợ tự động thanh toán tiền điện của Vietcombank; các chương trình của Ngân hàng An Bình, Mservice (Ví Momo), Viettinbank, Techcombank..., mang lại rất nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng.
Đặc biệt, EVNHCMC cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng kịp thời các nhu cầu về mở rộng và đa dạng các kênh thanh toán điện tử; không ngừng phát triển thêm đối tác thu hộ có uy tín và nhiều tiềm năng.
Từ chỗ chỉ ký hợp đồng thu hộ tiền điện với 02 ngân hàng là Vietcombank và BIDV vào năm 2003, với hình thức thanh toán tiền điện qua thẻ ATM, đến nay, EVNHCMC đã hợp tác với 23 ngân hàng và 09 đối tác để thu tiền điện khách hàng qua 2.279 máy ATM, 6.973 điểm thu là các phòng giao dịch ngân hàng, các siêu thị tiện ích, hoặc qua SMS/Mobile/Internet Banking... giúp khách hàng có nhiều chọn lựa.
Theo ông Nguyễn Duy Quốc Việt, lãnh đạo Tổng công ty quyết tâm trong việc ứng dụng công nghệ phát triển các hình thức thanh toán điện tử.
Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của EVNHCMC, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã yêu cầu EVNHCMC lập kế hoạch để năm 2019, hoàn toàn thu tiền điện không sử dụng tiền mặt. Đây là một thách thức không nhỏ của Tổng công ty.
Để đẩy mạnh việc thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt, theo EVNHCMC, cần có sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp, ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và các tổ chức thanh toán trung gian để xây dựng các chính sách phí hợp lý, khuyến khích nhiều cá nhân tham gia; có các chương trình ưu đãi, các tiện ích thanh toán tiện lợi, đơn giản…
Đồng thời, cần đảm bảo sự liên thông, cũng như thống nhất mức phí thanh toán đối với các ngân hàng. Hiện nay, việc kết nối giữa các ngân hàng và ví điện tử còn nhiều hạn chế, đặc biệt về số lượng ngân hàng tham gia.
Nguyễn Thủy
Share