Thủy điện khô hạn, EVN phối hợp với địa phương xây dựng kế hoạch vận hành hồ chứa từng ngày

23:10, 24/04/2020

Ông Nguyễn Quốc Chính, Phó Trưởng ban Kỹ thuật – Sản xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có trao đổi ngắn với evn.com.vn về những tác động do thời tiết khô hạn cực đoan ảnh hưởng đến công tác vận hành các nhà máy thủy điện cũng như hệ thống điện.

Ông Nguyễn Quốc Chính, Phó Trưởng ban Kỹ thuật - Sản xuất EVN

PV: Xin ông cho biết tình hình sản xuất điện của các nhà máy thủy điện trong quý I/2020?

Ông Nguyễn Quốc Chính: Năm 2020, theo kế hoạch, EVN sản xuất trên 260 tỷ kWh, trong đó thuỷ điện khoảng 72 tỷ kWh. Cho đến hết quý I, sản lượng thuỷ điện huy động được chỉ đạt 8,93 tỷ kWh, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước (12,4 tỷ kWh năm 2018; 10,8 tỷ kWh năm 2019) và thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Riêng trong tháng 3/2020, hầu hết các nhà máy thủy điện sản xuất chỉ đạt từ 70% - 90% theo phương thức tháng (mặc dù phương thức đặt ra đã điều chỉnh phù hợp với tình hình thuỷ văn cũng như mục đích tăng cường tích nước cho mùa khô). Cá biệt có NMTĐ Lai Châu chỉ đạt 11% phương thức tháng do lưu lượng nước về hồ Lai Châu quá thấp.

Dự báo, sản lượng thủy điện còn tiếp tục giảm trong các tháng tiếp theo của mùa khô năm nay, do dung tích hữu ích trên các hồ còn ít và dòng chảy đến các hồ thấp hơn nhiều so với năm 2019 cũng như trung bình nhiều năm.

PV: Dự báo, tình hình nước về các hồ thủy điện trong thời gian tới có được cải thiện không, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Chính: Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, thời gian tới, khô hạn và cạn kiệt vẫn là chủ đạo, đặc biệt là khu vực Trung Bộ (từ Thanh Hoá đến Bình Thuận) và Tây nguyên.

Năm ngoái, chúng ta đã trải qua một năm đặc biệt khô hạn. Các lưu vực sông hầu như không có lũ (đặc biệt là các lưu vực lớn như sông Đà, sông Đồng Nai, sông Sê San…) dẫn đến các hồ chứa không tích được nước theo kế hoạch. Dù vậy, các nhà máy vẫn phát điện phục vụ kinh tế xã hội, cấp nước cho dân sinh, sản xuất nông nghiệp vùng hạ du. Đến các tháng đầu năm 2020, dòng chảy đến các hồ chứa thuỷ điện cũng thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm dẫn đến việc khai thác các nhà máy thuỷ điện rất hạn chế. Hiện tại, một số hồ chứa có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo cấp nước cho hạ du đang có mực nước rất thấp, dung tích còn lại rất nhỏ (như hồ A Vương, Sông Bung 4, Ka Nak, Đại Ninh, Hàm Thuận, Đơn Dương…). 

EVN đang cùng các địa phương có liên quan lập và thực hiện kế hoạch vận hành chi tiết theo từng ngày, từng tuần, từng tháng tuỳ thuộc vào lượng nước về và nhu cầu thực tế, để đảm bảo đáp ứng cao nhất các nhu cầu nước cho dân sinh ở vùng hạ du, cũng như nhu cầu cấp thiết cho sản xuất kinh doanh.

Hiện tại, để giữ nước trên các hồ thuỷ điện cho cao điểm mùa khô 2020, EVN đã phải tăng cường phát điện của các loại hình có giá thành sản xuất cao (như nhiệt điện dầu). Trong đó, quý I, Tập đoàn huy động 33,91 tỷ kWh nhiệt điện than, tăng 21,3 % so với cùng kỳ năm 2019; nhiệt điện dầu huy động 1,02 tỷ kWh, tăng gần 1 tỷ kWh so cùng kỳ năm 2019. 

Cửa nhận nước Nhà máy Thủy điện Hòa Bình cạn kiệt (ảnh chụp thời điểm cuối tháng 3/2020)

PV: Để sử dụng nguồn nước còn lại tiết kiệm, hiệu quả, EVN đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Chính: Ngay từ cuối năm 2019, nhận thấy tình hình khó khăn về thuỷ văn, cũng như khả năng tích nước của các hồ chứa thuỷ điện, EVN đã phối hợp với các bộ, ban ngành báo cáo Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 04 năm 2020 về triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Thực hiện Chỉ thị này, EVN đã phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài Nguyên và Môi trường, Công Thương,…, và các địa phương lập kế hoạch chi tiết vận hành các hồ chứa thuỷ điện ưu tiên đáp ứng nhu cầu dùng nước của nhân dân vùng hạ du và đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Các bộ, ban ngành cũng hỗ trợ tối đa cho EVN về thực hiện các giải pháp trong Chỉ thị và có văn bản hướng dẫn, hỗ trợ cần thiết cho EVN. 

Tuy vậy, Tập đoàn tiếp tục kiến nghị các địa phương có phương án sử dụng nước hiệu quả, hạn chế các yêu cầu xả nước vượt quá nhu cầu thực tế, nhằm tránh lãng phí nguồn nước, đảm bảo đủ nước cho phát điện đến cuối mùa khô. Ngoài ra, EVN mong muốn người dân cùng chung tay bằng cách sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt các thiết bị điện không cần thiết để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

PV: Xin cảm ơn ông!


Ngân Hà (thực hiện)

Share