Đây là Hội thảo chuyên sâu nhằm đưa ra những phân tích, nhận định đa chiều, đánh giá khách quan về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc chuyển đổi năng lượng sạch; cung cấp kiến thức cho doanh nghiệp về ứng dụng khí LNG trong khu đô thị, nhà máy sản xuất điện, khu công nghiệp; tổng hợp các giải pháp đột phá từ các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp... về sử dụng dữ liệu phát thải, phương pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và xây dựng lộ trình chuyển năng lượng sạch cho doanh nghiệp công nghiệp, xây dựng và cơ sở hạ tầng…
Toàn cảnh hội thảo. Nguồn ảnh: Báo xây dựng
|
Theo TS. Nguyễn Hữu Lương, chuyên gia cao cấp – Viện Dầu khí Việt Nam, nhiều công ty đang chuyển sang sử dụng LNG để giảm thiểu tác động môi trường. Ứng dụng của LNG bao gồm 5 ứng dụng chính, bao gồm: Dân dụng và thương mại như làm nhiên liệu để nấu ăn, sưởi ấm hộ gia đình và tòa nhà; trong lĩnh vực giao thông vận tải sẽ làm nhiên liệu để thay thế cho DO & FO; trong công nghiệp làm nhiên liệu để cung cấp năng lượng cho sản xuất thép, xi măng, gốm... Điện khí/LNG sạch hơn 1/2 phát thải so với điện than truyền thống, là bước chuyển tiếp từ than sang năng lượng tái tạo; trong hóa chất/hóa dầu: sản xuất phân bón, các loại nhựa, xơ, sợi...
Trong công nghiệp, LNG là một loại nguyên liệu đốt sạch, sản sinh lượng khí thải CO2 ít hơn đáng kể so với các loại nhiên liệu hóa thạch truyền thống. LNG cũng hiệu quả hơn các dạng khí tự nhiên khác vì tiêu tốn ít năng lượng hơn để làm lỏng và vận chuyển trên khoảng cách dài. Với nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng bền vững, nhiều ngành công nghiệp đang chuyển sang sử dụng LNG như một cách để giảm lượng khí thải carbon và tuân thủ các quy định.
Trong xây dựng, LNG là một nguồn nhiên liệu sạch hơn so với dầu Diesel truyền thống, ít khí thải độc hại hơn tại các công trường xây dựng. Thiết bị xây dựng chạy bằng LNG có thể tiết kiệm chi phí đáng kể do chi phí nhiên liệu thấp hơn và tuổi thọ động cơ lâu hơn. LNG cũng có thể sử dụng tại các công trường xây dựng ở vùng sâu vùng xa nơi các nguồn nhiên liệu khác có thể không dễ dàng tiếp cận.
Trong Logistics Vận tải, LNG là một nguồn nhiên liệu sạch cho tàu vận tải, sản xuất ra lượng lưu huỳnh và chất thải rắn đáng kể ít hơn so với dầu DO truyền thống. Các tàu chạy bằng LNG cũng yên tĩnh và tiết kiệm nhiên liệu hơn so với các tàu truyền thống. Với sự thúc đẩy toàn cầu về vận tải bền vững, nhiều công ty đang chuyển sang sử dụng LNG như một cách để tuân thủ các quy định và giảm thiểu tác động môi trường.
Về nhu cầu thị trường khí Việt Nam, bao gồm khí tự nhiên nội địa và khí LNG nhập khẩu giai đoạn 2030 – 2050, cơ cấu nguồn cung khí tại Việt Nam từ nguồn mỏ trong nước sẽ chiếm từ 40% – 45%, nhu cầu khí nhập khẩu LNG ở Việt Nam sẽ giao động từ 55% - 60%. Nhu cầu sử dụng LNG sẽ tập trung tại 4 lĩnh vực: Sản xuất điện; xông nghiệp; sản xuất phân bón và hóa dầu.
Trong bối cảnh về chuyển dịch năng lượng, có 4 xu hướng phát triển của LNG: Thứ nhất là LNG quy mô nhỏ, thứ hai là LNG trung hòa carbon, thứ ba là đồng đốt trong nhà máy điện, thứ tư là hydrogen lam.
Theo TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, các điều kiện tiên quyết hay điều kiện cần và đủ, “chìa khóa” để hiện thực hóa các dự án khí điện LNG theo Quy hoạch điện VIII nằm ở các cam kết dài hạn, trung hạn và ngắn hạn; cơ chế thị trường cho chuỗi khí điện LNG và các hộ tiêu thụ điện. Đặc biệt, cần phải đổi mới nhận thức và tư duy từ xây dựng cơ chế chính sách, tới triển khai thực hiện cũng như tăng cường hợp tác quốc tế sâu rộng. Cần thiết phải có một Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội cho lĩnh vực năng lượng, trong đó có điện khí LNG.
Nhiều chuyên gia đánh giá, LNG là loại khí thiên nhiên có độ tin cậy cao, an toàn cho con người và môi trường. Đây được coi là nhiên liệu hóa thạch sạch, có hiệu quả kinh tế cao. Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm thúc đẩy ứng dụng khí mới LNG, chuyển đổi xanh ngành công nghiệp. Đồng thời, cùng nhau trao đổi, thảo luận về việc chia sẻ cơ hội cũng như thách thức trong chính sách, nguồn vốn, thị trường cùng các giải pháp để hiện thực hoá mục tiêu phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII.