1. Các hoạt động có tính công ích:
1.1 Đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo
Nguồn vốn ngân sách nhà nước phân bổ cho EVN giai đoạn 2021-2025 đã được sử dụng hết. Năm 2023, các Tổng công ty Điện lực (TCTĐL) đã chủ động thu xếp các nguồn vốn (vốn vay thương mại, vốn tự có) để cấp điện cho các hộ dân chưa có điện tại địa bàn khó khăn thuộc các tỉnh Nghệ An, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Lâm Đồng, Trà Vinh, Đắk Lắk, Đắc Nông… Về cấp điện huyện đảo, xã đảo: đang triển khai thủ tục đầu tư cấp điện lưới quốc gia cho huyện Côn Đảo. Đồng thời, các TCTĐL tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp điện tại các huyện đảo, xã đảo đáp ứng nhu cầu điện phục vụ đời sống của cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên đảo.
Tính đến cuối năm 2023, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,74%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,60%.
1.2 Tách bạch chi phí hoạt động công ích
Ngày 30/9/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 07/2021/TT-BCT về việc bãi bỏ toàn bộ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành (Thông tư số 07/2021/TT-BCT) và có hiệu lực từ ngày 25/11/2021. Tại Điều 1 Thông tư số 07/2021/TT-BCT có nêu “...15. Thông tư số 24/2018/TT-BCT ngày 31 tháng 8 năm 2018 của Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thực hiện theo phương thức Nhà nước đặt hàng sử dụng nguồn ngân sách Trung ương”. Như vậy, kể từ ngày 25/11/2021 Thông tư số 24/2018/TT-BCT đã hết hiệu lực thi hành và đến nay chưa có Thông tư thay thế hoặc hướng dẫn. Vì vậy đối với việc tách bạch hoạt động điện công ích năm 2023 EVN chưa có cơ sở, hướng dẫn để thực hiện.
2. Trách nhiệm xã hội:
2.1 Trách nhiệm bảo vệ môi trường:
EVN luôn nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) trong quá trình hoạt động của Tập đoàn và các đơn vị. Theo đó, EVN đã thường xuyên cập nhật, phổ biến, hướng dẫn các đơn vị thành viên các quy định mới của pháp luật trong lĩnh vực BVMT, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh để đảm bảo tính tuân thủ pháp luật BVMT của các đơn vị thành viên.
Trong năm 2023, EVN đã rà soát và ban hành nhiều văn bản quán triệt, chỉ đạo các đơn vị, trong đó yêu cầu các đơn vị đảm bảo tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật và của Tập đoàn về BVMT, tuyệt đối không để xảy ra sự cố môi trường, vi phạm các quy định về BVMT trong quá trình đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh.
Nhằm phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực BVMT và kịp thời hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của các đơn vị trong quá trình thực hiện các quy định của Luật BVMT và các Nghị định, Thông tư liên quan, trong Quý I/2023 EVN đã tổ chức Hội nghị tập huấn và đào tạo công tác BVMT cho lực lượng cán bộ làm công tác BVMT tại tất cả các đơn vị cấp II, cấp III, đồng thời EVN đã cử các cán bộ tập huấn riêng, cụ thể cho từng Tổng công ty về công tác BVMT.
EVN luôn quán triệt, chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ nộp thuế, phí tài nguyên nước, phí bảo vệ môi trường cũng như các cam kết trong Hồ sơ môi trường được duyệt. Trong năm 2023 tổng chi phí nộp thuế, phí tài nguyên nước và thực hiện công tác BVMT trong toàn EVN là khoảng 5.756,26 tỷ đồng.
Trong giai đoạn đầu tư xây dựng, EVN luôn triển khai thực hiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ môi trường đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường và các yêu cầu của nhà tài trợ. Công tác giám sát môi trường trong giai đoạn thi công các dự án như Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng và các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch,... vẫn được kiểm soát chặt chẽ.
Trong giai đoạn sản xuất kinh doanh, EVN đã chỉ đạo, điều hành, đôn đốc tất cả các đơn vị thành viên thực hiện đúng và đầy đủ tất cả các cam kết trong các Hồ sơ môi trường đã được phê duyệt. Theo đó, tại tất cả các nhà máy điện đang vận hành đều cơ bản lắp đặt đầy đủ các hệ thống xử lý môi trường nước thải và khí thải, các hệ thống quan trắc môi trường tự động liên tục để thực hiện theo dõi, giám sát môi trường thường xuyên, kết quả quan trắc đều đáp ứng yêu cầu cho phép và công khai thông tin theo quy định.
Bên cạnh đó, trong năm 2023, EVN đã có nhiều văn bản báo cáo, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đối với các nội dung quy định về thẩm quyền cấp giấy phép môi trường, đối tượng phải thực hiện thủ tục giấy phép môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm giải quyết các vướng mắc và tối ưu hóa nguồn lực cho xã hội; kiến nghị hướng dẫn về phương pháp thực hiện kiểm kê khí nhà kính và các cơ chế, chính sách phục vụ công tác giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Về tiêu thụ tro xỉ các nhà máy nhiệt điện than, tỷ lệ tiêu thụ tro xỉ năm 2023 đạt ~109,22% khối lượng tro xỉ phát sinh trong năm, trong đó 8,48 triệu tấn tro xỉ đã được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng góp phần làm giảm sử dụng tài nguyên khoáng sản, giảm tác động môi trường.
Về kiểm kê khí nhà kính, EVN đã báo cáo Bộ Công Thương số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương cho các năm 2020 và năm 2022 của các đơn vị nhiệt điện, thủy điện trực thuộc và cung cấp thông tin số liệu phục vụ tính toán hệ số phát thải của lưới điện Việt Nam năm 2022.
EVN và các đơn vị thành viên luôn tích cực tổ chức, tham gia, tuyên truyền các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới, Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023.
2.2 Trách nhiệm đóng góp cho cộng đồng xã hội
a. Chương trình an sinh xã hội:
Mặc dù tình hình tài chính của EVN năm 2022 và năm 2023 gặp rất nhiều khó khăn do chi phí nhiên liệu tăng cao, trong năm 2023 EVN và các đơn vị vẫn duy trì các hoạt động an sinh xã hội có ý nghĩa thiết thực, thể hiện trách nhiệm cao với cộng đồng và xã hội phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị. Trong đó:
- Đóng góp, hỗ trợ các công trình và các hoạt động an sinh xã hội trên nhiều địa phương với tổng giá trị hơn 77,3 tỷ đồng, bao gồm các hoạt động chính như: Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trường học; Hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa 234 nhà tình nghĩa; Ủng hộ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai… Ngoài ra, các đơn vị thuộc EVN còn thực hiện các hoạt động an sinh xã hội khác như chăm sóc phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, hỗ trợ người nghèo, ủng hộ gia đình và các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng.
- Tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện Tuần lễ hồng EVN lần thứ IX với thông điệp “Vạn trái tim - Một tấm lòng”. Đây là hoạt động thường niên được EVN tổ chức lần thứ 9 liên tiếp và đã đóng góp được hơn 83.400 đơn vị máu cho “ngân hàng máu” trên toàn quốc.
- Tổ chức triển khai hoạt động thường niên “Tháng tri ân khách hàng năm 2023” với chủ đề “Đồng hành cùng khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả” với mục tiêu hỗ trợ khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
b. Trách nhiệm với người lao động trong doanh nghiệp:
* Về tiền lương và thu nhập:
Năm 2023 tiếp tục là một năm hết sức khó khăn đối với EVN và các đơn vị thành viên trong việc cân đối tài chính do giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ tăng cao. Mặc dù đã nỗ lực thực hiện các giải pháp trong nội tại của EVN nhưng EVN vẫn bị mất cân đối tài chính. Mặc dù vậy, EVN vẫn cố gắng đảm bảo việc làm, đời sống, ổn định thu nhập cho người lao động.
Về việc chi trả lương: EVN và các đơn vị luôn đảm bảo trả lương kịp thời theo các quy chế hiện hành, người lao động được chi trả đầy đủ lương và các khoản phụ cấp theo đúng chế độ chính sách lao động; chi trả đúng và đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm theo đúng quy định của Bộ luật Lao động.
* Về chế độ, chính sách cho người lao động:
Về tình hình thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động: EVN và các đơn vị thành viên thực hiện đầy đủ chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật, các văn bản hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và các BHXH địa phương; đảm bảo các chế độ, quyền lợi cho người lao động. Không có tình trạng nợ BHXH.
Về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: Thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi của người lao động đều đảm bảo đúng quy định của Bộ luật Lao động và Thỏa ước lao động tập thể của Tập đoàn. Người làm việc theo giờ hành chính không quá 8 giờ trong một ngày, 40 giờ trong một tuần; người làm việc theo ca không quá 40 giờ trong một tuần.
Người lao động của EVN đều được tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm theo quy định của pháp luật (ít nhất 01 năm 01 lần), đối với lao động làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được khám định kỳ 6 tháng và bồi dưỡng bằng hiện vật. Một số đơn vị tổ chức khám chuyên khoa cho người lao động là nữ, mức chi phí khám sức khỏe được đảm bảo nên chất lượng khám cho người lao động ngày càng nâng cao. Đối với người lao động có sức khỏe loại 4, loại 5 và làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tổ chức đi nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe.
Đối với người lao động thôi việc: EVN và các đơn vị đều thực hiện các thủ tục chấm dứt Hợp đồng lao động và giải quyết các chế độ cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật lao động.
Đối với người lao động nghỉ việc theo nguyện vọng trước tuổi nghỉ hưu còn được hỗ trợ thêm theo quy định tại Quyết định số 840/QĐ-EVN ngày 26/7/2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ngoài ra, đời sống người lao động của EVN đều được quan tâm như: được hỗ trợ khi bản thân, người trong gia đình bị ốm đau; được tạo môi trường làm việc tốt và được ghi nhận những đóng góp, tạo cơ hội thăng tiến bình đẳng cho người lao động.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam kính báo cáo./.
Xem file tại đây