Ngoài ra việc nhận thức về hiệu quả tài chính, rào cản kỹ thuật và chất lượng nguồn nhân lực hiện nay cũng đã và đang là những rào cản lớn của công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.
Nhìn nhận đầu tư đúng và toàn diện hơn
Tại hội thảo “Xu hướng sử dụng vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam” do Bộ Xây dựng phối hợp với Eurowindow tổ chức mới đây, những con số thống kê sơ bộ được đưa ra cho thấy, số lượng công trình được chứng nhận xanh ở nước ta còn rất khiêm tốn.
Trong khi tại Malaysia có 125 công trình xanh, Singapore có hơn 2.000 công trình xanh ở thì Việt Nam mới chỉ có chưa đến 100 công trình. Con số này là thấp so với hàng chục nghìn công trình lớn đã và đang đầu tư xây dựng hiện nay.
Ông Đỗ Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia đánh giá, nhiều chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản khi đầu tư vào công trình xanh, hiệu quả năng lượng còn băn khoăn về hiệu quả đầu tư của công trình, đặc biệt ngộ nhận chi phí phát sinh của công trình xanh cao hơn công trình thông thường đến gần 30%, trong khi nghiên cứu chỉ ra con số đó chỉ dao động từ 2% – 12%.
Với việc phát huy tối ưu hiệu quả năng lượng của công trình, Ngôi nhà Xanh của Liên Hợp Quốc đã được Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam trao chứng chỉ hạng Bạch Kim, hạng cao nhất trong hệ thống đánh giá dành cho công trình xây dựng xanh - Ảnh: Thành Trung. |
Theo đó, nhà đầu tư cần xây dựng chiến lược tài chính ngay từ giai đoạn đầu tiên của dự án, làm việc với đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm và theo sát quy trình để đảm bảo giữ chi phí phụ trội ở mức tối thiểu tương ứng với mục đích xây dựng.
Thêm vào đó, nhà đầu tư cần phải nhận thức rõ ràng về hiệu quả tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí vận hành và bảo dưỡng của công trình xanh. Đó là chưa kể đến lợi ích về sức khỏe và hiệu suất làm việc của người sử dụng, điều mà sẽ góp phần thúc đẩy lợi nhuận và nâng cao hình ảnh về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Ngoài ra, công trình hiệu quả năng lượng hiện nay vẫn chủ yếu được phát triển trong phân khúc cao cấp và khách hàng phải trả giá cao để có chất lượng sống tốt hơn. Như vậy sẽ bỏ lỡ thị trường phân khúc thấp và trung bình vốn có nhiều khách hàng và tiêu tốn nhiều tài nguyên hơn cả. Việc đầu tư triển khai các giải pháp thiết kế hiệu quả năng lượng ở công trình có giá thấp và trung bình sẽ là một xu hướng kỳ vọng trong tương lai. Hướng đi này cũng đòi hỏi sự tham gia của các bên từ giai đoạn tiền thiết kế.
Chia sẻ nền tảng kỹ thuật và nâng cao năng lực
Theo Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia - Đỗ Thanh Tùng, nền tảng kỹ thuật trong thiết kế, xây dựng và vận hành là yếu tố cốt lõi trong công trình hiệu quả năng lượng. Tuy nhiên, rào cản kỹ thuật và năng lực thiết kế đang cản trở sự phát triển của lĩnh vực này tại Việt Nam, việc này đặt ra yêu cầu thúc đẩy thay đổi nhận thức, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm cũng như hợp tác phát triển giữa đội ngũ dự án, chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước.
Trên cơ sở ý tưởng về quy trình thiết kế tích hợp làm nền tảng, ngay từ giai đoạn thiết kế - xây dựng - vận hành, đội dự án phải có sự tham gia của: nhà quản lý, chủ dự án, kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng dân dụng, kỹ sư kết cấu, kỹ sư hệ thống cơ, điện và nước, đơn vị thiết kế nội thất, chuyên gia mô phỏng năng lượng, khí hậu,… Nếu chỉ có trao đổi thông tin một chiều, làm việc độc lập, các hệ thống công trình không thể được tối ưu và dẫn đến phát sinh chi phí. Đặt trong yêu cầu khắt khe của công trình xanh, vai trò của quy trình thiết kế tích hợp càng quan trọng hơn do quy trình thiết kế từ giai đoạn đầu có thể quyết định hiệu quả đầu ra cuối cùng.
Công việc của người thiết kế, xây dựng gắn bó mật thiết với người vận hành. Thiết kế tốt thì hỗ trợ tốt cho vận hành, ngược lại người vận hành cần tiếp tục tối ưu hóa hiệu suất hơn nữa. Ngay cả khi một công trình được thiết kế và xây dựng hướng tới hiệu suất cao thì về bản chất, không có công trình nào luôn luôn đảm bảo hiệu quả năng lượng. Vì thế đòi hỏi người phụ trách vận hành phải cam kết thực hiện nghiệm túc những vấn đề trong vận hành nhằm cải thiện tiện nghi, tối ưu sử dụng năng lượng và phát triển sáng kiến tiết kiệm tài nguyên.
KTS Nguyễn Quốc Thông - Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, để công trình xanh, hiệu quả năng lượng phát huy tối ưu hiệu quả cần phải có sự tham gia của tất cả các bên ngay từ giai đoạn ban đầu trong quá trình hình thành đến khi kết thúc các dự án xây dựng. Trên cơ sở đó, có thể thấy được nhu cầu phát triển hợp tác nhằm đóng góp kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn mang lại giá trị cao nhất cho hiệu quả năng lượng trong các công trình.