Điện mặt trời: Lợi thì có lợi, nhưng…

Hàng loạt dự án điện mặt trời vào vận hành trong quý II/2019 được coi là sự bổ sung kịp thời cho hệ thống điện quốc gia, tuy nhiên các chuyên gia cũng chỉ ra những nguy cơ tiềm ẩn…

Ảnh minh họa

Phát điện “phập phù”

Dự kiến, gần 90 nhà máy điện mặt trời (ĐMT) đóng điện hòa lưới chỉ trong 3 tháng quý II/2019 với tổng công suất gần 5.000 MWp – theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đây là một kỷ lục trong lịch sử ngành Điện Việt Nam về số lượng và tiến độ đóng điện các nhà máy mới hòa lưới lần đầu.

Nguồn ĐMT khi vận hành sẽ đóng góp sản lượng nhất định cho hệ thống trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện hiện hữu, dù vậy những khó khăn đặt ra trong công tác vận hành an toàn hệ thống điện là không nhỏ - đó là ý kiến của ông Nguyễn Đức Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Điện Quốc gia (A0).

Đơn cử, ĐMT hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, công suất phát thay đổi liên tục trong ngày và không thể tính toán được. Để vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia, A0 phải khởi động nhiều tổ máy ở các nhà máy điện truyền thống (nhưng không cho phát công suất) để dự phòng nóng.

Hiện nay, ở miền Nam, A0 đang dự phòng khoảng 100 - 200 MW. Con số này phải tăng lên từ 300 - 600 MW trong thời gian tới, tùy theo công suất điện mặt trời đưa vào vận hành.

Đáng nói, trong nhiều thời điểm, nhu cầu sử dụng điện tăng cao khiến hệ thống điện không còn dự phòng. Do đó, A0 phải huy động các tổ máy nhiệt điện dầu là nguồn đắt tiền, để bù đắp cho nguồn năng lượng tái tạo.

Vẫn có thể tác động tiêu cực đến môi trường

Theo các chuyên gia, ĐMT là nguồn năng lượng tương đối “sạch”, được ứng dụng hiệu quả nhất trong các nguồn năng lượng tái tạo. Dù vậy, ĐMT vẫn ẩn chứa nguy cơ tác động đến môi trường và xã hội.

GS.TSKH.Trương Quang Học, Viện Tài nguyên và Môi trường (ĐHQG Hà Nội) bày tỏ sự băn khoăn về việc tháo dỡ, tái chế hay xử lý phế phẩm pin mặt trời sẽ diễn ra như thế nào, vì hiện vẫn chưa có những đánh giá cụ thể.

Những tác động tới môi trường của tấm pin điện mặt trời trong quá trình vận hành là rất ít, tuy nhiên khi kết thúc vòng đời, nếu xử lý không tốt thì có thể gây ra hệ lụy cho môi trường.

Còn bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GREEN ID) cho rằng, các cơ sở sản xuất ĐMT buộc phải có diện tích lớn để đặt pin mặt trời thu năng lượng, do đó, có thể gây ra một số hệ lụy như xói mòn đất, ảnh hưởng tới hệ thống thoát nước hay hệ sinh thái (thảm thực vật, sinh vật sinh sống…).

Không những thế, việc xây dựng và vận hành các cơ sở ĐMT quy mô lớn ở khu vực nào có thể gây ra những tác động kinh tế - xã hội đáng lưu tâm cho khu vực đó, như các tác động về nhu cầu việc làm, nhà ở, sinh hoạt hay dịch vụ…

Bà Ngụy Thị Khanh cho rằng, giải quyết được những vấn đề này, ĐMT là một thứ năng lượng thực sự ‘sạch’, hơn hẳn so với các loại năng lượng truyền thống khác.


  • 11/06/2019 08:37
  • Huy P.
  • 2404