Điện mặt trời mái nhà mang lại lợi ích gì?

Xoay quanh nội dung về phát triển điện mặt trời mái nhà và những lợi ích từ nguồn điện này, tietkiemnangluong.vn đã có cuộc trao đổi với ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam).

Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh

PV: Thưa ông, là chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực năng lượng tái tạo nhiều năm, xin ông cho biết cụ thể về tiềm năng phát triển điện mặt trời nói chung, điện mặt trời mái nhà nói riêng?

Ông Hà Đăng Sơn: Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới năm 2017 thì tiềm năng điện mặt trời mái nhà tại TP. HCM là 6.379MW còn tại Đà Nẵng là 1.140MW. Báo cáo này cũng đưa ra ước tính trên quy mô toàn quốc có thể đạt được tối đa khoảng 370GW điện mặt trời mái nhà, tuy nhiên những tính toán này cũng chỉ mang tính chất tham khảo.

Bộ Công Thương hiện đang đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ có 100.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt với tổng công suất 1.000MWp. Nghiên cứu của chúng tôi có dự báo vào năm 2020 tổng công suất điện mặt trời mái nhà vào khoảng 2.200MWp.

PV: Việc phát triển điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam đem lại những lợi ích gì cho người tiêu dùng cũng như cho hệ thống điện, thưa ông?

Ông Hà Đăng Sơn: Với người tiêu dùng điện mặt trời mái nhà giúp giảm tiền điện, chủ động nguồn cung trong điều kiện nắng nóng, khô hạn. Còn với hệ thống điện giúp giảm phụ tải và áp lực về cung ứng điện cũng như xây dựng đường dây truyền tải mới.

Theo ông Sebatian Paust – đại diện Đại sứ quán Đức tại hội thảo khởi động Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam cuối tháng 7/2019, nước Đức có tới 70% công suất điện mặt trời đang vận hành là điện mặt trời mái nhà, điều này cho thấy vai trò quan trọng của loại hình nguồn điện tái tạo này trong cơ cấu nguồn điện quốc gia.

PV: Thưa ông, nhiều người cho rằng, lắp đặt điện mặt trời mái nhà ở khu vực miền Bắc sẽ không hiệu quả, do số thời gian nắng ít hơn các vùng miền khác. Ý kiến này có đúng không? Ông có lời khuyên gì với người dân khi còn đang băn khoăn trong việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà? 

Ông Hà Đăng Sơn: Rõ ràng là khu vực miền Trung và miền Nam có lợi thế hơn hẳn miền Bắc về số giờ nắng và độ trong của không khí, cũng như mức độ ít biến động của nhiệt độ và độ ẩm nên hiệu quả của các hệ thống điện mặt trời này sẽ cao hơn. Tuy nhiên với mục tiêu lắp đặt nguồn năng lượng điện mặt trời này để cắt giảm phụ tải thì hiệu quả sẽ bao gồm việc giảm tiền điện tiêu thụ ở các bậc giá điện cao và phần điện năng dư bán lên lưới theo biểu giá FIT quy định tại Quyết định 13/2020 là 1943 đồng/kWh (~ 8,38 USc/kWh).

Điện mặt trời mái nhà ngày càng được người dân lựa chọn sử dụng - Ảnh: Minh Phương.

PV: Hiện Việt Nam đã có những cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà như thế nào?

Ông Hà Đăng Sơn: Định hướng hỗ trợ phát triển điện mặt trời mái nhà đã được nêu rõ trong Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo với mục tiêu tạo nguồn phân tán để giảm phụ tải tại chỗ, tránh gây áp lực phải xây dựng các tuyến truyền tải mới.

Về cơ chế chính sách, Chính phủ đã ban hành cơ chế giá FIT theo Quyết định (QĐ) 11 năm 2017, theo đó các dự án điện mặt trời mái nhà được hưởng mức giá 2.086 đồng/kWh (tương đương 9,35 xu Mỹ/kWh). Sau khi QĐ11 hết hiệu lực vào cuôí tháng 6/2019, dù Chính phủ chưa ban hành QĐ thay thế nhưng Bộ Công Thương đã ban hành QĐ 2023 vào tháng 7/2019 phê duyệt Chương trình thúc đẩy điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019-2025, nhờ vậy đã có hơn 650MWp điện mặt trời mái nhà được lắp đặt tính tới cuối tháng 5/2020.

Với việc ban hành QĐ13 vào tháng 4/2020, điện mặt trời mái nhà được hưởng mức giá FIT cao nhất trong 3 loại hình đầu tư điện mặt trời là 1.943 đồng/kWh (tương đương 8,38 xu Mỹ/kWh). Với mức giá này chắc chắn đầu tư điện mặt trời mái nhà sẽ bùng nổ trong giai đoạn tới cuối năm 2020 và vượt mục tiêu công suất 1.000 MWp đã nêu trong QĐ 2023 của Bộ Công Thương.

PV: Theo ông, những khó khăn, "nút thắt" lớn nhất khi phát triển điện mặt trời mái nhà hiện nay là gì, thưa ông?

Ông Hà Đăng Sơn: Về phía cơ quan nhà nước, có sự chưa thống nhất về giải thích văn bản hướng dẫn cũng như các quy định liên quan (ví dụ như về “công trình xây dựng”, “công trình nông nghiệp công nghệ cao”, hay yêu cầu về sửa đổi giấy phép xây dựng). Về nhà đầu tư, rõ ràng có nhiều trường hợp cố tình hiểu sai để lợi dụng chính sách.

PV: Giải pháp để phát triển có hiệu quả điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Hà Đăng Sơn: Theo tôi vẫn tiếp tục duy trì cơ chế giá FIT, với những quy định chặt chẽ hơn về quy mô công suất. Có thể tham khảo kinh nghiệm phát triển của nước Đức và các nước phát triển, theo đó: Các hệ thống điện mặt trời mới lên đến 100kWp sẽ nhận được FIT cố định.

Các hệ thống điện mặt trời mới từ 100 đến 750kWp phải bán năng lượng từ hệ thống bằng cách tiếp thị trực tiếp cho bên mua. Hệ thống điện mặt trời mới trên 750kWp được yêu cầu tham gia vào các cuộc đấu thầu và không được sử dụng để tự sản xuất nội bộ.

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 01/09/2020 02:26
  • Thanh Trường (thực hiện)
  • 2004